Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà khoa học tham dự hội nghị "Khoa học, Đạo đức và Phát triển" |
Chiều 16/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp thân mật với 51 nhà khoa học tham dự hội nghị “Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người” thuộc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”.
Tại cuộc gặp, GS Michel Spiro, Chủ tịch Hội đồng Năm quốc tế Khoa học Cơ bản cho Phát triển Bền vững, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Vật lý Quốc tế thay mặt các nhà khoa học cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp đoàn các nhà khoa học quốc tế.
Ông Michel Spiro nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học cơ bản, vì khoa học cơ bản sẽ dẫn tới các khám phá sau này là những ứng dụng để phát triển bền vững, khoa học cơ bản là “những hạt giống, mầm mống phát triển cho tương lai không chỉ 10- 20 mà 50 năm nữa”. GS Michel Spiro cho rằng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu trong phát triển bền vững.
GS Munasinghe Mohan, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ (Tổ chức được trao giải Nobel Hòa Bình 1997) cho biết, ông là người bạn lâu năm và rất ngưỡng mộ Việt Nam.
GS Munasinghe Mohan đánh giá Việt Nam có đầy đủ điều kiện tài nguyên, môi trường, con người…cần thiết để trở thành hình mẫu, tiên phong trong phát triển bền vững.
“Tôi tin rằng thế kỷ 21 thuộc về châu Á, khi mà trọng tâm kinh tế thế giới cũng đang chuyển dịch dần về khu vực châu Á”, GS Munasinghe Mohan nói và cho biết các nhà khoa học luôn sẵn sàng đồng hành với Việt Nam.
Chủ tịch nước phát biểu tại cuộc gặp mặt các nhà khoa học |
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước chào mừng các nhà khoa học, các nhà khoa học tham dự Hội thảo “Khoa học, đạo đức học và phát triển con người”, trong số này có các nhà khoa học với nhiều công trình đóng góp cho thế giới, đặc biệt có nhiều nhà khoa học là nữ.
Chủ tịch nước chia sẻ, Việt Nam coi “khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt” cho phát triển công nghiệp hiện đại; tăng trưởng cao, bền vững. “Việt Nam chú trọng phát triển con người toàn diện, phát huy sức sáng tạo to lớn của người dân, bảo đảm an ninh xã hội, chăm lo sức khỏe, sự an toàn và môi trường sống, nâng cao mức sống người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người văn hóa mới trong cuộc CMCN 4.0”.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn ý thức về trách nhiệm đạo đức trong mỗi quyết sách phải thực sự vì phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân khi ứng dụng KHCN hay phân bổ các nguồn lực, tài nguyên, không vì tăng trưởng cao mà hạ thấp lợi ích người dân, phá hủy môi trường.
Nhấn mạnh, Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 là nước phát triển, Chủ tịch nước cho biết đất nước rất cần nguồn lực để phát triển hơn nữa nhất là nguồn lực con người.
“Với ý chí và quyết tâm cao, chúng tôi luôn nỗ lực, vững tin vào con đường đi lên của mình, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và rất mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế và của tất cả các bạn thân mến, đặc biệt là các nhà khoa học”, Chủ tịch nước nói.