> Chung tay xây dựng nông thôn mới
Từng “hoạt động hiệu quả”...
Tháng 3-2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án tổ chức các đội Trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) tham gia phát triển nông thôn, miền núi tại các xã nghèo, đặc biệt khó khăn.
Thực hiện dự án này, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa tổ chức hai đội TTTTN lên hai xã vùng sâu vùng xa là Sơn Thái và Sơn Bình (Khánh Sơn), sau đó tăng lên thành 4 đội.
Hồi đó Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh) là xã nghèo nhất tỉnh Khánh Hoà, một nửa số hộ dân đói ăn quanh năm. Bí thư chi đoàn xã cũng không biết nuôi heo gà, trồng mấy cây điều nhưng thu hoạch chỉ đủ cho “lũ nhỏ lấy hạt đổi kẹo ăn”, trỉa bắp mỗi hốc 4 - 5 cây, ra bắp chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái…
Lên Sơn Thái, đội TTTTN trồng một vườn bắp để đồng bào tận mắt thấy lợi ích của việc trỉa bắp thưa, kiên nhẫn hướng dẫn họ trồng cây điều, xoài, keo giâm hom… Bây giờ, cuộc sống ở Sơn Thái đã khá hơn nhiều lần, chủ yếu nhờ nguồn thu từ vườn nhà, vườn rừng được trồng và chăm sóc đúng quy cách.
Đội TTTTN ở Sơn Thái cũng giúp gỡ bỏ được sự thụ động của thanh niên dân tộc thiểu số, giới thiệu được những người nhiệt tình và có năng lực tham gia các công tác của địa phương.
Các đội TTTTN hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt các nhiệm vụ của dự án: Giúp xã phát triển kinh tế - xã hội góp phần xoá đói giảm nghèo; giảng dạy phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; tập hợp thanh thiếu nhi trên địa bàn; xây dựng đời sống văn hoá mới và phòng, chống các tệ nạn xã hội.
Khi dự án kết thúc vào năm 2005, Khánh Hòa không giải thể, mà tăng số đội TTTTN lên đến 13 đội. Nhiều đội viên TTTTN trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương, có người được tin cậy cử ra làm nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa, như Biện Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa; Đoàn Quốc Thái, Chánh văn phòng UBND xã Song Tử Tây…
Nay, không còn phù hợp
Vài năm gần đây, các đội TTTTN Khánh Hòa được đổi thành đội thanh niên tình nguyện (TNTN). Dù tuyển cả học sinh vừa tốt nghiệp THPT nhưng đầu vào vẫn thiếu, lẽ ra 13 đội phải có 130 đội viên, nhưng hiện chỉ có 84 người, có đội chỉ có 4 thành viên.
Nhiều đội viên không an tâm gắn bó lâu dài với đội, thiếu kỹ năng giao tiếp, phổ biến kiến thức cho đồng bào. Do chưa có quy chế hoạt động của đội TNTN và quy chế phối hợp giữa đội với địa phương nên nhiều đội bị chính quyền địa phương “sai vặt”.
Hoạt động của các đội kém hiệu quả dần, dù kinh phí ngày càng tăng, dự kiến năm 2012 là 3,3 tỷ đồng.
Tỉnh Đoàn Khánh Hòa đề nghị phương án khắc phục nhược điểm để tiếp tục duy trì 13 đội TNTN, hoặc gom lại thành 2 đội, do Tỉnh Đoàn và UBND hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cùng phối hợp quản lý.
Tuy nhiên, cả hai phương án này đều không được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận.
Hiện hệ thống chính trị ở các địa bàn vùng sâu vùng xa đã được củng cố, đời sống mọi mặt và nhận thức của đồng bào được nâng cao, mô hình đội TNTN ở Khánh Hòa không còn phù hợp.
Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần nghiên cứu mô hình hoạt động mới cho các đội TNTN để có thể tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trước mắt, các đội cần tiếp tục thực hiện công việc được giao cho đến khi chính thức kết thúc hoạt động.