Vì sao thịt lợn 'rớt giá' kỷ lục?

0:00 / 0:00
0:00
Vì sao thịt lợn 'rớt giá' kỷ lục?
TPO - Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp việc vận chuyển, tiêu thụ trở nên khó khăn, nhiều nông dân lo ngại sẽ không bán được nên giá nào cũng cho xuất chuồng. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, khiến người dân không chịu nổi đành bán tống, bán tháo, thậm chí bị các thương lái ép giá.

Thời điểm này năm 2020, giá lợn hơi chứng kiến đà tăng phi mã như “ngựa đứt cương”. Năm nay, giá thịt lợn rơi xuống mức đáy và chưa có dấu hiệu ngừng giảm.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, ngày 13/5, tại miền Bắc, giá thịt lợn dao động trong khoảng 64.000-69.000 đồng/kg. Ở TP Hà Nội, giá lợn hơi giảm xuống ở mức 67.000 đồng/kg. Hiện, miền Bắc là khu vực có giá lợn hơi thấp nhất cả nước Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, mức giá trong khoảng 67.000 - 75.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Nam, giá thịt lợn từ 67.000 - 71.000 đồng/kg.

So thời điểm này năm ngoái, giá lợn hơi trên cả nước giảm từ 23.000 – 26.000 đồng/kg. Ở một số nơi, giá lợn thời điểm đó cán mốc 100.000 đồng/kg, mức giảm còn lên đến 30.000 đồng/kg.

Vì sao thịt lợn 'rớt giá' kỷ lục? ảnh 1

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi thịt lợn giảm khiến nông dân lo sốt vó

Tại Đồng Nai, "thủ phủ" chăn nuôi lợn cả nước, giá lợn hơi của Cty cổ phần chăn nuôi C.P tiếp tục giảm thêm 1.500 đồng, xuống còn 71.500 đồng/kg.

Giá thịt lợn hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng chóng mặt trong nhiều tháng qua, khiến không ít nông dân thua lỗ, phải bỏ chuồng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi đang rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn khi giá thành sản xuất liên tục tăng cao.

Nói về nguyên nhân giá thịt lợn giảm, ông Trọng cho rằng do nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu vẫn còn lớn, trong khi việc tái đàn ở trong nước vẫn đạt hơn 70%. Trong quý 1/2021, Việt Nam nhập khẩu gần 169.300 tấn thịt và sản phẩm từ thịt; tăng 0,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Riêng thịt lợn nhập khẩu là 34.650 tấn; tăng hơn 101% về lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, theo ông Trọng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp việc vận chuyển, tiêu thụ trở nên khó khăn, nhiều nông dân lo ngại lúc đấy sẽ không bán được nên giá nào cũng cho xuất chuồng. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, khiến người dân không chịu nổi đành bán tống, bán tháo, thậm chí bị các thương lái ép giá.

Theo ông Trọng, với giá thịt lợn ở mức dưới 70 nghìn đồng, chỉ có DN chăn nuôi có lãi bởi họ chủ động được tất cả các khâu, còn người nông dân hầu như không có.

Ông Trọng phân tích: Giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 25-30% đã đẩy phần này chiếm đến 60-65% giá thành sản xuất, chưa kể con giống cũng tăng từ 1,5-2 triệu đồng/con (cao hơn từ 15-20 nghìn đồng/kg so với DN khép kín). Tính ra giá bán đã không đủ bù chi phí khiến nông dân càng nuôi, càng lỗ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, vừa qua Bộ NN&PTNT đã họp nhanh với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn và đề nghị các DN này duy trì giá ở mức ổn định, hoặc tăng không đáng kể, đồng thời kiến nghị kéo dài Quyết định 50 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đến hết năm 2021, trong đó có hỗ trợ về kinh phí, vật tư, giống cho người nông dân.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.