Việt dã Tiền Phong - một kỷ niệm

Những tấm ảnh đăng ngày 27/12/1958 ghi lại ngày thi đấu giải Việt dã báo Tiền Phong lần đầu tiên
Những tấm ảnh đăng ngày 27/12/1958 ghi lại ngày thi đấu giải Việt dã báo Tiền Phong lần đầu tiên
TP - Vậy là đã 60 năm, kể từ ngày lũ chúng tôi được tham gia tại cuộc thi chạy có bề dày đáng tự hào nhất của thể thao Việt Nam – cuộc thi chạy Việt dã Tiền phong.

Từ năm 1957, tôi và nhiều bạn từ Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc trở về Việt Nam, được học tập tại trường Phổ thông cấp 2-3 Việt Đức, tức trường THPT Việt Đức bây giờ. Trường này trước đó mang tên là Trường con em cán bộ, và có hai từ Việt Đức chính là sau khi bác Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn ngài Thủ tướng Đức Grotevon đến thăm nhà trường, từ đó nhà trường có thêm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. 

Đây là trường điểm nên được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, kể cả tổ chức đoàn thanh niên, nhà trường cũng có phong trào TDTT khá sôi nổi, có 1 sân bóng rổ, 3 sân bóng chuyền và mấy phòng tập bóng bàn. Nếu tôi nhớ không nhầm thì các ông Vũ Quang và Nguyễn Lam - Bí thư Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam đã tới thăm và nói chuyện nhiều lần tại ngôi trường này. 
Và một sự kiện rất sôi nổi đã diễn ra trong thời điểm ấy, đó là việc xuất hiện vợ chồng nhà thể thao Emil Zatopeck tới thăm nhà trường, học sinh được phổ biến là nhà vô địch thế giới sang Việt Nam tham dự giải chạy việt dã, thế là đám trẻ háo hức lắm.

Hôm ấy, bọn tôi đến sớm, áo bỏ trong quần và xếp hàng sẵn ở hai bên cổng vào trường cho đến khi có chiếc xe Com-măng-ca chở nhà vô địch Emil Zatopeck và vợ bước vào trong tiếng vỗ tay chào đón. Thỉnh thoảng lại có tiếng hô to: “Nhiệt liệt chào mừng nhà vô địch Zatopeck và Dana Zatokova” rồi tất cả hô theo “Nhiệt liệt, nhiệt liệt!”. Vào trong sân trường, sau khi đại diện Bộ Ngoại giao giới thiệu về thân thế của nhà vô địch thế giới và mục đích sang Việt Nam lần này, hai ông bà đã ra sân biểu diễn một số bài thể dục tay không, đẩy tạ, phóng lao…và sân trường rộ lên tiếng reo thán phục. Trước khi chia tay, vị đại diện Hà Nội đã phổ biến kế hoạch cuộc chạy việt dã và mong nhà trường tham gia cho sôi nổi. 

Vậy là mọi việc đã quyết, thầy Vận là hiệu trưởng bàn bạc với anh Khương - Bí thư đoàn trường và thầy Bùi Hợi dạy thể dục để tổ chức và thực hiện. Thầy Bùi Hợi trước đấy là tiền vệ trái của đội bóng đá Hoàng Diệu, thầy có dáng người cao dong dỏng và rất nhiệt tình, trong hai ngày thầy tập hợp được ngót 20 học sinh để chuẩn bị tham gia. Hồi ấy còn rất khó khăn, chưa có quần áo trang thiết bị gì cho thể thao quần chúng và trường cũng chỉ có thể cho tập sơ sơ ngay trong khuôn viên trường. Sau mỗi buổi tập, mỗi bạn được một cốc si-rô ngay ở phố Bà Triệu để giải khát. 

Sáng hôm ấy, cả bọn tập trung sớm và đi bộ lên vườn Bách Thảo, thầy Bùi Hợi có chiếc xe đạp nam cứ đi chầm chậm, mắt nhìn chúng tôi làm anh bạn cùng lớp nhắc đến Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan khiến cả bọn cười vui. Trước đó, một bạn đã đi mua cho mỗi thành viên một cái bánh mì pa-tê ngay ngã tư Lý Thường Kiệt - Bà Triệu và tụi tôi vừa đi vừa ăn bánh mì.  Tới nơi, điểm xuất phát (và cả đích đến) đều ngay dưới chân núi Nùng, hồi ấy còn khác xa bây giờ, cây cối chưa có tổ chức và đường đất là chủ yếu. Thấy có 2 ông cầm loa, chúng tôi nghe lõm bõm có đoàn của bộ đội, Hải Phòng và Nam Định…, còn đám học sinh chỉ chạy quanh khu Bách Thảo mà không chạy theo đoàn khi băng ra phố. Tiếng loa nhiều lần nhắc đến nhà vô địch Zatopeck làm khá đông bà con đến xem. Tôi nhớ lúc sắp về đích rất vui nhộn vì hồi ấy chỉ có một nội dung, chưa có số áo và số đeo, cung đường lại ở trong công viên nên ai cũng phấn khởi vì được tham gia cuộc thi việt dã lớn, có ý nghĩa rèn luyện thân thể và đặc biệt có “ông bà vô địch thế giới”. Nhóm học sinh chạy ùa ra theo chân các vận động viên. Tụi tôi đa số quần dài nhưng tất cả đi chân đất và rất hăng hái. Đến khi kết thúc, Ban tổ chức công bố nhà vô địch thế giới về nhất, anh Hoàng Viết Mông của Lạng Sơn về nhì, Bùi Lương (Hải Phòng) hạng ba và khi bà vợ ra ôm hôn chồng, xung quanh lại nổi lên tiếng hô “nhiệt liệt” cùng tên tuổi hai ông bà. Cuộc thi năm ấy đã thành công tốt đẹp…

60 năm đã qua, tôi vẫn không quên không khí sôi nổi của Hà Nội ngày ấy, khi miền Bắc chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chào mừng đại hội Đảng lần thứ 3 đang chuẩn bị, bên ngoài thì Liên Xô mới phóng thành công vệ tinh nhân tạo và WC 58 với hình ảnh thủ môn Lev Yachines, vì thế, giải Việt dã Tiền phong lần thứ nhất đã trở nên một hoạt động có ý nghĩa lớn và làm dân Hà Nội quan tâm hơn đến việc rèn luyện thân thể và cụ thể là môn thi chạy sức bền. 

Việt dã Tiền Phong - một kỷ niệm ảnh 1
MỚI - NÓNG