Viết thơ bằng chân

Anh Tuấn đang làm thơ Ảnh: D.N
Anh Tuấn đang làm thơ Ảnh: D.N
TP - Quê ở cụm 8, Len Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội), Nguyễn Kiều Anh Tuấn, (SN 1994) là con thứ hai trong gia đình nông dân có bốn anh em.

> Đừng làm mình yếu đi

Từ lúc sinh ra, Tuấn bị di chứng của căn bệnh bại não khiến tứ chi co quắp, không thể đi lại hay cầm nắm bất cứ thứ gì. Gia đình đưa em đi chạy chữa nhiều nơi nhưng chỉ phục hồi được đôi chân.

Năm 2002, Tuấn được nhận vào Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) và dần luyện thành thục hoạt động của đôi chân.

Trong khi đôi tay hầu như bất động, Tuấn dùng chân tự giặt quần áo, rửa mặt, đánh răng, xúc cơm… 11 tuổi làm được mọi việc, Tuấn nghĩ sao mình không tập viết bằng chân? Không ít lần, bàn chân bị co rút, đau nhức nhưng Tuấn vẫn quyết luyện viết bằng được và được đi học tại trường tiểu học Thụy An.

Thời gian đầu đến lớp, Tuấn được dành riêng 1 chiếc ghế dài để có thể ngồi nghe giảng và viết. Trong 7 năm học, Tuấn luôn được danh hiệu học sinh tiên tiến, tiên tiến xuất sắc; từng hai năm liền là gương vượt khó học giỏi được Sở GD&ĐT Hà Tây (cũ) tặng giấy khen.

Tuấn còn có khả năng làm thơ, thổi sáo bằng chân. Đến nay, em sáng tác được hơn 40 bài thơ, đa số viết theo thể thơ lục bát và tứ tuyệt.

Trong cuốn sổ tay được cô hiệu trưởng trường cấp hai tặng, những bài thơ Tuấn viết ngay ngắn, rõ ràng với những vần thơ đầy suy tư, chiêm nghiệm: “…Thân tôi đối mặt trăm phiền/ Nhân duy đưa đến đạo hiền lý tiên/ Giờ đây tâm đã tu thiền/ Lòng hiền như khí thiên nhiên sắc màu…” (trích bài thơ “Ký ức đời tôi”). Với Tuấn, thơ là liều thuốc tinh thần để gửi gắm tâm tư, khích lệ những mảnh đời bất hạnh như mình. Tuấn mơ ước trở thành nhà thơ thực sự trong tương lai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG