'Viết nhạc, làm thơ' khi đi cao tốc Nội Bài-Lào Cai

TPO - Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai giúp giảm chi phí tới 30% so với đường cũ. Thậm chí, có người còn 'viết nhạc, làm thơ' khi đi đường này mà không còn say xe như trước.
Bộ trưởng Đinh La Thăng tại phiên chất vấn chiều 18/11. Ảnh: Như Ý

Chiều 18/11, trả lời chất vấn đại biểu QH về mức thu phí các dự án cao tốc đầu tư BOT, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, không có việc nhà đầu tư được tùy tiện tăng phí mà phải theo quy định của Bộ Tài chính. Đường cao tốc đầu tư mới nên hành khách có thể vi vu, vừa đi vừa nghe nhạc, làm thơ, sáng tác bài hát.

Đã hứa phải thực hiện đúng

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) hỏi, đâu là giải pháp đồng bộ để giá vận tải, nhất là vận tải hàng không có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, cách giải quyết vấn đề này?

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết để đảm bảo giá cả vận tải hợp lý, Bộ đang tái cơ cấu ngành GTVT, tái cơ cấu vận tải bao gồm cả đường sắt, đường không với mục tiêu tăng năng suất, giảm chi phí để có thể điều chỉnh giảm giá cước, phát huy lợi thế đường biển dài, giảm tải đường bộ. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo lại con người trong từng lĩnh vực. 

“Qua tái cơ cấu, tỷ trọng vận tải đường bộ bắt đầu giảm, đường thủy, đường sắt đã tăng thị phần. Giá cước đường sắt bắt đầu giảm, từ đầu năm đến nay không tăng giá. Sẽ giảm 11- 17% giá vé tàu dịp Tết”, ông Thăng cho biết. Đối với Hàng không cần đẩy mạnh xã hội hóa, cho tư nhân làm, đẩy mạnh cổ phần hóa, hiện giá cước hàng không Việt Nam tương đương và thấp hơn Thái Lan.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn, việc chuyển giao quyền khai thác đường cao tốc, sân bay để lấy vốn đầu tư công trình khác là chủ trương đúng, nhưng liệu đối tác nước ngoài tới đây có thu phí cao ảnh hưởng đến lợi ích người dân, Bộ sẽ thực hiện bao nhiêu dự án nhượng quyền khai thác?

Bộ trưởng Thăng cho biết, để đột phá cơ sở hạ tầng giao thông, trong bối cảnh tái cơ cấu đầu tư công, nguồn lực ngày càng hạn chế, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều cơ chế huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Gần 3 năm qua đã huy động 160 nghìn tỷ ngoài xã hội, bằng 60% tổng vốn đầu tư cho GTVT. Bộ đang nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng cho nhà đầu tư thu phí, coi đây là giải pháp đột phá. Sẽ xây dựng đề án tổng thể trình Chính phủ. Mục tiêu là đến 2020 có 2.000 km đường cao tốc. 

Về vấn đề đặt ra là quản lý sau chuyển giao thu phí, Bộ trưởng Thăng cho biết, một số nhà đầu tư xin chuyển giao nhưng vẫn kế thừa các điều kiện mà nhà đầu tư trước đây đã cam kết, thu phí theo khung giá Bộ Tài chính nên không thể tăng giá tùy tiện, thu phí cao.

Về thi công các dự án giao thông đi qua khu dân cư, sản xuất của người dân, Bộ trưởng Thăng cho biết, tổ chức thi công phải có thiết kế, biện pháp thi công và thỏa thuận của chính quyền địa phương. Đền bù, hoàn trả đường gom cho người dân. Một số dự án do kiểm soát, phối hợp địa phương chưa tốt gây khó khăn cho người dân vùng dự án. Việc này đã được chấn chỉnh, thực hiện theo đúng cam kết với người dân.

Chủ tịch QH lưu ý Bộ trưởng Thăng cam kết nội dung này với người dân trong vùng dự án, BT Thăng nói: “Bộ đã không hứa thì thôi, đã hứa là phải thực hiện đúng, xong hầm chui cho người dân theo kế hoạch”.

Mức thu phí có cao không?

Trả lời ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) về thu phí đường bộ theo hình thức BOT làm sao đảm bảo hài hòa, mức thu phí hiện nay có cao không, hiệu quả sử dụng ra sao? Các dự án BOT trên QL 1 có nhiều trạm thu phí, khoảng cách giữa các trạm có đúng quy định không?

BT Thăng cho biết, mức thu phí cao hay thấp thì lúc đầu cũng có ý kiến thu quá cao, nhưng sau khi trao đổi với Hiệp hội vận tải thì thấy hợp lý bởi thời gian lưu thông rút ngắn, như đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai chi phí giảm 30% so với đường cũ; an toàn hơn. 

“Tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cao trước mua vé tàu rất khó, nay khách đi tàu giảm một nửa do chuyển sang đi đường cao tốc, ngành đường sắt đã chuyển sang tăng cường chở hàng. Điều này thực hiện đường hai mục tiêu, giảm tải hàng hóa đường bộ, cước phí giảm đi.

“Nhiều người trước đi Lào Cai theo QL QL 70 bị say xe, nay có thể vi vu, vừa đi vừa nghe nhạc, làm thơ. Có người đã sáng tác cả bài hát khi đi trên đường này”, ông Thăng nói.