Xin ông cho biết tại sao Vietcombank lại quan tâm đến diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nhật?
Năm 2013 kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt-Nhật cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập Vietcombank.
Trong suốt 50 năm phát triển của mình, Vietcombank luôn dành sự quan tâm nhiều đến các đối tác, khách hàng Nhật Bản.
Sự gắn bó giữa Vietcombank với các cơ quan và doanh nghiệp Nhật Bản càng được thể hiện đặc biệt qua việc Vietcombank đã lựa chọn Mizuho Corporated Bank- ngân hàng lớn thứ 3 của Nhật - là đối tác chiến lược để cùng hiện thực hóa những cam kết trong việc phát triển kinh doanh của hai ngân hàng, của các doanh nghiệp, khách hàng hai bên cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của hai quốc gia.
Vietcombank tham gia vào Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt – Nhật lần này không chỉ nằm trong hoạch định kinh doanh của Vietcombank mà còn thể hiện lòng tin tưởng vào sự phát triển quan hệ bền chặt với các đối tác Nhật Bản, qua đó cũng bày tỏ sự cảm ơn đến chính phủ, cơ quan và doanh nghiệp Nhật đã đồng hành cùng kinh tế VN và việc phát triển của Vietcombank thời gian qua.
Vậy Vietcombank sẽ có kế hoạch thế nào để tăng cường mối quan hệ với các DN Nhật Bản, thưa ông?
Là một ngân hàng có bề dày và kinh nghiệm trong phục vụ các dự án vốn ODA, Vietcombank sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các đối tác Nhật Bản để đẩy mạnh quá trình này, góp phần thúc đẩy các dự án hạ tầng, công trình trọng điểm tại Việt Nam.
Tại HSC chúng tôi đã thiết lập bộ phận chuyên trách lĩnh vực này trong đó quan tâm đặc biệt quan hệ với Nhật Bản. Vai trò khu vực đầu tư trực tiếp FDI ngày càng quan trọng với Việt Nam (khu vực FDI chiếm 66,1% kim ngạch xuất khẩu và 56,5% kim ngạch nhập khẩu 8 tháng năm 2013), trong đó sự hiện diện cũng như đóng góp của các doanh nghiệp Nhật bản càng trở nên rõ nét và chiếm ưu thế.
Do đó, Vietcombank chủ trương mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp Nhật Bản qua kế hoạch thành lập Japan Desk tại Vietcombank, trong đó chú trọng đến phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Song hành cùng với đối tác chiến lược của chúng tôi là Mizuho, hai bên đã đi đến những thống nhất thông qua những hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và đặt ra các kế hoạch phát triển các khách hàng của hai bên đặc biệt là các khách hàng là các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Với những lợi thế sẵn có của hai ngân hàng, Vietcombank sẽ tiếp tục cùng với Mizuho cụ thể hóa các kế hoạch của mình bằng những kết quả mà các bạn sẽ thấy trong thời gian tới.
CEO Vietcombank chụp ảnh cùng lãnh đạo cấp cao Việt-Nhật dự diễn đàn. |
Phấn đấu Tập đoàn ngân hàng tài chính đa năng
Ông đánh giá bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng tại VN hiện nay ?
Chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu khởi nguồn từ các năm 2008-2009, nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua gặp phải nhiều khó khăn và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, theo đúng lộ trình nêu tại đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, kỷ cương kỷ luật ngành ngân hàng từng bước được củng cố; nguy cơ đổ vỡ hệ thống được ngăn chặn, an toàn của hệ thống được đảm bảo; vấn đề nợ xấu của hệ thống được nhận diện rõ nét và bước đầu có chuyển biến tích cực trong triển khai xử lý.
NHNN cũng đưa ra nhiều gói giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế nhằm hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, điều tiết hoạt động kinh doanh vàng, điều hành tỷ giá … Các chính sách cũng như các giải pháp này đã được các ngân hàng thương mại trong nước thực thi khá nghiêm túc.
Đến thời điểm này, đã có những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế và tâm lý người dân như: thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định, huy động vốn và cho vay tín dụng đạt mức tăng trưởng khả quan,lãi suất có xu hướng giảm dần sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận với vốn vay của ngân hàng, việc xử lý nợ xấu cũng được các ngân hàng đặc biệt chú trọng.
Xin ông cho biết chiến lược kinh doanh của VCB từ nay đến năm 2020 ?
Hiện nay, Vietcombank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên và duy nhất lọt vào bảng xếp hạng Top 500 ngân hàng hàng đầu thế giới do Tạp chí The Banker vừa công bố tháng 7 năm 2013.
Chiến lược của chúng tôi là xây dựng Vietcombank thành một Tập đoàn ngân hàng tài chính đa năng, có phạm vi hoạt động quốc tế, có vị thế hàng đầu tại Việt Nam; mang lại cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất; hài hòa lợi ích giữa khách hàng, cổ đông và người lao động.
Tầm nhìn 2020 của Vietcombank là phấn đấu trở thành một trong hai ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam có sức ảnh hưởng trong khu vực và là một trong 300 Tập đoàn Ngân hàng tài chính lớn nhất Thế giới vào năm 2020. Theo đó, ngân hàng sẽ tiếp tục khẳng định vị thế đối với mảng hoạt động kinh doanh lõi của Vietcombank là hoạt động Ngân hàng thương mại.
Xin cảm ơn ông !
Là ngân hàng đối ngoại hàng đầu của VN, ngay từ những năm đầu quan hệ Việt Nhật và đến thời điểm hiện nay Vietcombank luôn là ngân hàng phục vụ chính cho các dự án ODA của Nhật với việc điều phối 147/153 dự án với tổng giá trị 20.2/21 tỷ USD. Hiện, Vietcombank vẫn giữ vai trò quan trọng trong phối hợp với các đối tác như JBIC và nay là JICA để hỗ trợ các nhà thầu, doanh nghiệp đảm bảo tiến độ của các dự án. Nguồn vốn ODA giải ngân qua Vietcombank góp phần triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng như Dự án xây dựng Cầu Thanh Trì, Dự án xây dựng Cầu Cần Thơ, Dự án xây dựng Cảng Cái Lân, Cảng Tiên Sa Đà Nẵng, Dự án Quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Phòng, Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên… và đang tiếp tục khẩn trương triển khai các dự án Cầu Nhật Tân, Cảng Lạch Huyện, Nhà ga T2 Nội Bài... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam. |
P.V(thực hiện)