Việt Nam sẽ góp phần giải quyết những vấn đề xung đột trên thế giới

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ảnh: Như Ý
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ảnh: Như Ý
TPO - “Với việc tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chúng ta sẽ tham gia vào một tổ chức toàn cầu trong lĩnh vực bảo đảm an ninh hòa bình của thế giới và giải quyết những vấn đề xung đột trên thế giới,” Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết.

Ngay sau khi biết tin Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ với báo giới: “Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu rất  cao là tin mừng đối với chúng ta. Nó thể hiện các nước hết sức coi trọng vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam, đặc biệt là khả năng của Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đóng góp vào các công việc chung của thế giới.

Việc tham gia ứng cử vào vị trí Hội đồng Bảo an của Việt Nam được cho là quyết định vô cùng lớn và có ý nghĩa lịch sử. Xin Phó thủ tướng cho biết, trong thời gian qua Việt Nam đã chuẩn bị, nỗ lực như thế nào cho sự ứng cử này và tiến tới trúng cử ở Hội đồng Bảo an?

Đúng là quyết định tham gia Hội đồng Bảo an của chúng ta là quyết định quan trọng. Chúng ta thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam nhưng đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là một thành viên trong tổ chức Liên Hợp Quốc cũng như thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta tham gia vào Hội đồng Bảo an để có những đóng góp vào vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thế giới đó là làm sao duy trì được hòa bình, an ninh và ổn định.

Đây cũng là lần thứ hai chúng ta tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, lần trước chúng ta đã tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào nhiệm kỳ 2008-2009. Và chính là việc chúng ta đã tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong nhiệm kì trước với những đóng góp của chúng ta với những kinh nghiệm của chúng ta và thế giới, các nước trong Liên Hợp Quốc đã công nhận vai trò của Việt Nam.

Do đó, lần này ứng cử Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chúng ta đã nhận được sự tín nhiệm của các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa chúng ta trúng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một điều nghiễm nhiên.

Đây là một quá trình trong vòng 10 năm qua chúng ta đã hết sức quyết liệt vận động, để có thể trúng cử với số phiếu cao nhất, với tư cách là một ứng cử viên duy nhất của nhóm Châu Á – Thái Bình Dương. Điều đó nói lên quyết tâm của chúng ta rất lớn trong thời gian vừa qua và chúng ta đã đạt được kết quả với số phiếu bầu rất cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Xin Phó thủ tướng cho biết là những ưu tiên của Việt Nam trong việc đóng góp vào nghị trình của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sắp tới?

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có vai trò hết sức quan trọng trong những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là vấn đề về hòa bình an ninh. Do đó việc đóng góp của chúng ta vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dựa trên cơ sở những chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ưu tiên của chúng ta  là làm sao tăng cường hơn nữa cái vai trò của chủ nghĩa đa phương. Chúng ta mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó là mục đích cao nhất mà chúng ta mong muốn đóng góp vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, với vai trò và kinh nghiệm của mình, chúng ta mong muốn đóng góp vào giải quyết những vấn đề như là giải quyết sau xung đột, vấn đề phụ nữ trẻ em trong xung đột, giải quyết những vấn đề xử lý bom mìn sau xung đột. Đó là những vấn đề mà Việt Nam có kinh nghiệm. Chúng ta thấy rằng đây là vấn đề hết sức  quan trọng và là những ưu tiên của chúng ta.

Và đương nhiên, chúng ta khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chúng ta sẽ có chung một mục đích là xây dựng môi trường hòa bình ổn định trên thế giới và khu vực. Và chính việc xây dựng môi trường hòa bình ổn định trên thế giới và khu vực sẽ đảm bảo cho chúng ta có một môi trường hòa bình để phát triển.

Xin Phó Thủ tướng cho biết những lợi ích thiết thực đối với Việt Nam và những thách thức chúng ta phải đối mặt khi chúng ta trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an?

Đương nhiên khi chúng ta làm việc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên trong đó có 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 10 thành viên không thường trực, việc quan trọng nhất là sự phối hợp, hợp tác của các nước thành viên không thường trực và thường trực để giải quyết vấn đề. Chúng ta sẽ nỗ lực đảm bảo làm sao tất cả những vấn đề đưa ra giải quyết tại Hội đồng Bảo an đạt được được đồng thuận là tốt nhất.

Trong thời gian vừa qua, một kinh nghiệm trong Hội đồng Bảo an là trên 90% các vấn đề được giải quyết thông qua bằng đồng thuận. Điều đó đảm bảo cho việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an mang tính hiệu quả cao hơn.

Khi những nghị quyết mà Hội đồng Bảo an không đạt được thống nhất hoặc là có sự phủ quyết của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, điều đó có nghĩa sẽ có sự khác biệt hoặc thậm chí chia rẽ trong Hội đồng Bảo an. Đây là điều chúng ta cần hết sức là tránh và đặc biệt chúng ta phải có sự phối hợp rất  tốt với các nước thành viên thường trực cũng như thành viên không thường trực khác để tạo được sự đồng thuận là tốt nhất.

Tất nhiên, còn có nhiều vấn đề mà chúng ta phải thể hiện quan điểm, vì bất cứ một nước thành viên nào khi đã vào Hội đồng Bảo an phải thể hiện quan điểm trên tất cả vấn đề đưa ra. Đây là một vấn đề cần hết sức nghiên cứu kĩ cũng như ra quyết định chính xác.

Với việc Việt Nam trở thành Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN) từ tháng 1/2020, chúng ta sẽ tận dụng cơ hội khi chúng ta đảm nhận “vai trò kép” này như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Đúng là năm 2020, theo luân phiên chúng ta sẽ là Chủ tịch của ASEAN, đồng thời cũng là bắt đầu một nhiệm kì của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây cũng là một thuận lợi bởi lẽ chúng ta sẽ có điều kiện gắn kết các tổ chức khu vực với  công việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.  Đây cũng sẽ là một trong ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Đương nhiên năm 2020 sẽ là năm hết sức bận rộn, khó khăn và nhiều công việc phải làm vì cùng một lúc chúng ta vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của ASEAN ngay đầu năm 2020 và cũng sẽ là Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ phải làm gấp đôi số lượng công việc.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.

  
MỚI - NÓNG