Viễn cảnh chiến tranh Mỹ-Iran: Địa ngục trần gian

Một binh sĩ Iran đứng gác trên tàu cao tốc quân sự ở cạnh tàu ngầm trong một cuộc tập trận hải quân ở eo biển Hormuz Ảnh: Getty Images
Một binh sĩ Iran đứng gác trên tàu cao tốc quân sự ở cạnh tàu ngầm trong một cuộc tập trận hải quân ở eo biển Hormuz Ảnh: Getty Images
TP - Sau khi tướng Qasem Soleimani bị Mỹ ám sát ở Iraq, Iran thề trả đũa dữ dội; nếu chiến tranh Mỹ-Iran bùng nổ, đây sẽ là một trong các cuộc xung đột tồi tệ nhất trong lịch sử.

Các chuyên gia nhận định, Tehran có mọi lý do, động lực để trả đũa Washington, sử dụng các lực lượng ủy nhiệm của mình để tấn công các lợi ích thương mại của Mỹ ở Trung Đông, các đồng minh của Mỹ, thậm chí các nhà binh sĩ, ngoại giao Mỹ tại các căn cứ quân sự, đại sứ quán trong khu vực, trang tin Mỹ Vox đưa tin. Eurasia Group, công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị toàn cầu, nhận định, xác suất xảy ra “một sự đối đầu quân sự quy mô lớn hoặc hạn chế” giữa Mỹ và Iran là 40%. 

Các mũi tiến công của Mỹ

Chiến lược của Mỹ gần như chắc chắn sẽ là sử dụng sức mạnh không quân và hải quân vượt trội để sớm chế ngự Iran. “Bạn không chọc tổ ong, bạn đánh rớt cả tổ”, ông Ilan Goldenberg, lãnh đạo nhóm phụ trách vấn đề Iran của Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2009-2012, nói. Quân đội Mỹ sẽ đánh bom các tàu, máy bay chiến đấu đang đỗ, địa điểm tên lửa, cơ sở hạt nhân, cơ sở huấn luyện của Iran, đồng thời tấn công mạng vào hầu hết cơ sở hạ tầng quân sự của nước này. Mục tiêu là làm suy yếu các lực lượng truyền thống của Iran trong vài ngày, vài tuần đầu tiên, khiến Tehran gặp nhiều khó khăn hơn khi chống lại sức mạnh Mỹ. 

“Tuy nhiên, khó có khả năng người Iran sẽ đầu hàng. Một chiến dịch không quân lớn khó mà tạo ra kết quả mong muốn. Nó chỉ khiến xung đột leo thang”, ông Michael Hanna, chuyên gia Trung Đông tại Quỹ Century Foundation (Mỹ), nhận định. Các cuộc không kích dẫn tới thiệt hại nhân mạng, trong đó có dân thường vô tội và điều này có thể khiến người dân Iran ủng hộ chế độ và đoàn kết chống Mỹ. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tín hiệu rằng, ông không muốn gửi bộ binh tới Iran, hoặc tham chiến quá lâu ở đó. Ông có xu hướng giữ Mỹ tránh xa các cuộc chiến ở nước ngoài, đặc biệt tại Trung Đông. Nhưng các trợ lý có đường lối cứng rắn như Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể thuyết phục ông không tỏ ra yếu đuối, phải tham chiến và giành thắng lợi. Nhưng rủi ro có nhiều. Iran hiện có dân số gần gấp 3 dân số Iraq năm 2003 khi chiến tranh xảy ra và có diện tích gấp 3,5 lần Iraq. Iran có các dãy núi nhỏ dọc theo một phần biên giới. Vào từ ngả Afghanistan ở phía đông có nghĩa là phải đi qua 2 sa mạc.

Vào từ ngả phía Tây cũng khó khăn vì Thổ Nhĩ Kỳ không muốn Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình để xâm lược. Mỹ có thể vào Iran theo cách Saddam Hussein thực hiện trong chiến tranh Iran-Iraq: Tiếp cận vùng nước giáp biên giới tây nam. Nhưng đó là khu vực đầm lầy - nơi hai con sông Tigris và Euphrates gặp nhau và tương đối dễ bảo vệ. 

Nếu Tổng thống Trump chọn cách đột kích Iran bằng đường bộ, ông sẽ cần tới khoảng 1,6 triệu quân để giành quyền kiểm soát thủ đô Tehran và sau đó là toàn bộ Iran. Trong thực tế, lượng quân nhân Mỹ ở Iraq chưa bao giờ vượt quá 180.000 người. Giới phân tích ước tính, chiến tranh Mỹ-Iran có thể dẫn tới cái chết của hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người. Và nếu cưỡng bức thay đổi chế độ thì tổng số người chết có thể lên tới hàng triệu.

Không muốn chiến tranh

Ông Goldenberg, người mới đây gặp gỡ các quan chức ở vùng Vịnh, nói rằng, không quan chức nào muốn xảy ra chiến tranh Mỹ-Iran. Các nước châu Âu cũng lo hàng triệu người tị nạn sẽ tràn vào lục địa già, trong khi họ đang phải vật lộn với hậu quả khủng hoảng người tị nạn Syria. Israel cũng lo các lực lượng ủy nhiệm của Iran sẽ nhằm vào họ.

Trong khi đó, các nước thân thiện với Iran như Nga, Trung Quốc sẽ cố gắng hạn chế giao tranh và tận dụng cơ hội, chuyên gia Hanna nói. Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào hàng hóa của họ đi qua eo biển Hormuz, nên sẽ kêu gọi các bên bình tĩnh, kêu gọi Iran không đóng cửa eo biển.

Nga cũng có thể kêu gọi các bên kiềm chế và củng cố quan hệ với Iran. Vì cả Nga và Trung Quốc có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nên họ có khả năng phá hủy tính hợp pháp chính trị cho cuộc chiến mà Mỹ có thể muốn giành được thông qua Hội đồng.  

Vì thế, hy vọng đối với chính quyền Trump sẽ là xung đột sớm chấm dứt sau loạt không kích đầu tiên, nếu không, sẽ chỉ còn lại những sự lựa chọn tồi tệ khiến tình hình trầm trọng hơn rất nhiều.

MỚI - NÓNG