Việt dã Tiền Phong: 60 năm một chặng đường phát triển

TPO - Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong năm 2019 đã bước sang tuổi "lục thập hoa giáp” với những đổi mới ngày càng mang tính chuyên nghiệp cao. Trong 59 năm tổ chức, thủ đô Hà Nội là nơi đăng cai tổ chức nhiều giải nhất với 14 lần.

Hà Nội chính là nơi lần đầu tiên Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong được tổ chức, vào ngày 25/12/1958 với 72 VĐV thuộc 23 đoàn của 15 tỉnh, thành tham dự. Ở lần đầu tổ chức đó, giải diễn ra trong khuôn viên vườn Bách thảo nổi tiếng, có cự ly 5km với nhiều địa hình phức tạp: đường nhựa, đường đất, băng qua thảm cỏ, lên dốc và xuống dốc, vượt qua núi Nùng xinh đẹp cùng nhiều chướng ngại vật khác. Cũng tại giải năm đó, “Anh hùng thế vận” Emil Zatopek của nước bạn Tiệp Khắc, người đã 5 năm liên tục lập kỷ lục marathon thế giới từ năm 1948 đến 1953, cũng tham gia thi đấu biểu diễn và là VĐV nước ngoài đầu tiên tham dự giải.

Ba VĐV về đầu ở giải đấu đầu tiên là nhà giáo Hoàng Viết Mông của tỉnh Lạng Sơn, người từng giật giải nhất cuộc thi chạy việt dã quanh bờ Hồ năm 1957; Bùi Lương, nhà vô địch việt dã Hải Phòng và Nguyễn Chuyển cũng của Lạng Sơn.

Việt dã Tiền Phong: 60 năm một chặng đường phát triển ảnh 1 Toàn cảnh buổi họp báo giải Việt dã toàn quốc và Marathon Giải báo Tiền Phong lần thứ 60 - 2019, diễn ra tại Hà Nội sáng nay. Ảnh: Như Ý
Việt dã Tiền Phong: 60 năm một chặng đường phát triển ảnh 2

Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong lần thứ 5 (23/12/1962) tổ chức tại Nam Định là lần đầu tiên có sự góp mặt tranh tài của phái nữ. VĐV Nhạn Mỹ Na của Hà Nội trở thành nữ hoàng đường chạy năm đó.

Phải tới lần tổ chức thứ 27 (5/12/1986) tại An Giang, 2 cự ly thi đấu nam trẻ và nữ trẻ mới được đưa vào chương trình thi đấu. VĐV Nguyễn Duy Đức của đoàn chủ nhà đăng quang ngôi nam trẻ còn VĐV Nguyễn Thị Phương Thảo của Long An giành ngôi nữ trẻ.

Sau giải lần thứ 22 tổ chức tại Huế năm 1979, vì những lý do khách quan, phải 2 năm sau, năm 1981, Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong lần thứ 23 mới được tổ chức tiếp ở TPHCM. Kể từ lần đầu tiên tổ chức giải cho tới nay, năm 1980 là năm đầu tiên và cũng là duy nhất không tổ chức Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong.

Bắt đầu từ Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong lần thứ 31 năm 1990 tại An Giang, BTC thống nhất tổ chức giải vào ngày Chủ nhật trước hoặc đúng ngày sinh nhật Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 26/3.

VĐV có thâm niên dự giải nhiều nhất: Hoàng Minh Phước của Bộ Công An với 22 năm liên tục và Bùi Lương với 20 năm. Hiện lão tướng Bùi Lương vẫn gắn bó với môn chạy Việt dã trong vai trò HLV còn HLV Hoàng Minh Phước “cáo lão về quê” sau giải đấu năm 2017 tại Ninh Bình.

Các VĐV nhiều lần giành chức vô địch nhất:

Nam: Bùi Lương (Hà Nội) 9 lần vô địch, Nguyễn Văn Thuyết (Nam Định) 6 lần và đặc biệt nhất là danh thủ Lưu Văn Hùng (Thanh Hoá) với 8 lần liên tiếp đăng quang ngôi vô địch từ năm 1993 tại Pleiku, Gia Lai cho đến khi kết thúc sự nghiệp thi đấu và cũng là lần đăng quang cuối cùng năm 2000, cũng trên miền đất đỏ Tây nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

Nữ: Đặng Thị Tèo (Hà Nội) 7 lần, Trương Thanh Hằng (TPHCM, Ninh Bình) 7 lần, Trần Thị Xoa (Nghệ Tĩnh) 6 lần, Vũ Thị Hoa (Quảng Ninh) 4 lần.

