Việt Nam đang tìm thêm nguồn vắc-xin, tiến tới tiêm cho cả người nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
TPO - Việt Nam đang nỗ lực đang tìm kiếm đa dạng bổ sung nguồn vắc-xin COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm chủng, trong đó tính tới cả những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 27/5.

Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam gần đây gửi công văn cho cơ quan chức năng Việt Nam trình bày việc các doanh nhân Đài Loan (Trung Quốc) mong muốn sau khi dịch bệnh được kiểm soát được giảm thời gian cách ly tập trung sau nhập cảnh xuống trở lại còn 14 ngày và áp dụng số ngày phù hợp đối với thời gian theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú; đồng thời trong điều kiện làm tốt công tác an toàn phòng dịch, cho phép họ đi làm trong thời gian theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú.

Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) gần đây kêu gọi Việt Nam giảm thời gian cách ly với người nhập cảnh đã tiêm vắc-xin COVID-19 xuống còn 7 ngày.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, bà Hằng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và Việt Nam, các chính sách theo dõi, cách ly y tế cho người nhập cảnh luôn được chính phủ Việt Nam điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh, thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khoẻ của cộng đồng, đồng thời thực hiện mục tiêu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với một số cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Y tế, để nghiên cứu xây dựng hướng dẫn về cách ly y tế đối với người nhập cảnh, trong đó cân nhắc các yếu tố tiêm chủng, thời gian lưu trú tại Việt Nam, mục đích lưu trú và tình hình dịch bệnh tại Việt Nam để có thể áp dụng các biện pháp và quy định cách ly phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, nhiều người nước ngoài, trong đó có các nhà báo, ở Việt Nam đang mong muốn Chính phủ Việt Nam đưa họ vào diện đối tượng được tiêm.

Về vấn đề này, bà Hằng cho biết Nghị quyết 21 của Chính phủ ngày 26/2 về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng chống dịch COVID-19, trước tiên xác định 9 nhóm ưu tiên, trong đó chú trọng ưu tiên những đối tượng trong tuyến đầu phòng chống dịch bệnh và các đối tượng khác như người cao tuổi.

Bà Hằng khẳng định Việt Nam rất quan tâm đến cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam. Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác như Pfizer/BioNTech, Astrazeneca, Covax để cung cấp vắc-xin cho Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đang tích cực trao đổi với các quốc gia và đối tác khác để đa dạng hoá nguồn vắc-xin, để có thể sớm mở rộng tối đa đối tượng được vắc-xin.

Về câu hỏi có phải phía Trung Quốc đang tiến hành trao đổi với Việt Nam về kế hoạch tiêm vắc-xin Trung Quốc cho công dân Trung Quốc tại Việt Nam hay không, bà Hằng nói “chưa có thông tin” như vậy.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.