Tầm nhìn dài hạn
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị công nghiệp xanh - sạch - đẹp; là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và đầu mối giao thông quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng đến một thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương đã từng bước quy hoạch, xây dựng các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bình Dương đã chủ động mời gọi bạn bè quốc tế tham gia giúp đỡ trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Điều này được cụ thể hóa thông qua việc mới đây Hiệp hội Đô thị Khoa học Thế giới (WTA) đồng ý để Bình Dương trở thành thành viên chính thức của tổ chức tầm cỡ thế giới này. Đặc biệt hơn, chỉ vừa mới được gia nhập WTA, Bình Dương lại được tổ chức này tin tưởng để đăng cai sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập WTA trên đất Bình Dương. Điều này sẽ giúp Bình Dương có cơ hội để mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, phát huy có hiệu quả trong việc triển khai đề án thành phố thông minh trong tương lai.
Nhìn tổng quan, có thể thấy, diện mạo Bình Dương thay đổi nhanh chóng. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, khang trang, các công trình được đầu tư xây dựng hiện đại, thành phố mới Bình Dương được quy hoạch bài bản, đẳng cấp quốc tế. Với tư duy phát triển bền vũng, lâu dài, Bình Dương đã khiến giới đầu tư trong và ngoài nước chú ý tìm đến.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc nhà đầu tư tìm đến Bình Dương là điều hiển nhiên. Bởi nhẽ, nơi đây đầu tư giao thông thông thoáng, kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận, điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng lưu thông hàng hóa đến và đi. Được biết, ngoài việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ như quốc lộ 13, đại lộ Bàu Bàng - Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, vành đai 3, vành đai 4,... mới đây, Bình Dương xúc tiến kế hoạch xây dựng tuyến metro nối với TPHCM. Bình Dương đang nghiên cứu phương án vận chuyển hàng hóa đường sắt, hình thành hệ thống logistics thông minh, mở rộng cảng sông, cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh này.
Mặt khác, Bình Dương còn chú trọng xây dựng dịch vụ như: trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị - triển lãm quốc tế, khu vui chơi giải trí, bệnh viện quốc tế, trường học quốc tế. Đặc biệt, xung quanh khu vực thành phố mới Bình Dương, hiện nay đã hình thành đầy dịch vụ từ giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại cho đến vui chơi giải trí, từ nhà ở xã hội cho đến căn hộ cao cấp đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và cả lực lượng chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống.
Bình Dương đang đi đúng hướng
Từ khi tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997, với những chính sách phát triển kinh tế cực kỳ thông thoáng, Bình Dương phát triển mạnh mẽ và dần được biết đến là một tỉnh phát triển công nghiệp bậc nhất Việt Nam. Có thể thấy, trong những năm qua, Bình Dương liên tục phát triển, thu hút đầu tư có tính hiệu quả rất lớn. Được biết, đến giữa tháng 8/2018 Bình Dương đã thu hút 3.420 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 31.223 tỷ USD, xếp thứ 3 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho thấy đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Chính phủ và khu vực tư nhân tại Việt Nam đạt bình quân 5,7% GDP/năm trong những năm gần đây, cao nhất Đông Nam Á. Xét trong khu vực châu Á chỉ đứng sau mức 6,8% của Trung Quốc. Xét về góc độ ở Việt Nam, Bình Dương là tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút FDI và nằm trong tóp địa phương có vốn đầu tư lớn nhất.
Để đạt được kết quả như bây giờ, Bình Dương đã đi đúng hướng khi tiên phong đầu tư các khu công nghiệp, đó là tiền đề để giới đầu tư nước ngoài chú ý tìm đến. Trong đó, thành quả công nghiệp phải nhắc đến khu công nghiệp Việt Nam - Singapoe (VSIP), đầu tiên được triển khai tại Bình Dương năm 1996 dựa hình thành trên nền tảng hữu nghị hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore năm 1994.
Được biết, VSIP I Bình Dương hiện thu hút hàng tỷ USD, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Với thành công của VSIP 1, 10 năm sau xuất hiện VSIP II Bình Dương cũng thu hút được hàng trăm dự án đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư hàng tỷ USD. Cũng có thể nói, để có kết quả trên, là sự nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, theo hướng giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp của Bình Dương trong thời gian qua.
"Việc Bình Dương phát triển để trở thành là nơi đáng sống, đáng đầu tư không chỉ xuất phát từ sự kế thừa hay điều kiện tự nhiên. Để xây dựng một Bình Dương như hôm nay, chính là nhờ tầm nhìn dài hạn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh này cùng với sự đầu tư mang tính hiệu quả, bền vững"