Có 2 địa phương đoạt giải vô địch toàn đoàn nhiều nhất là Khánh Hoà (23 lần)  và Hà Tây (11 lần).

Năm 2009, giải lần thứ 50 mở rộng thêm nội dung, đưa cự ly bán marathon (21km) vào chương trình thi đấu và được đổi tên là Việt dã toàn quốc và bán marathon giải báo Tiền Phong. VĐV Nguyễn Vinh Thiên (Khánh Hoà) và Phạm Thị Hiên (Thái Bình) là những nhà vô địch nam, nữ đầu tiên của cự ly này. Qua 5 năm, Nguyễn Văn Long (Gia Lai) và Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi) cùng 3 lần liên tiếp lên ngôi vô địch bán marathon nam, nữ.

Năm 2014, BTC nâng cự ly bán marathon lên cự ly marathon khi giải tổ chức tại Đà Lạt. Bùi Thế Anh của Quân đội và Phạm Thị Bình của Quảng Ngãi là những nhà vô địch đầu tiên khi giải mang tên Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong.

Năm 2017, lần đầu tiên các VĐV marathon phong trào được tham dự giải khi Ninh Bình trở thành địa điểm đăng cai thi đấu.

Năm 2018, ở lần tổ chức thứ 59 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, BTC tiến hành những cải tiến lớn trong công tác tổ chức, với phương châm phục vụ VĐV ở mức tối đa, lấy VĐV là trung tâm trong công tác tổ chức.

Theo đó, lần đầu tiên sau 58 lần tổ chức, giải đưa vào sử dụng hệ thống tính điểm điện tử, với time chip gắn lên số đeo của tất cả VĐV, giúp “giải phóng” lực lượng trọng tài và hiện đại, chính xác, nhanh chóng hơn trong việc tính thành tích thi đấu của các VĐV. Với hệ thống tính điểm điện tử và mã QR cá nhân hóa cho từng VĐV in trên số đeo, ngay sau khi về đích, các VĐV có thể dùng smartphone quét mã QR trên số đeo của mình để biết thành tích thi đấu chính xác. Cùng với đó, BTC cũng đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến. Việc đăng ký trực tuyến góp phần giảm thiểu công tác hành chính cho BTC, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu với hệ thống tính điểm điện tử cũng như giúp VĐV dễ dàng kiểm tra lại thông tin đăng ký của mình.

Đến giải lần thứ 60 năm 2019, tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, BTC tiếp tục bổ sung, điều chỉnh nội dung thi đấu để phù hợp hơn với phong trào chạy bộ trong cả nước đang lớn mạnh từng ngày. Theo đó, BTC sắp xếp lại các cự ly thi đấu thành 4 cự ly gồm 5km, 10km, 21,1km và 42,195km cho các VĐV nam, nữ.

Để giúp VĐV chống lại sự mệt mỏi trên đường chạy marathon 42,195km đầy khắc nghiệt, BTC cung cấp gel năng lượng cho các VĐV cùng việc bố trí những điểm tiếp nước, nước điện giải và hoa quả giàu vitamin, khoáng chất trên đường chạy, hệ thống làm mát, giảm nhiệt trên đường chạy và phục hồi, giãn cơ sau thi đấu.

Tham gia ngày hội chạy trên bờ biển Vũng Tàu tươi đẹp, các VĐV phong trào có thể lưu giữ những kỷ niệm đẹp thông qua những số đeo được thiết kế hiện đại, đẹp mắt, in tên từng VĐV, CLB chạy; những tấm kỷ niệm chương độc đáo, được cá nhân hóa bằng cách khắc tên bằng lazer, cho những VĐV phong trào hoàn thành nội dung thi đấu trong thời gian cho phép hay những chiếc áo thể thao, giấy chứng nhận tham dự giải cho các VĐV phong trào.

Giải có các nội dung thi đấu gồm 42,195km marathon nam, nữ hệ tuyển và hệ phong trào; 21,1km bán marathon nam, nữ hệ tuyển và hệ phong trào; 10km nam tuyển, nam trẻ; 5 km nữ tuyển, nữ trẻ; 10km nam, nữ phong trào và 5km nam, nữ phong trào.

