Thêm 217.600 liều vắc xin Pfizer về Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Thêm 217.600 liều vắc xin Pfizer về Việt Nam
TPO - Ngày 12/8, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã tiếp nhận 217.600 liều vắc xin Pfizer. Số vắc xin này đã được chuyển vào kho bảo quản của Viện để chờ Bộ công bố phân bổ về các địa phương có dịch. Dự kiến, TPHCM nơi dịch đang nặng nhất sẽ được nhận nhiều lượng vắc xin mới về.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong quý III/2021, số lượng vắc xin về có thể chưa nhiều nhưng tới quý IV thì dồn dập. Riêng vắc xin Pfizer sẽ về Việt Nam khoảng từ 47- 50 triệu liều.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay đã có khoảng hơn 18 triệu liều vắc xin COVID-19 về Việt Nam bằng các nguồn khác nhau.

Trong 2 tuần lại đây, tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh, trung bình mỗi ngày tiêm gần 400 nghìn mũi (riêng ngày 10/8 đã tiêm đạt kỷ lục với con số trên 1,4 triệu liều).

Bộ đã có văn bản về dự kiến phân bổ vắc xin từ nay đến hết năm 2021 để các địa phương nắm được số lượng, lên phương án tiêm nhằm bảo đảm tiến độ, trong đó cần phải bảo đảm nguồn vắc xin để những người đã tiêm mũi 1 khi đến thời hạn, được tiêm mũi 2.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không giới hạn điểm tiêm, không giới hạn số lượng tiêm trong một buổi, thời gian chờ đợi sau tiêm thay đổi tùy theo các địa phương quyết định. Các địa phương phải lập kế hoạch tiêm nhanh chóng nhất có thể nhưng phải đảm bảo an toàn.

Vắc xin Comirnaty do Pfizer- BioNTech sản xuất, được Tổ chức Y tế Thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 31/12/2020. Tại Việt Nam, vắc xin Comirnaty của Pfizer- BioNTech được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021.

Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy vắc xin Comirnaty Comirnaty của Pfizer- BioNTech có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 95% đến 100% sau khi tiêm liều thứ 2 khoảng 7 ngày.

Vắc xin dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, đóng lọ 0,45 ml tương đương 6 liều vắc xin sau pha với 1,8 ml dung dịch nước muối sinh lý 0,9% pha loãng; Mỗi liều 0,3ml chứa 30mcg vắc xin mRNA Covid-19; Vắc xin hiện được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên; Tiêm bắp, liều 0,3ml/mũi tiêm; Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa mũi 2 và mũi 1 từ 3 đến 4 tuần (21 -28 ngày); Các phản ứng thông thường sau tiêm gồm: đau đầu, đau khớp, đau cơ, sưng, đau, mẩn đỏ tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt…

Những người có tiền sử phản ứng nặng, phản vệ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào không nên tiêm vắc xin.

Những người có phản ứng dị ứng ngay lập tức như: phản vệ, nổi mày đay, phù mạch, suy hô hấp với liều đầu tiên của vắc xin này sẽ không tiêm liều tiếp theo.

Đối tượng hoãn tiêm gồm những người đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiến triển; suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng…

Những người có bệnh lý, có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.

Tại Việt Nam, vắc xin Pfizer, là vắc xin thứ 4 được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng khẩn cấp từ ngày 12/6/2021 sau AstraZeneca, Sputnik V và Vero-cell .

Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cũng vừa tiếp nhận 25 tủ lạnh âm sâu bảo quản vắc-xin COVID-19. Mỗi tủ có thể bảo quản 160.000 liều, đặc biệt là đối với những vắc-xin COVID-19 phải bảo quản trong điều kiện âm sâu.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, công tác bảo quản vắc-xin có vai trò rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của vắc-xin phục vụ cho các hoạt động tiêm chủng nói chung, đặc biệt là cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử- tiêm vắc-xin COVID-19 kéo dài sang gần nửa năm 2022. "Thời gian tới đây lượng vắc-xin COVID-19 sẽ về nhiều, dồn dập, do đó nhu cầu bảo quản vắc-xin gia tăng, vì thế việc có thêm 25 tủ lạnh âm sâu, bổ sung thêm nguồn lực cho Viện phục vụ bảo quản vắc-xin là rất cần thiết", GS.TS Đặng Đức Anh nói.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.