Như vậy Việt Nam có 5.088 ca tử vong kể từ khi dịch xuất hiện tại nước ta, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 52 người tử vong do COVID-19). TPHCM vẫn là địa phương có nhiều ca thiệt mạng nhất.
Cụ thể số ca tử vong ngày 13/8 ghi nhận như sau:
tại TP. Hồ Chí Minh (223), Bình Dương (25), Tiền Giang (8), Đồng Tháp (4), Bến Tre (3), Bình Thuận (3), Đồng Nai (3), Long An (3), Khánh Hòa (2 ), Cần Thơ (1).
Bộ Y tế cho biết, hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 511 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Nhấn mạnh điều trị, giảm tỷ lệ tử vong là một trong những trọng tâm ưu tiên trong phòng chống dịch COVID-19 với tất cả tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, việc tổ chức hệ thống trong khám chữa bệnh đặc biệt với bệnh nhân COVID-19 hiện nay được thay đổi theo hướng đảm bảo tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất, thuận lợi nhất, cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho bệnh nhân.
Trong bối cảnh hiện nay, theo Bộ trưởng các địa phương nên chia 3 tầng điều trị.
Tầng 1 là cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, kể cả ở cộng đồng và gia đình. Những nơi này triển khai quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, đảm bảo người nhiễm có thể đến được các cơ sở này.
Tầng 2 triển khai ở tất cả cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên có giường bệnh, điều trị bệnh nhân mức độ trung bình. Tầng này rất quan trọng và phải tăng cường năng lực. Có 3 vấn đề Bộ Y tế yêu cầu tầng này phải đảm bảo gồm: Oxy, thuốc kháng đông và kháng viêm theo phác đồ Bộ Y tế, phải sử dụng sớm cho bệnh nhân để giảm mức độ nặng.
Theo Bộ trưởng, thực tế đã chứng minh, nếu làm tốt tầng 2 thì sẽ giúp ca nhiễm không tăng nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn.