Vì sao sen chưa chính thức là quốc hoa?

Vì sao sen chưa chính thức là quốc hoa?
TP - Quốc hoa, quốc phục, đại sứ du lịch là một số vấn đề được báo giới quan tâm tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ VHTT&DL sáng 6/8.

> Sẽ lựa chọn Quốc hoa Việt Nam
> Lấy ý kiến người dân về Quốc hoa

Để nhân dân suy tôn

Có phóng viên đặt câu hỏi rằng đề án quốc hoa sau khi thực hiện rầm rộ, mãi vẫn chưa chính thức đi đến quyết định, giờ lại quốc phục, liệu tốn kém mà không đi đến đâu? Bà Thu Hương, Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng không hề tốn kém: “Đề án quốc hoa chi phí 35-36 triệu đồng, theo Nghị định 61 và 97 ở mức tối thiểu”.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn giải thích thêm, Bộ đã thực hiện đề án quốc hoa, xin ý kiến các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến người dân một số thành phố lớn. Sau khi có ý kiến tổng hợp, Bộ báo cáo Chính phủ, dự kiến phê duyệt hoa sen là quốc hoa.

“Đề án thực hiện rất cẩn trọng, có tham khảo nước ngoài. Có nước Tổng thống ra sắc lệnh công nhận, có nước để nhân dân tôn vinh. Thế nhưng, trong hệ thống văn bản pháp quy của Việt Nam, không ai có thể phê duyệt biểu tượng văn hóa quốc gia. Cho nên Chính phủ yêu cầu, khi chưa có luật nên để nhân dân suy tôn hoa sen là quốc hoa”, ông Hồ Anh Tuấn phát biểu.

Trước mắt, các cơ quan nhà nước sẽ dần dần đưa hoa sen thành biểu tượng. Lãnh đạo Bộ cũng nói thêm, để khắc phục vướng mắc, Bộ góp ý sửa đổi Hiến pháp: Chủ tịch nước sẽ quyết định biểu tượng văn hóa quốc gia như quốc hoa, quốc phục, quốc tửu.

Nói thêm về quốc phục, đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định, đây là nhiệm vụ mới được Chính phủ quy định tại Nghị định 185. Theo đó, Cục sẽ quản lý biểu tượng văn hóa quốc gia theo quy định của pháp luật. Sau khi phát động cuộc thi thiết kế lễ phục, đề án quốc phục cũng thực hiện theo quy định. Khoản tiền tốn kém nhất cho đề án là 220 triệu tiền thưởng.

Vẫn quyết chọn Đại sứ du lịch?

Sau nhiều thông tin trái chiều hồi tháng 3, Bộ quyết định lùi thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đến 31/10. Có vẻ Bộ không dừng việc bầu chọn như một số người đoán, nhất là sau ý kiến của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho rằng “bầu Đại sứ du lịch là trò vô bổ”.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết, hiện Cục nhận được 5 hồ sơ của Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân, Châu Mộng Như (Á hậu 1 Hoa hậu châu Á tại Mỹ), diễn viên Lan Phương, người đẹp du lịch Huỳnh Thị Ngọc Hân và cô giáo tiếng Anh Hồng Thuận. Ông Tình kêu gọi mọi người tiếp tục gửi hồ sơ.

“Chúng tôi đang đề nghị Bộ sửa đổi quy chế về đại sứ: Kéo dài 2 năm, bổ nhiệm không chỉ một mà nhiều đại sứ du lịch theo địa bàn, thị trường hay từng hoạt động cụ thể. Nhiều quốc gia không quy định trình độ của đại sứ du lịch. Họ có thể là nghệ nhân hay trẻ em nổi tiếng như chú bé Psy”, ông Tình nói thêm.

Có phóng viên đặt câu hỏi, mới có 1 đại sứ mà Cục đã than khó khăn về kinh phí, nếu nhiều thì tiền đâu? Ông Tình giải thích, trước đó, đại sứ du lịch đều tự bỏ kinh phí, nên chưa tốn kém gì.

“Các cấp không thể đứng ngoài cuộc trong đảm bảo an ninh du lịch. Tuy nhiên, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra mất an ninh, an toàn”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch nói. Trước việc Đà Lạt có hiện tượng xua đuổi khách, ông Cường cho rằng Đà Lạt nên lấy bài học từ Hội An - để cộng đồng bảo vệ môi trường du lịch. Thanh Hóa, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh hình thành tổ chức hỗ trợ du khách, lắp đặt camera an ninh. Bộ cũng đề xuất Bộ Công an thành lập cảnh sát du lịch trong thời gian tới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.