Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng trường THCS xã Tài Văn xác nhận: "Đúng là cho đến ngày 21/11, hai nữ giáo viên của trường là cô Tất Quế Trân và cô Mai Thị Thu Hà chưa có lương, trong danh sách bảng lương của trường cũng không có tên của hai cô này. Về lý do thì chúng tôi cũng chỉ biết mang máng là do hai giáo viên này đang trong diện thừa biên chế theo qui định của UBND huyện nên không có lương dù hiện nay 2 giáo viên này vẫn đang dạy bình thường".
Theo Phó hiệu trưởng Trần Thanh Phong, trường THCS Tài Văn hiện có 41 giáo viên, trong khi đó, qui định biên chế của UBND huyện là trường chỉ được duyệt 39 biên chế.
Đến phòng Nội vụ huyện Trần Đề, một nữ nhân viên (không đeo bảng tên) giải thích: "Việc có lương hay không thì anh phải liên hệ với Phòng GD-ĐT. Còn Phòng Nội vụ chỉ tham mưu cho UBND huyện về biên chế của các đơn vị. Trên cơ sở tham mưu của Phòng Nội vụ, UBND huyện phê duyệt biên chế, từ đó Tài chính và Kho bạc căn cứ vào biên chế của các đơn vị để chuyển lương. Có thể do trường này thừa biên chế nên không được Tài chính và Kho bạc chuyển lương thành ra giáo viên không có lương thôi".
Liên hệ Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề thì một người ở phòng này cho biết lãnh đạo Phòng cùng cán bộ tổ chức, tài vụ đi công tác hết nên không có câu trả lời về việc cắt lương.
Theo các nhà giáo, khi thấy không có lương tháng 11/2017, họ đã hỏi thì mới được bà Dương Thị Hương (Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề) giải thích: "Do trường thừa 2 giáo viên nên phòng sẽ điều chuyển 2 người này về trường khác. Nhưng UBND huyện chưa ký quyết định thuyên chuyển nên chưa có quyết định trao cho giáo viên và hai nữ giáo viên này cũng không có tên trong bảng lương tháng 11/2017".
Theo quan điểm của nhiều cán bộ quản lý, chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà cắt lương nhà giáo, nhất là đúng vào ngày 20/11 thì quá vô cảm trong khi 2 nữ giáo viên vẫn còn dạy tại trường THCS Tài Văn.