Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 20.942. Như vậy số người cách ly theo dõi đã giảm gần 10.000 người so với hôm qua (6/5).
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 12 ca tái dương tính COVID-19 sau khi được công bố khỏi bệnh. Một số ít người được đưa về cách ly, theo dõi y tế tại nhà, phần lớn được chuyển hoặc giữ lại cơ sở y tế để theo dõi thêm theo quy định.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19 (đồng thời là Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) khẳng định, tình trạng bệnh nhân COVID-19 dương tính trở lại là hiện tượng không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng có. Ông cho rằng đây là 1 trong những thành phần đáp ứng miễn dịch, đáp ứng kháng thể của cá thể mỗi người, cần nghiên cứu thêm.
Trong thực tế quá trình nuôi cấy virus của bệnh nhân tái dương tính thì phát hiện đây chỉ là "mảnh của nhiễm sắc thể", tức là xác virus thì virus không thể sống được. Sau khi vào viện một thời gian, các xét nghiệm của các bệnh nhân này đều quay về âm tính.
Thông tin về các ca bệnh COVID-19 tái dương tính sau khi khỏi bệnh, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 6/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, sau khi nuôi cấy, theo dõi, tất cả các ca tái dương tính tại Việt Nam đều chưa thấy dấu hiệu lây cho người khác, không gây nguy hiểm cho cộng đồng, tuy nhiên, Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ các trường hợp này.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam cho rằng, đây không phải là tình trạng riêng của Việt Nam nhưng hiện trên thế giới cũng chưa ghi nhận các trường hợp lây nhiễm COVID-19 từ những người dương tính lại.
Liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới, ngày 6/5/2020, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đã ký Công văn hỏa tốc số 4306/BGTVT-CYT gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT; các Sở GTVT các tỉnh, thành phố về việc Hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện vận tải hành khách trong tình hình mới.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp ngày 6/5/2020, căn cứ tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện cơ bản được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm (20 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng), nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và vẫn đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ và hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách,
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tài hành khách (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...).
Cũng theo văn bản của Bộ GTVT yêu cầu vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 như:
Đeo khẩu trang đúng cách tại các khu vực công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe...) và trên phương tiện vận tải hành khách trong suốt hành trình; khai báo y tế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 60% nồng độ cồn); kiểm tra thân nhiệt; hạn chế giao tiếp, ăn uống trên phương tiện vận tải hành khách; khử khuẩn các bề mặt trên phương tiện vận tải hành khách trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi. Thời gian áp dụng từ 00h00 ngày 7/5/2020.