Như Tiền Phong đã đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã xây dựng 5 phương án xử lý đối với việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư dự án BOT quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chiều 16/4, đại diện Bộ GTVT cho hay, ưu tiên phương án 1, tức là phương án giảm sâu mức phí.
Cụ thể, theo Bộ GTVT, phương án 1 sẽ giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm. Mức giảm trung bình là 30%, trong đó xe con giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt (giảm 59%). Phương án này cũng mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận (đối với TX.Cai Lậy: Thêm xã Long Khánh, Phường 2; đối với huyện Cái Bè: Thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội), giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh; thời gian hoàn vốn đầu tư khoảng 15 năm 9 tháng.
Bộ GTVT đánh giá, ưu điểm của phương án này là Nhà nước sẽ không phải bố trí ngân sách hỗ trợ, đồng thời giảm một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại của người dân và đạt mục tiêu dự án là phân luồng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm TX.Cai Lậy. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án 1 là thời gian hoàn vốn đầu tư dự án phải kéo dài.
Ngoài phương án 1, Bộ GTVT cũng đưa ra 4 phương án khác. Trong đó, phương án 2, lập thêm một trạm thu giá trên tuyến tránh, thu giá cả hai trạm trên tuyến tránh và trên QL1 hiện hữu để hoàn vốn cho dự án. Với phương án 3, sẽ giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, mức giá 25.000 đồng/lượt/phương tiện nhóm 1, thời gian thu giá khoảng 7 năm 7 tháng. Phương án 4, sẽ đặt trạm thu giá trên tuyến tránh, phân luồng cho các loại xe đi vào tuyến tránh. Phương án 5, Bộ GTVT cho biết sẽ đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng, xóa bỏ trạm thu giá Cai Lậy hiện nay, dùng vốn Nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hoàn vốn theo hợp đồng BOT đã ký, thời gian hoàn trả tương ứng thời gian thực hiện hợp đồng BOT (7 năm 7 tháng với tổng số tiền khoảng 2.026 tỷ đồng”.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), các phương án từ 2 đến 5 chưa đảm bảo nguyên tắc hài hoà giữa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư. Với các phương án dời, bỏ hoặc xây dựng thêm trạm thu phí theo nguyện vọng của nhiều lái xe, ông Huy cho rằng sẽ xảy ra 3 bất cập chính. Thứ nhất, khi phân luồng, phương tiện sẽ tập trung đi qua thị xã Cai Lậy, mục tiêu giảm ách tắc cho Cai Lậy của dự án không đạt. Thứ 2, việc xây dựng thêm trạm sẽ tốn thêm chi phí xây trạm (khoảng 100 tỷ đồng/trạm). Thứ 3, các dự án tương tự như Cai Lậy (có 6 dự án tương tự) cũng sẽ phải điều chỉnh theo phương án này, nảy sinh rất nhiều phức tạp, tăng chi phí.
“Phương án cuối cũng sẽ do Chính phủ quyết định. Nhưng chúng tôi đã rất cầu thị khi thuê đơn vị tư vấn để có góc nhìn chuyên môn, độc lập và họp bàn rất nhiều cuộc với địa phương và các bộ ngành để có phương án tốt nhất cho số đông” – một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.