Tổng thống Philippines đưa ra lệnh cấm vài tuần sau khi một số bộ trưởng dưới quyền mạnh mẽ phản đối, thậm chí chỉ trích việc Trung Quốc điều hàng trăm tàu thuyền vào một số khu vực nhạy cảm trên Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng, đi ngược lại chính sách của ông là quan hệ hợp tác và không đối đầu Bắc Kinh, Reuters đưa tin ngày 18/5.
Tiếp tục tuần tra trên biển
“Đây là lệnh của tôi đối với tất cả thành viên nội các - dừng thảo luận về Biển Đông với bất kỳ ai. Nếu nói chuyện, chúng ta chỉ nói chuyện trong nội bộ và chỉ có một người phát ngôn (về vấn đề Biển Đông) là Harry (Harry Roque - phát ngôn viên của tổng thống”, ông Duterte nói trên truyền hình hôm 17/5.
Sau đó, Tổng thống Duterte nói rằng, lệnh cấm của ông không nên được giải thích theo hướng Philippines hạ mình, yếu đuối trước Trung Quốc. Ngày 18/5, ông tuyên bố Philippines tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra trên biển, Inquirer đưa tin.
Lệnh cấm của ông Duterte có thể giảm căng thẳng ở cấp độ phát ngôn, ông Aaron Jed Rabena (tổ chức tư vấn Asia-Pacific Pathways to Progress ở Manila) nhận định. “Có thể Tổng thống Duterte đã nhận ra rằng, đã đến lúc chính quyền của ông nói chuyện cùng một tông giọng. Những tín hiệu lẫn lộn trước đó cho thấy một chính phủ không nhất quán, dễ gây hiểu lầm”, ông Rabena nói.
Trung Quốc ra yêu sách “đường 9 đoạn” (còn gọi “đường lưỡi bò”) với hầu hết diện tích Biển Đông và xây dựng nhiều cơ sở quân sự trên các bãi đá ở Biển Đông. Ngoài xây dựng, củng cố các cơ sở quân sự được trang bị tên lửa, Trung Quốc còn liên tục duy trì sự hiện diện của đông đảo tàu hải cảnh, tàu dân binh và tàu cá ở nhiều khu vực tranh chấp. Trong khi đó, Tổng thống Duterte không những không chỉ trích Trung Quốc mà còn khen ngợi Bắc Kinh với hy vọng Manila sẽ nhận được các khoản đầu tư lớn và cách tiếp cận này khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc tức giận, Reuters đưa tin.
Gần đây, bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng Philippines và cố vấn pháp lý của ông Duterte có những phát ngôn mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc. Hôm 3/5, Ngoại trưởng Teodoro Locsin viết trên Twitter: “(Trung Quốc) hãy biến khỏi Biển Đông”. Hai bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao và cố vấn pháp lý của tổng thống Philippines cho rằng, sự hiện diện của đám đông tàu thuyền Trung Quốc là một mối đe dọa và các tàu này do dân quân Trung Quốc quản lý, vận hành.
Trách nhiệm trước dân
Tổng thống Duterte đưa ra lệnh cấm công khai bàn chuyện Biển Đông sau khi tham vấn cựu Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile.Ông Enrile có mặt trong buổi công bố lệnh cấm. Vị cựu Chủ tịch Thượng viện dẫn nhập cuộc thảo luận về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Theo ông Enrile, người từng làm bộ trưởng quốc phòng dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos, cách tốt nhất là không cần để ý đến những người chỉ trích. “Sau cùng, ngài tổng thống, ngài chỉ chịu trách nhiệm với người dân Philippines mà thôi. Ngài không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ con người nào cụ thể về chính sách đối ngoại của mình. Trách nhiệm của ngài là bảo vệ quyền lợi của quốc gia và người dân theo cách tốt nhất mà ngài có thể làm”, ông Enrile nói.
Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Ðông, bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết ngày 13/5.“Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Hằng tuyên bố.
Trước lời khuyên của ông Enrile, Tổng thống Duterte nói: “Ờ, có thể tôi sẽ phớt lờ những người chỉ trích mình”. Tổng thống Duterte mời ông Enrile thảo luận vấn đề Biển Đông, đặc biệt vào các dịp liên quan vụ đối đầu Philippines-Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough năm 2012. Vụ Trung Quốc chiếm Scarborough dẫn tới việc Philippines kiện ra Tòa trọng tài thường trực có trụ sở ở La Haye (Hà Lan). Năm 2016, Tòa trọng tài ra phán quyết rằng, yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử. Những người chỉ trích Tổng thống Duterte thúc giục ông đưa phán quyết của tòa ra trước Liên Hợp Quốc, nhưng ông Duterte từ chối với lý do làm vậy sẽ dẫn tới xung đột quân sự với Trung Quốc.