Vì sao ban lãnh đạo Coteccons bị cổ đông ngoại đòi phế truất?

TPO - Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) là một công ty lớn nhất của ngành xây dựng Việt Nam. Thế nhưng gần đây, Coteccons liên tục bị các quỹ ngoại đồng loạt yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường để phế truất ban lãnh đạo và Ban kiểm soát Coteccons cũng tố cáo nhiều hành động trái luật của doanh nghiệp này.

Ban kiểm soát nêu nhiều khúc mắc

Mới đây nhất, Ban kiểm soát Công ty CP Xây dựng Coteccons đã gửi văn bản số 02/2020/CV-BKS lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM tố cáo nhiều hành động mà họ cho là trái luật của ban lãnh đạo Coteccons, đề nghị công bố thông tin sai phạm theo quy định. Báo cáo do ông Luis Fernando Garcia Agraz, Trưởng Ban kiểm soát Conteccons ký.

Vì sao ban lãnh đạo Coteccons bị cổ đông ngoại đòi phế truất? ảnh 1 Coteccons là cánh chim đầu đàn của ngành xây dựng Việt Nam nhưng đang vướng vào lùm xùm với các cổ đông.

Theo đó, Ban kiểm soát Coteccons đã gửi cho thư ký Hội đồng quản trị bản báo cáo quản trị công ty phần của Ban kiểm soát vào ngày 22/1/2020. Tuy nhiên, trong báo cáo của Hội đồng quản trị công bố vào ngày 30/1/2020 thì phần báo cáo của Ban kiểm soát đã bị chỉnh sửa. Đến ngày 5/5/2020, Ban kiểm soát đã gửi lên Hội đồng quản trị báo cáo thường niên về phần của Ban kiểm soát nhưng vào ngày 29/5/2020, ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc Coteccons đã ký công bố thông tin về Báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của Ban kiểm soát hoàn toàn khác với bản báo cáo do Ban kiểm soát soạn thảo.

Trong văn bản số 02, Ban kiểm soát Coteccons cũng nêu thông tin, có 8 nội dung mà ban lãnh đạo Coteccons đã cắt xén, chỉnh sửa trong báo cáo của Ban kiểm soát để không công bố cho cổ đông. Đến ngày 4/10/2019, Ban kiểm soát họp với ban điều hành công ty yêu cầu cho phép kiểm toán viên độc lập thực hiện kiểm toán đặc biệt, theo yêu cầu của cổ đông nhưng bị ban điều hành từ chối mà không nêu rõ lý do.

Ban kiểm soát Coteccons cũng nói rằng, một số quản lý cấp cao của Coteccons và người có liên quan lại nắm giữ quyền sở hữu đáng kể tại các công ty khác hoạt động trong cùng ngành nghề kinh doanh với Coteccons hoặc các ngành nghề kinh doanh liên quan. Cụ thể, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons và người thân là cổ đông lớn ở Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công Ty CP BM Windows, Công ty TNHH Boho Decor…

Cũng theo báo cáo của Ban kiểm soát, đã có những quyết định điều chuyển nhân sự của Coteccons sang dự án của các công ty khác nằm trong hệ sinh thái riêng của ban lãnh đạo Coteccons. Đáng chú ý, ngày 15/8/2019, Công ty CP Xây dựng Coteccons Group được thành lập với mã số doanh nghiệp 0315850201, người đại diện pháp luật là ông Võ Phùng Thanh Phú, một người từng là quản lý cấp cao của Ricons. Ban kiểm soát đã nhận được thư phàn nàn của cổ đông Kustocem về việc này, là việc vi phạm nghiêm trọng trắng trợn quyền sở hữu trí tuệ của Coteccons.

Cổ đông ngoại đòi phế truất

Trước khi Ban kiểm soát Coteccons gửi công văn lên Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, một cổ đông ngoại của doanh nghiệp này là Kustocem Pte. Ltd. đang nắm giữ 17,55% cổ phần của Coteccons đã ra thông báo bắt đầu việc tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường.

Mục đích của đại hội này là để biểu quyết về việc thay đổi Hội đồng quản trị hiện tại, bầu ra Hội đồng quản trị mới và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong cái gọi là Coteccons Group từ thời điểm năm 2017.

Vì sao ban lãnh đạo Coteccons bị cổ đông ngoại đòi phế truất? ảnh 2 Hậu quả trong sự chia rẽ ở Coteccons là khá rõ khi kết quả kinh doanh đi xuống và cả mất mát những tài sản vô hình như uy tín, thương hiệu…

Đáng nói, Kustocem không phải là cổ đông nước ngoài duy nhất có ý kiến về hoạt động và vai trò lãnh đạo tại Coteccons. Quỹ đầu tư The8th Pte. Ltd, cổ đông nắm 10,42% cổ phần Coteccons cũng đề nghị đưa nội dung bãi miễn tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc hiện tại thành một mục riêng trong kỳ họp đại hội cổ đông sắp tới… Trước đó, một quỹ ngoại khác là Red River cũng đã bày tỏ không hài lòng về cách điều hành Coteccons.

Coteccons:Cáo buộc không có cơ sở, ý đồ thâu tóm công ty

Trong thông cáo báo chí của Coteccons về sự việc này, Tổng giám đốc Coteccons Nguyễn Sỹ Công cho rằng, những cáo buộc của Kustocem đã và đang tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của Coteccons… Kustocem có ý đồ thâu tóm công ty.

Cũng theo Coteccons, việc The8th Pte. Ltd nhân danh cổ đông lớn ra thông báo có nội dung cố tình đưa ra những cáo buộc về tình hình quản trị của công ty là không có cơ sở.

“Bằng thông cáo này, chúng tôi (từ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và tất cả các cấp quản lý) nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các cổ đông lớn, sẵn sàng chuyển giao vị trí của mình cho những ứng cử viên do cổ đông lớn tiến cử với điều kiện họ có đủ uy tín và năng lực để dẫn dắt công ty phát triển lâu dài, bền vững”, thông cáo báo chí của Coteccons viết.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Trường Duy (Công ty Luật Trường Duy) nói rằng, việc các cổ đông của Coteccons sử dụng quyền phủ quyết, đòi bãi miễn tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc hiện tại là hoàn toàn đúng luật. Với các công ty đại chúng thì quyền sở hữu thuộc về cổ đông và các quyết định phải được đưa ra dựa theo ý chí của đa số. Người sở hữu cổ phần nhiều hơn có quyền quyết định lớn hơn.

“Doanh nghiệp Việt Nam cần tư duy sòng phẳng về quyền cổ đông, cần chấp nhận cuộc chơi kể cả có đào thải vì điều đó thể hiện tính chuyên nghiệp, đã tham gia cuộc chơi thì cần chấp nhận những nguyên tắc và điều lệ đã đặt ra”, ông Duy nói.

Cơ cấu cổ đông của Coteccons gồm Kustocem (18,23%), Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công (14,67%), The 8thPre. Ltd (10,82%), Ma Dao Trading Pre. Ltd (2,15%), Talgat Turum bayev (2,08%), VinaCapital (7,47%), nhóm lãnh đạo Coteccons đương nhiệm và người liên quan (12,85%), cổ đông nước ngoài khác (7,04%), cổ đông trong nước khác (24,33%).

MỚI - NÓNG