> Luật phu trầm, máu & nước mắt
> Cả xã đổ xô đi tìm trầm
Rúng động buôn M’ghi
Người dân huyện Krông Bông (Đăk Lăk) vừa chứng kiến cảnh tượng “xưa nay hiếm” khi dòng người khắp nơi, từ các tỉnh: Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận… và người dân địa phương đổ dồn về xã buôn M’ghi, xã Yang Mao với giấc mộng đổi đời từ trầm hương. Trong thời gian ngắn, hơn 500 phu trầm đã có mặt ở buôn M’ghi – nơi có hai anh em Y Lốc và Y Dé Niê “vô tình” vớ phải trầm và bán được 4,2 tỷ đồng. Xe taxi, xe khách, xe ôm chạy nườm nượp đưa đón các phu trầm. Buôn M’ghi nghèo, hẻo lánh mấy chốc trở nên nhộn nhịp khác thường. Nhiều cánh rừng già ở đây đã ken kín dấu chân các phu trầm. “Người đi vào đây tìm trầm như hội, mấy ngày nay có đến cả nghìn người. Dân địa phương cũng bắt chước tìm vận may”, một chủ quán nước ở ngã ba xã Cư Drăm nói.
Ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Yang Mao cho biết: Quanh khu vực phát hiện trầm hương từ 5.000 đến 6.000m2 đều bị những người tìm trầm dùng cuốc xẻng đào bới. Số người đến đây đông quá nên chúng tôi phải báo cáo huyện tăng cường thêm lực lượng công an để kiểm soát tình hình, đồng thời vận động, tuyên truyền họ trở về và ngăn cản không cho số mới vào rừng, chờ vụ việc tạm lắng.
Tiểu khu 1218, thuộc lâm phần Lâm trường Krông Bông cũng xáo động vì cơn lốc trầm. Ông Đoàn Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý rừng ngao ngán: Hiện không xác định được số người đang đào bới trong rừng là bao nhiêu, dù khả năng tìm được trầm vô cùng khó, ai may lắm mới lượm được một vài miếng còn sót lại.
Bỗng dưng thành tỷ phú
Anh em nhà Y Lốc là gia đình thuộc hộ nghèo của xã, nhờ vớ được trầm mà có tiền tỉ. Anh Ma Cò, nhà bán hàng tạp hóa trong buôn M’ghi kể : Y Lốc và Y Dé trúng trầm mà cả buôn ai cũng vui. Lốc, Dé cho mỗi hộ 10kg gạo và cho nhiều nhà vay vốn từ 10 đến 50 triệu đồng để làm ăn, rồi trả nợ cho mình mấy chục triệu nữa. Đúng là số trời cho, chớ biết bao nhiêu người tìm mãi có thấy gì đâu. Bốn năm trước có người từ Phú Yên lên đây tìm trầm cả tháng trời, hết tiền mà chẳng có trầm, mình chở về nhà nhưng thấy họ nghèo quá nên không lấy tiền. Hồi xưa ở dãy núi Yang Kri này có nhiều trầm lắm.
Y Lốc (32 tuổi) có vợ và hai con, còn Y Dé (24 tuổi) mới cưới vợ và có con được 18 tháng. Y Dé kể: Rảnh rỗi không có việc gì làm nên mình với anh trai vào rừng hái lan đất bán kiếm tiền mua thức ăn. Đi cả ngày không thấy gì. Đến khi nghỉ ăn cơm trưa bên khe suối anh Y Lốc buột miệng ước “Nếu ông trời cho hai anh em mình thấy trầm thì đỡ khổ”. Nói xong liền chặt rựa vào một cây khô trước mặt, tự nhiên thấy mùi rất thơm… Hóa ra rựa chặt trúng trầm, thu được gần 1 kg. Mừng quá, hai anh em chạy về tìm mối bán, họ mua với giá 4,2 tỷ đồng. Hai anh em mỗi người lấy hơn 1 tỷ đồng gửi ngân hàng, số còn lại chia cho người thân trong gia đình, giúp đỡ hàng xóm và mua hơn 15 triệu đồng tiền gạo cho 110 hộ trong buôn.
Sau khi đổi đời nhờ trầm hương, Y Lốc và Y Dé mua xe công nông mới và 2 xe máy Honda Air Blade. Riêng Y Dé đã đào móng, mua vật liệu để xây nhà mới.
Ngược lại, những phu trầm từ miền Trung mất công bỏ việc, vay tiền “nóng” đi tìm trầm giờ lại về tay không. Giấc mơ đổi đời vẫn là mơ.