Các nhà báo tới nhà hàng theo từng nhóm. Họ bước vào với đôi mắt tìm kiếm và nhận ra người quen trong không khí ồn ào. Họ vui mừng, cười lớn, ôm hôn nhau chẳng khác gì thanh niên, dù tóc ai cũng đã ngả màu bạc.
Họ quay phim, chụp hình. Họ là những thành viên trong số gần 200 nhà báo nước ngoài đăng ký tham dự các hoạt động tại TP Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Sài Gòn.
Trong số họ có nhiều gương mặt phóng viên nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam như George Esper - Phóng viên của Hãng AP từng 10 năm ở Việt Nam, Richard Pyle - Trưởng đại diện AP ở Việt Nam, Barbara Gluck - Nữ phóng viên ảnh chiến trang số 1 của New York Times, Hubert Van Es - Phóng viên ảnh UPI, Nick Út - Phóng viên ảnh AP...
Trong số đó, phần lớn là các phóng viên Mỹ. Ngoài ra, các phóng viên Anh, Australia, Nhật, Đức, Italia, Đài Loan và cả phóng viên Việt Nam làm việc cho các cơ quan truyền thông tại nước ngoài cũng có mặt.
Việt Nam là một phần quan trọng trong cuộc đời chúng tôi
Bà Edith M. Lederer - Phóng viên kỳ cựu của Hàng AP, hiện đang là Trưởng đại diện AP tại Liên hợp quốc và ông Hors Faas, thời chiến tranh Việt Nam là Trưởng đại diện AP tại châu Á (đóng tại Sài Gòn), chính là 2 người có sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt 5 năm/lần cho các phóng viên chiến trường tại Việt Nam.
Lederer là phụ nữ vui tính, sôi nổi. Bà là một trong 9 nữ phóng viên chiến trường của Mỹ tại Việt Nam có mặt tại Sài Gòn năm 1972 - 1973. Bà nói: “Chiến tranh kết thúc 20 năm, tôi mới có dịp trở lại Việt Nam. Chúng tôi quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ cho các phóng viên chiến trường ở Việt Nam. Lần đầu thực hiện vào năm 1995 nhân 20 năm chiến thắng của các bạn. Lần thứ 2 vào năm 2000, nhân 25 năm. Lần này, nhân 30 năm chiến thắng, chúng tôi tổ chức ở Việt Nam. Việt Nam là một phần quan trọng trong cuộc đời các phóng viên đã đến đây tường trình về cuộc chiến. Chúng tôi muốn làm sống dậy những ký ức, những kỷ niệm buồn ở đây. Lần thứ tư vào năm 2010 không biết ai còn ai mất?” .
Khi được hỏi cảm nhận về Việt Nam sau 30 năm giải phóng, bà vui vẻ nói: “Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển, xã hội lành mạnh. Chúng tôi rất quan tâm theo dõi những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Mỗi lần quay lại Việt Nam, tôi thấy Việt Nam ngày càng hiện đại. TP Hồ Chí Minh có nhiều xe máy, xe hơi hơn, xích lô, xe đạp ít đi. Chúng tôi rất vui vì Việt Nam ngày càng phát triển. Ngày xưa, chúng tôi bận theo dõi chiến sự, không để ý đất nước Việt Nam như thế nào. Năm 1993, tôi lái xe từ Campuchia sang Việt Nam, rồi từ TP Hồ Chí Minh qua Hà Nội. Trên đường đi thấy Việt Nam đẹp quá, con người Việt Nam thân thiện. Tôi về khuyến khích phóng viên, bạn bè tới Việt Nam du lịch. Lần này tôi vui vì nhiều người còn mang cả theo gia đình ”.
Tôi rất vui vì chiến tranh kết thúc
"Việt Nam là một phần quan trọng trong cuộc đời các phóng viên đã đến đây tường trình về cuộc chiến. Chúng tôi muốn làm sống dậy những ký ức, những kỷ niệm buồn ở đây..." Bà Edith M. Lederer |
Nhà nhiếp ảnh lừng danh của Hãng thông tấn Mỹ UPI, ông Huerbert Van Es nổi tiếng khắp thể giới với tấm ảnh lịch sử: Chiếc trực thăng Mỹ neo đậu trên nóc một tòa nhà ở Sài Gòn. Xung quanh là dòng người nhỏ xíu, dài dằng dặc, níu áo nhau trèo lên máy bay. Bức ảnh nói lên kết thúc thảm hại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Ông Van Es kể: “Lúc đó, tôi đứng ngay trên sân thượng khách sạn Sài Gòn khi đó là trụ sở của Hãng UPI, đối diện với khách sạn Rex này. Tôi thấy chiếc trực thăng hạ cánh xuống nóc tòa nhà của trụ sở CIA Sài Gòn, nay là số 22 Lý Tự Trọng. Tôi bấm máy liên tục cho đến khi chiếc máy bay cất cánh bay đi. Đó là cuối ngày 29/4/1975” .
Ông Van Es rời Sài Gòn vào ngày 1/6/1975, ông còn chụp nhiều bức ảnh về thời khắc giải phóng Sài Gòn sau đó. Đến năm 1995, ông quay lại Việt Nam làm tiếp đến năm 2000.
Khi chúng tôi hỏi về câu chuyện gặp lại người phi công Mỹ từng lái chiếc trực thăng ấy, ông sôi nổi hẳn lên: “Có một lần tại BangKok, một người bạn làm cho Air American (nay là chủ nhà hàng), nói muốn giới thiệu tôi với một người. Tôi rất ngạc nhiên và vui mừng khi được làm quen với ông Bob Carton, một trong hai phi công lái chiếc trực thăng đó. Hiện ông ấy đang sống ở bang Florida, còn viên phi công thứ hai đã mất năm 1997”.
Ông Van Es đang là phóng viên ảnh tự do tại Hồng Kông, ông từng trở lại Việt Nam 6 lần: “Việt Nam bây giờ và Việt Nam năm 1975 khác nhau nhiều quá. Việt Nam đang phát triển mạnh, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Tối nay ở đây tôi rất vui vì được gặp lại những người bạn Mỹ và người Việt từng làm việc cùng nhau thời ấy. Những cuộc hội ngộ như thế này không thể nào quên”.