Vì sao bác sĩ Kim được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới?

Chủ tịch đắc cử WB Jim Yong Kim Ảnh: Business Financial Post
Chủ tịch đắc cử WB Jim Yong Kim Ảnh: Business Financial Post
TP - Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 16-4 (giờ Mỹ) chính thức bầu ông Jim Yong Kim, một chuyên gia y tế người Mỹ gốc Hàn Quốc, làm chủ tịch của tổ chức tài chính đa phương lớn nhất thế giới này.

> Chủ tịch Ngân hàng Thế giới được bầu như thế nào?

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành trong Ban lãnh đạo gồm 25 thành viên của WB ở Washington D.C, Mỹ, đối với hai ứng cử viên vào chức chủ tịch WB gồm ông Jim Yong Kim và nhà kinh tế học Nigeria, Bộ trưởng Tài chính Ngozi Okonjo Iweala.

Ông Kim nhận được đa số phiếu ủng hộ từ Mỹ, các đồng minh của Mỹ ở Tây Âu, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ... Bà Iweala nhận được phiếu ủng hộ của Nam Phi và Brazil.

Ông Kim là ứng viên do Mỹ đề cử, theo truyền thống từ xưa đến nay, ghế chủ tịch WB luôn do người Mỹ nắm giữ. Đây là lần đầu tiên trong cuộc tranh chức chủ tịch WB nhà kinh tế học nữ đến từ một nước đang phát triển thách thức ứng cử viên Mỹ.

Kết quả bỏ phiếu cũng chứng tỏ trong ban lãnh đạo WB có sự chia rẽ. Bà Iweala thừa nhận thất bại và đã chúc mừng đối thủ Kim, nhưng nói rằng chỉ việc bà ra ứng cử chức chủ tịch WB cũng là một thắng lợi đối với thế giới đang phát triển vốn ngày càng có nhiều tiếng nói quan trọng trong WB.

Tuy nhiên, bà Iweala cũng cho rằng cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để chấm dứt cái gọi là truyền thống không công bằng, trong đó Mỹ luôn nắm giữ ghế chủ tịch WB.

Theo bà Iweala, WB cần phải được làm cho cởi mở, minh bạch hơn và đặc biệt là phải đảm bảo rằng trong việc quản trị toàn cầu, không thể làm cho dân chủ ngày càng teo tóp đi.

Nhiều chuyên gia từ một số nước đang phát triển đã chê trách việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tiến cử ông Kim vào chức chủ tịch WB, nói rằng ông Kim thiếu kinh nghiệm về tài chính và kinh tế để có thể đáp ứng nguyện vọng của các nước thu nhập trung bình nhưng vẫn còn đói nghèo.

Đại diện của một nền kinh tế mới nổi đặt vấn đề rằng, liệu việc lựa chọn người vào chức chủ tịch WB dựa vào quốc tịch hay năng lực chuyên môn.

Với kết quả bầu cử nói trên, ông Kim, 52 tuổi, sẽ thay đương kim chủ tịch Robert Zoellick từ ngày 1-7 tới. Đây là lần đầu tiên, một người không phải là nhà kinh tế, tài chính, ngoại giao nắm quyền điều hành tổ chức tín dụng lớn nhất thế giới.

Sinh tại Seoul, Hàn Quốc năm 1959, Jim Yong Kim theo cha là một bác sĩ nha khoa sang Mỹ định cư từ khi mới 5 tuổi. Ông học y khoa tại Đại học Iowa và Đại học Brown, Mỹ.

Năm 1991, ông nhận bằng thạc sĩ y khoa tại Đại học Harward và bằng tiến sĩ nhân học cũng tại trường này. Ông hiện là Chủ tịch Đại học Darthmouth, Mỹ. Ông từng là bác sĩ đa khoa và là một nhà nhân chủng học.

Ông được nhiều người biết đến nhờ sáng kiến lập dự án phòng chống AIDS khi còn làm Vụ trưởng Vụ HIV/AIDS của WHO.

Ông Kim có nhiều kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe tại một số nước đang phát triển như phòng chống lao tại Haiti và Peru, phòng chống HIV/AIDS cho tù nhân trong các nhà lao của Nga và thu hút kinh nghiệm, kiến thức chuyên gia từ các đối tượng phục vụ của WB.

Ông Kim nói rằng, với tư cách chủ tịch WB, ông sẽ tìm kiếm một sự liên kết mới trong WB trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng.

Ông cam kết sẽ mang lại nhiều kết quả mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, ưu tiên các giải pháp được xây dựng trên cơ sở có bằng chứng hơn là hệ tư tưởng, giúp cho các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn.

Đ.P Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.