Lỗi do thi công?
Trao đổi với Tiền Phong, TS. Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, khả năng trong quá trình đổ bê tông hệ thống chống đỡ, cốp pha không tốt, chống đỡ yếu hoặc bị xê dịch khỏi vị trí gây bất lợi và làm sập cả sàn bê tông vừa đổ: “Sàn bê tông vừa đổ thường non, tải trọng nặng hơn, trong khi đó hệ thống chống đỡ không tốt, có thể bị xê dịch khỏi vị trí. Khi đó cột có thể bị đẩy xê dịch khỏi vị trí làm tải trọng bị sập xuống. Nhìn những hình ảnh từ hiện trường có thể thấy cột bị gãy hết”, TS Hùng phân tích.
TS. Hùng cũng cho rằng, để khắc phục sự cố cần phải tháo dỡ, làm lại hệ thống cột chống đỡ. Đối với cốt thép phải xem xét kỹ nếu hỏng thì phải thay mới. “Cần phải xem xét kỹ hệ thống chống đỡ. Ở đây không loại trừ cả cột đứng vì bản thân nó cũng chưa đủ vững. Theo tôi sự cố xảy ra trong quá trình đang thi công nên lỗi sơ bộ thuộc về đơn vị thi công”, ông Hùng nhấn mạnh.
Kỹ sư kết cấu Hoàng Anh Đạt, Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Hoàng Dương, nhận định: Nhìn qua hình ảnh của hiện trường vụ đổ sập công trình sáng nay cho thấy hệ sàn đang sử dụng khả năng là kết cấu sàn phẳng (sàn rỗng): “Có thể họ dùng sàn công nghệ VRO hoặc sàn UBOOT, những sàn này độ cứng thường kém hơn sàn sườn bê tông toàn khối (sàn có dầm-PV). Nếu nhà thầu dỡ cốp pha sớm hơn so với quy định, khi đó bê tông chưa đạt cường độ thì độ cứng sàn không đảm bảo, dễ gây mất ổn định và với 1 tải trọng tác động nào đó sẽ dễ dẫn tới sụp đổ”, vị kỹ sư về kết cấu đưa ra nhận định.
Vị này cũng đưa ra nhận định, trường hợp khác nếu giàn giáo chống đỡ có sự dịch chuyển vị trí chân giáo thì dẫn đến hệ sàn dầm cũng chuyển vị, kéo theo sụp đổ. “Hiện trường qua ảnh chụp cho thấy không có giáo chống tầng 1 trong khi đang thi công tầng 2, do đó toàn bộ tải trọng tầng 2 (cả tải thi công-PV) sẽ truyền trực tiếp xuống sàn tầng 1. Khi sàn tầng 1 không đảm bảo độ cứng và không đảm bảo chịu lực sẽ sụp đổ kéo theo tầng 2 sụp đổ, hệ dầm cột cũng biến dạng”, vị này đưa ra phân tích.
Một số kỹ sư khác đưa ra nhận định, bê tông cột tầng trệt chưa đủ cường độ để chịu tải phần trên, cộng hưởng với rung động trong quá trình đổ bê tông. “Do lỗi thi công (mất ổn định trong hệ thống cột chống và đà giáo-PV), chứ không phải do thiết kế hay chất lượng công trình... cũng may không ai bị thương”, vị này nhận định.
Yêu cầu ngừng thi công
Liên quan đến vụ sập trường mầm non Vườn Xanh đang thi công tại Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm, Hà Nội), sáng 25/9 trao đổi với báo chí lãnh đạo Công ty Trần Vũ (đơn vị nhà thầu thi công dự án) cho rằng, công trình bị sập đổ không phải do chất lượng bê tông: "Trước khi đổ bê tông, chúng tôi đã kiểm tra đạt yêu cầu nên mới cho đổ. Theo tiêu chuẩn, bê tông được 7 ngày thì sẽ đông cứng, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Bê tông của tầng dưới công trình này đã được 1 tháng rồi nên không có chuyện chưa đông cứng".
Trước nhận định nguyên do là tháo giàn giáo sớm so với quy định, đại diện đơn vị thi công khẳng định: "Việc tháo giàn giáo sớm so quy định là không có. Khi tháo chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, chắc chắn trong quá trình thi công đã xảy ra lỗi nào đấy mà đơn vị thi công chưa xác định được chính xác. “Nếu đưa ra kết luận ngay thì rất khó. Bản vẽ thiết kế đã được thẩm định chắc chắn không phải lỗi thiết kế. Chỉ có thể là do thi công có vấn đề nên chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và có thông tin cụ thể hơn”, vị này nói.
Chiều qua (25/9), trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết, dự án trường mầm non Vườn Xanh có giấy phép xây dựng số 66 do Sở xây dựng Hà Nội cấp ngày 22/6/2017. Mới đây (ngày 22/8), Đội Thanh tra xây dựng phối hợp với UBND phường Mỹ Đình 1 kiểm tra việc thi công tại dự án này. “Sau khi xảy ra sự cố Đội đã phối hợp với UBND phường Mỹ Đình 1 lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu ngừng thi công", vị cán bộ cho biết.