Viết ‘status’ hái ra tiền
Có lượng người “like” (thích) càng cao (chưa kể số người theo dõi), trang mạng cá nhân của các sao trở thành kênh quảng cáo thu về tiền tỉ
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà đắt hàng nhất hiện nay với việc viết status. Ảnh: MINH TRẦN. |
Phong trào mạng xã hội phát triển rầm rộ và đây cũng là thú vui yêu thích của nhiều ngôi sao nào khi những chia sẻ của chính bản thân nhận được rất nhiều bình luận, quan tâm từ công chúng. Thậm chí, mạng xã hội, thường là Facebook của sao, thậm chí còn là nơi tạo nên sự gắn bó giữa thần tượng và người hâm mộ. Một trong những điểm chung thú vị ở các Facebook của những người nổi tiếng là mọi chia sẻ của sao đều trở thành những thứ được chú ý, thậm chí là rất quan trọng với người hâm mộ. Đây là lý do trào lưu quảng cáo trên Facebook trở thành một mục tiêu hướng tới của các thương hiệu.
Điều khoản bắt buộc
Một công ty đại diện cho sản phẩm dưỡng thể khi ký hợp đồng quảng cáo với diễn viên Ngân Khánh đã yêu cầu cô phải thường xuyên cập nhật sản phẩm trên Facebook cá nhân của mình bằng việc viết các status (chia sẻ) về việc cô đang sử dụng sản phẩm cũng như tác dụng của sản phẩm mà cô thấy sau khi sử dụng. Các status này không nhất thiết phải là Ngân Khánh viết mà có thể là trợ lý của cô.
Một nhà hàng có tiếng muốn quảng bá thương hiệu của mình đã quyết định chọn các ngôi sao có tiếng đến dự với mức thù lao lớn. Nhà hàng này thậm chí chẳng cần báo chí đến để đưa tin mà chỉ cần các sao đến đông đủ. Lý do đơn giản mà chủ nhân nhà hàng này đưa ra: “Những ngôi sao này dù tôi không thích lắm nhưng fan (người hâm mộ) của cô ấy trên Facebook có đến mấy chục ngàn người theo dõi. Vì vậy, chỉ cần đưa lên Facebook tấm hình cô ấy đang ăn ở nhà hàng này thì chắc chắn hiệu quả quảng bá đạt 100% như mong đợi”. Những ngôi sao được mời đến dự tiệc luôn được trả thù lao hậu hĩnh vì đó là việc nằm trong kế hoạch quảng bá của nhà hàng.
Cộng hưởng giữa một bên đạt hiệu quả cao về mặt quảng bá, một bên có doanh thu bằng công việc khá nhàn hạ, viết status để kiếm tiền trở thành một “nghề” mới không chỉ với những ngôi sao đúng nghĩa, mà cả với những “hot boy”, “hot girl”, ít nhiều có tác động đến công chúng. Chỉ cần có số lượng người theo dõi nhiều trên trang mạng cá nhân, họ trở thành đối tác của các nhãn hàng đang triển khai chiến dịch quảng bá cho thương hiệu .
Từ tiền tỉ đến vài triệu đồng
Tiết lộ khoản thu nhập từ hợp đồng quảng cáo là một điều khoản được cam kết chặt chẽ giữa hai bên. Tức là số tiền cụ thể của một gương mặt được mời quảng cáo chưa bao giờ được công bố chính thức. Tuy vậy, nhiều người hiểu chuyện đã cung cấp nhiều số liệu đáng tin cậy về giá cả do sự vô tình và cả cố tình để “lộ” của chính người trong cuộc (thường là quản lý của nhãn hàng hay của gương mặt đại diện). Theo đó, hợp đồng làm công việc status của những ngôi sao như Hồ Ngọc Hà đáng giá hàng tỉ đồng với những thương hiệu lớn.
Công việc của họ là chụp ảnh, xuất hiện trong các sự kiện của thương hiệu và cập nhật hình ảnh, thông tin trên trang cá nhân của mình suốt một tuần lễ. Dàn sao hạng A đều được mời tham gia các chiến dịch quảng bá sản phẩm với mức thù lao không hề rẻ. Dù Facebook của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng chỉ mới hoạt động gần đây nhưng có không ít đơn vị muốn thông qua đó để quảng cáo cho sản phẩm của họ. Gần đây, một phầm mềm trò chuyện trực tuyến đã bỏ ra không dưới 30.000 USD để anh chụp hình, sử dụng sản phẩm và chia sẻ trên trang cá nhân.