Cách tính điểm: Điểm cá nhân là vị trí xếp hạng thực tế của VĐV đạt được trong nội dung thi đấu và mỗi đơn vị chỉ được tối đa 2 VĐV có mặt trong bảng tổng sắp cá nhân. Điểm đồng đội là tổng số điểm 3 VĐV có thành tích cao nhất trong đội cộng lại, đội nào có số điểm ít hơn sẽ xếp trên. Nếu hai đội có tổng số điểm bằng nhau thì so sánh VĐV thứ 3 của hai đội, nếu VĐV nào có thành tích tốt hơn thì đội đó xếp trên. Trường hợp hai VĐV cuối cùng có thành tích bằng nhau thì xét đến VĐV kế trên. Điểm đoàn là tổng điểm của cả 06 đội hệ nâng cao: đội tuyển nam, đội tuyển nữ, đội trẻ nam, đội trẻ nữ, đội thiếu niên nam và đội thiếu niên nữ cộng lại. Nếu nhiều đoàn có tổng số điểm bằng nhau thì đoàn nào có đội nam thiếu niên xếp vị trí cao hơn sẽ được xếp trên.

Ngoài các nội dung thi đấu chính thức, giải còn có nội dung chạy đồng hành dành cho lực lượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, công nhân viên chức của Bà Rịa-Vũng Tàu với sự tham dự của khoảng 1.000 người.

Chung sức tạo thành công

Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự đồng hành, góp sức vào sự thành công của giải nói riêng và sự nghiệp phát triển phong trào việt dã, của thể thao Việt Nam nói chung của các nhà tài trợ Vàng- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGRIBANK), nhãn hàng thức uống lúa mạch giàu năng lượng MILO thuộc công ty TNHH Nestle’ Việt Nam; các nhà tài trợ Bạc- HDBank, EVN; các nhà tài trợ Đồng- Vingroup, Hyundai Thành Công, Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam, nhà tài trợ Vận chuyển Bamboo Airways; các đơn vị đồng hành: Công ty TNHH Grab Việt Nam,  VinaPhone, Nhãn hàng Lavie, MobiFone, Hưng Thịnh Corporation, nhãn hàng King Coffee- Công ty TNHH MTV TNI, Công ty TNHH Adidas VN, MM Mega Market Việt Nam, Dầu khí biển Đông POC, nhãn hàng BeeGreen, Vietcomreal, Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt (bảo hiểm toàn bộ giải), dự án Stellar Garden và nhãn hàng Pocari Sweat- Công ty TNHH Otsuka Thang Nutrition.

Cảm ơn 300 bạn sinh viên cùng tập thể ban lãnh đạo Trường Đại học Vũng Tàu, tham gia với vai trò tình nguyện viên, cùng các bạn tình nguyện viên các CLB chạy tại Vũng Tàu và các địa phương khác đã thể hiện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tổ chức sự kiện đã góp công sức vào thành công của giải.

Ban tổ chức đặc biệt cảm ơn các vận động viên, những  nhân vật trung tâm của giải đấu, đã tham dự và góp công sức vào sự thành công chung của giải. Những chia sẻ của các bạn về những trải nghiệm trên đường chạy, những kinh nghiệm trong tập luyện, chuẩn bị và thi đấu là nguồn cảm hứng giúp lan toả phong trào chạy bộ, rèn luyện sức khoẻ ngày càng rộng lớn trong các tầng lớn nhân dân.

Ra đời vào năm 1958, với đường chạy trong công viên Bách Thảo, Việt dã giải báo Tiền Phong lần đầu tiên được tổ chức ngày 25/12/1958 với 72 VĐV tham dự, trong đó có cả “anh hùng Thế vận” nổi tiếng ngày đó là VĐV Emil Zatopek với 5 năm liên tục lập kỷ lục marathon thế giới từ 1948 tới 1953, trở thành VĐV nước ngoài đầu tiên dự giải. Trong suốt lịch sử của giải, năm 1980 là lần đầu tiên và cũng là duy nhất giải không được tổ chức vì những lý do khách quan. 

Qua 59 lần tổ chức, đã có nhiều VĐV trưởng thành từ giải đấu, tiến ra đấu trường khu vực, châu lục và mang vinh quang về cho tổ quốc như các VĐV Hoàng Minh Phước, Bùi Lương, Nguyễn Văn Thuyết, Lưu Văn Hùng trước đây hay Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Chí Đông, “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình, Nguyễn Văn Lai... trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Việt dã Tiền Phong: 60 năm một chặng đường phát triển ảnh 3
MỚI - NÓNG