Một tòa chung cư tan hoang ở Mariupol ngày 17/4. (Ảnh: Reuters) |
Đang có lo ngại rằng Ukraine sẽ sớm hết vũ khí khi chiến sự diễn ra ác liệt hơn ở vùng Donbass, nơi Nga đang cố gắng bao vây và đẩy quân Ukraine khỏi khu vực này.
Thúc ép phương Tây hỗ trợ thêm vũ khí trong giai đoạn mới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng phương Tây phải coi cuộc chiến ở miền đông là một bước chuyển mang tính chất bản lề trong nỗ lực đối phó với Tổng thống Nga Vladimir Putin và thể hiện cam kết bảo vệ giá trị của phương Tây.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN ngày 17/4, ông Zelensky nói rằng trận chiến ở Donbass “có thể tác động đến toàn bộ lộ trình cuộc xung đột”, và Ukraine không có ý định từ bỏ lãnh thổ ở miền đông để chấm dứt chiến sự.
Ông cảnh báo rằng nếu Nga chiếm được vùng Donbass, hoàn toàn có khả năng Tổng thống Putin sẽ quay lên phía bắc để chiếm Kiev. Khi được hỏi rằng ông có hài lòng với thông báo vừa đưa ra của Mỹ về gói hỗ trợ quân sự trị giá 800 triệu USD nhằm tăng cường sức mạnh cho quân Ukraine ở Donbass, ông Zelensky nói: “Tất nhiên chúng tôi cần nhiều hơn”.
“Sẽ không bao giờ đủ. Đủ là điều không thể. Một cuộc chiến toàn diện đang diễn ra, vì thế chúng tôi cần thêm rất nhiều nữa… Chúng tôi không có lợi thế kỹ thuật so với Nga. Chúng tôi không ở cùng cấp độ với họ”, ông nói.
“Đối với gói hỗ trợ 800 triệu USD mà Tổng thống Joe Biden cam kết, điều quan trọng nhất là tốc độ”, Tổng thống Ukraine nói.
Dù gói viện trợ mới nhất đã bắt đầu được chuyển đi, đang có lo ngại về nguy cơ Ukraine cạn kiệt vũ khí nhanh chóng.
Dù Mỹ thông báo sẽ gửi 18 khẩu Howitzer 155mm và 40.000 khẩu pháo trong lô viện trợ mới nhất, một quan chức Mỹ cảnh báo rằng số vũ khí này có thể dùng hết trong vài ngày khi chiến sự ở Donbass đang diễn ra ác liệt.
Trung tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn CBS ngày 17/4 rằng giới chức Mỹ cần xác định rõ mục tiêu ở Ukraine, xác định xem sẵn sàng làm những gì để giúp Ukraine chiến thắng. Ông cho rằng gói hỗ trợ mới nhất là cần thiết, nhưng không đủ.
“Thứ Ukraine cực kỳ cần vũ khí tầm xa, máy bay không người lái để cản trở hoặc phá hủy những hệ thống gây thiệt hại nặng nề cho các thành phố của Ukraine. Những vũ khí đó cũng như sẽ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tiếp theo”, ông Hodges nói.
Một chiến trường trọng điểm ở Ukraine hiện nay là thành phố cảng Mariupol. Bộ Quốc phòng Nga vừa đưa ra thời hạn chót để lực lượng Ukraine còn lại ở thành phố này hạ vũ khí đầu hàng, nhưng sau đó cho biết tối hậu thư đã bị phớt lờ.
Trong tuyên bố vừa đưa ra, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng quân của họ đang bao vây số binh lính còn lại và những người khác cố thủ trong nhà máy thép Azovstal. “Nếu tiếp tục chống cự, tất cả họ sẽ bị xóa sổ”, tuyên bố nêu rõ.
Cả Tổng thống Zelensky và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đều khắc họa số phận của Mariupol như một địa bàn mang tính chất bản lề của cuộc xung đột, một phần vì chưa thể đánh giá số lượng thương vong của dân thường ở thành phố này.
Ông Zelensky cảnh báo việc xóa sổ lực lượng ở Mariupol có thể khiến tiến trình đàm phán song phương dừng lại. Ông Kuleba nói rằng việc Nga quyết tâm “san phẳng Mariupol bằng mọi giá” sẽ là “vạch đỏ”.
"Logic riêng"
Một trong những thách thức lớn nhất mà chính quyền Biden và các đồng minh phải đối mặt là không biết “vạch đỏ” của ông Putin ở đâu, và họ nên tiếp tục viện trợ cho Ukraine ở mức độ nào mà không khiến nhà lãnh đạo Nga mở rộng cuộc chiến để kéo cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào.
Tuần trước, Nga gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Mỹ để cảnh báo “hậu quả không thể dự đoán” nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng mà Ukraine muốn.
Các chuyên gia quân sự diễn giải đây là dấu hiệu cho thấy Nga sẽ nhằm vào không chỉ vũ khí đã được chuyển đến Ukraine mà cả những đoàn xe của NATO chở vũ khí đến biên giới Ukraine.
Khi các lãnh đạo thế giới đang cố xác định xem ông Putin nghĩ gì, sẵn sàng đi xa đến đâu để trừng phạt những nước giúp Ukraine, Thủ tướng Áo Karl Nehammer, người vừa gặp trực tiếp Tổng thống Nga vào tuần trước, nói rằng rõ ràng ông Putin tin rằng ông sẽ chiến thắng và có “logic chiến tranh riêng”.
Khi phương Tây đối mặt với những câu hỏi khó, ông Zelensky đang cố thuyết phục Mỹ và các đồng minh can dự nhiều hơn vào giai đoạn tiếp theo. Khi được hỏi về những lời hứa mà các lãnh đạo thế giới đưa ra mỗi năm trong ngày tưởng niệm nạn nhân của Đức quốc xã, ông Zelensky cho rằng đó là những lời sáo rỗng vì không thể ngăn chặn cuộc xung đột hiện nay.
“Tôi không tin thế giới. Không bao giờ nữa. Thực sự mọi người nói về điều này, nhưng bạn có thể thấy, không phải ai cũng đủ can đảm”, ông Zelensky nói với CNN.