> Chuẩn bị đưa vệ tinh F-1 của Việt Nam lên quỹ đạo
Cách Hà Nội 30 km, Trung tâm Vũ trụ Quốc gia rộng 9ha được xây dựng dựa vào vốn đầu tư 600 triệu USD từ viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của phía Việt Nam (VN). Phải đến năm 2014, việc xây dựng mới có thể chính thức bắt đầu.
Theo TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam, Trung tâm sẽ sản xuất các vệ tinh dùng công nghệ radar thay vì công nghệ quang học như trung tâm vũ trụ của một số nước khác.
Công nghệ radar giúp chụp ảnh toàn bộ Trái đất với độ phân giải ở mức cao nhất hiện nay và có thể chụp trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
Sau khi dự án hoàn thành, dự kiến tháng 1-2017, VN phóng vệ tinh viễn thám công nghệ radar đầu tiên do Nhật Bản giúp VN thiết kế, nặng 500 kg, tuổi thọ năm năm. Năm 2020 sẽ phóng vệ tinh thứ hai do VN tự thiết kế.
Tính toán của chuyên gia Nhật cho thấy, VN có thể giảm tổn thất 1-1,5 tỷ USD/năm, nhờ chủ động cảnh báo sớm thiên tai hiệu quả hơn.
Trong thư chúc mừng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân viết đây là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của VN 35 năm qua.