Việt Nam lấy làm tiếc về báo cáo nhân quyền của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Báo cáo nhân quyền 2022 mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 20/3 vừa qua cho rằng một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, vi phạm nhân quyền. Việt Nam bày tỏ lấy làm tiếc về báo cáo này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 23/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về báo cáo này, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, động lực của quá trình đổi mới và phát triển đất nước, và luôn nỗ lực nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp, được bảo đảm thực hiện trong các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn.

“Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã đưa ra những nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở, trên tinh thần xây dựng với Mỹ trong những vấn đề còn khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào việc phát triển quan hệ Đối tác toàn diện”, bà Hằng nói.

Trả lời câu hỏi rằng Việt Nam có sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Mỹ trong năm nay hay không, bà Hằng cho biết: Sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Hai nước duy trì các hoạt động tiếp xúc đối thoại trao đổi đoàn các ngành các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao. Trong các tuyên bố chung và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, hai bên nhất quán khẳng định tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Mỹ nhiều lần khẳng định ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng nổi bật, với kim ngạch hai chiều 2022 đạt 123 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với 2013. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. FDI từ Mỹ vào Việt Nam đạt 11,4 tỷ USD, hiện đứng thứ 11 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, như vừa qua có đoàn doanh nghiệp Mỹ rất lớn vừa đến thăm Việt Nam.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, mà cả các lĩnh vực khác như phòng chống COVID-19, phục hồi sau đại dịch, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường cũng có những tiến triển rất tích cực. Mỹ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ. Hai bên phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, LHQ, APEC, Tiểu vùng Mekong để giải quyết các vấn đề phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Với tất cả những điều này, chúng tôi mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", bà Hằng nói.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.