Viết status câu like chỉ là một hạng mục phụ, giống kiểu khuyến mãi thêm cho một gói hợp đồng làm gương mặt đại diện cho một nhãn hiệu. Nhưng, vấn đề cốt lõi là hạng mục phụ viết status này chưa bao giờ vắng mặt trong một hợp đồng quảng cáo thời này. Xem chừng nó mang về hiệu quả quảng bá cho người đầu tư còn cao hơn nhiều hình thức quảng cáo khác.
Bên cạnh đó, với những nhãn hiệu không có quỹ tài chính lớn cho việc quảng bá sản phẩm, phương án quảng cáo trên Facebook của ngôi sao đang được xem là thức thời nhất. Và đây chính là cơ hội kiếm tiền cho những “hot girl”, “hot boy”. Những cái tên như Chi Pu, Midu, Angela Phương Trinh, Ngọc Trinh… sở hữu lượng fan đông đảo được các nhãn hiệu trọng dụng. Thù lao cũng tùy theo độ “hot” mà tăng hay giảm.
Không hiếm khi có những cái tên được trả 10 triệu đồng cho một hình ảnh gắn liền với một sản phẩm nào đó trong vòng 2 ngày. Thậm chí, cái tên mới như Chi Pu (được nhắc đến vì là một “hot girl” và có mối quan hệ yêu đương với một gương mặt của làng showbiz) cũng được trả đến hơn 60 triệu đồng cho việc cập nhật những thông tin và hình ảnh liên tục của cô trên trang cá nhân nhằm kêu gọi người hâm mộ sử dụng dịch vụ của công ty.
Thường, chi phí các nghệ sĩ trẻ được trả khi viết status nằm ở khoảng vài triệu đồng cho mỗi lượt cập nhật trạng thái. Số thù lao sẽ cao hơn nếu nghệ sĩ trẻ được yêu cầu đăng hình kèm theo status quảng bá.
“Chịu đấm ăn xôi”
Chỉ cần là “hot Facebooker” (một cái tên có lượng người truy cập cao nhưng không phải là nghệ sĩ) họ vẫn được các thương hiệu trọng dụng. Mức thù lao cho một status của những người này ít nhất cũng nhận được từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Quả là một nghề dễ kiếm tiền, lại chẳng phải lao động gì ghê gớm đã khiến nhiều bạn trẻ lao vào. Nhưng để được các nhãn hàng chú ý lại không hề đơn giản.
Vì vậy, để có lượng người theo dõi “khủng”, nhiều “hot girl”, “hot boy” phải dụng đến chiêu “bẩn”, như ảnh lộ hàng, khoe da thịt nóng bỏng hay những tuyên bố gây sốc... kiểu như bà Tưng để câu like. Nhiều người trong làng giải trí cũng chẳng ngại tạo xì-căng-đan ngay trên Facebook của mình với mục đích thu hút số đông chú ý. “Chịu đấm ăn xôi”, khi sở hữu những trang cá nhân với lượt chia sẻ và theo dõi càng nhiều thì khả năng kiếm được thu nhập cao từ việc bán quảng cáo là không khó.
Dễ bị “ném đá” Được một nhãn hàng tín nhiệm là điều đáng tự hào với nhiều người. Tuy nhiên, khi nhận lời quảng cáo cho một sản phẩm, một ứng dụng hay một hoạt động nào đó thì người ấy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình trên Facebook. Chính vì vậy, đây không phải là một công việc có thể “nhắm mắt làm bừa”. Mặt tiêu cực đầu tiên, khi người sử dụng lạm dụng Facebook để quảng cáo sẽ luôn gây cảm giác nhàm chán và tẻ nhạt cho người đọc. Đó là chưa kể khi quảng cáo một sản phẩm kém chất lượng, người bị ném đá chính là chủ trang Facebook đó chứ không phải ai khác. Đã có không ít trường hợp dở khóc, dở cười vì điều này. |
Theo Thùy Trang
Người Lao Động