TP - Trước đây, khi tìm hiểu những bản Kiều cổ, tôi được một vị giáo sư giới thiệu đến tìm gặp linh mục Nguyễn Hữu Triết tại TPHCM. Trong ngôi nhà nhỏ sau nhà thờ, vị linh mục cho tôi xem mấy ngàn cuốn sách “Đoạn trường tân thanh” khác nhau, trong đó có những bản vô cùng quý hiếm.
Giữ truyện Kiều
Ngôi nhà nhỏ của linh mục Nguyễn Hữu Triết chứa đầy sách, hơn 10 năm trước (năm 2007) là vậy, giờ đây khi tôi quay lại thăm ông, vẫn thấy xung quanh toàn sách.
Vương quốc chữ nghĩa xen lẫn những giá đựng đồ cổ. Tôi nói: “Những cái tủ đẹp nhất thì Cha dùng đựng sách hết rồi”. Linh mục cười: “Đúng thế! Đồ cổ tôi còn bày biện khắp nhà chứ sách vở thì đóng tủ kính cất kỹ”.
Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết sở hữu cuốn Kiều in năm 1872, bản còn rất đẹp. Đất nước ta ai cũng biết Kiều, bình tán về Kiều, song những bản Kiều cổ in từ thế kỷ 19 là vô cùng hiếm, chúng có thể giúp các nhà nghiên cứu tiệm cận với bản gốc, nguyên tác của Nguyễn Du. Bởi mỗi câu, mỗi chữ của Nguyễn Du bao giờ cũng đem tới những luận giải, thậm chí tranh cãi. Bởi vậy mới có chuyện là Truyện Kiều, nhưng là bản in năm bao nhiêu nữa? Trải qua các triều đại, những chữ húy khác nhau, chưa kể bản có tiếng địa phương, tam sao thất bản… nên cũng có những bản in chữ Nôm khác nhau chữ nọ chữ kia. Một vị linh mục có tới hơn ba mươi bản Kiều bằng chữ Nôm quả là điều mà ngay cả những nhà sưu tầm sách chuyên nghiệp cũng mơ ước.
Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết sưu tầm Truyện Kiều vì Cha yêu thích tác phẩm của Nguyễn Du và tìm hiểu về nó, ông còn sở hữu gần như toàn bộ các văn bản nghiên cứu về Truyện Kiều qua mọi thời kỳ, số lượng tới hàng ngàn đầu sách nghiên cứu, khảo luận. Tôi hỏi: “Thưa, Cha có đọc hết sách nghiên cứu này không?”, vị linh mục nói: “Tôi thích, tôi đọc thì mới mua chứ”.
Sưu tầm kinh sách
Đã có nhiều bài báo viết về các bộ sưu tập đồ cổ nổi tiếng và quý hiếm của linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết. Có thể kể tới bộ sưu tập đèn cổ từ thời Đông Sơn với 400 chiếc. Có câu mọi người thường nói: “Những gì thuộc văn hóa cổ đều không xa lạ với cha Triết” bởi trong nhà ông có đủ mọi thứ đổ cổ khác nhau, từ nền văn hóa Óc Eo, Đông Sơn, tới Lý, Trần, Nguyễn… Linh mục nói với tôi: “Người ta có đồ xưa lúc khó khăn muốn bán, cứ đem tới năn nỉ tôi mua! Nhiều lúc, cũng muốn dừng lại, không mua gì nữa, nhưng mà mở cửa ra lại thấy có người đeo túi ngang hông, đứng đợi mình trước cửa nhà thờ”.
Người xưa có câu: “Quý vật gặp quý nhân”, nghĩa là vật quý tìm tới người biết nó, hiểu nó, chứ người ta muốn tìm cũng không gặp. Câu ấy đúng với vị linh mục mê sách. Quanh năm, ông ở xứ đạo lo cho con chiên. Nhà thờ của ông phục vụ cơm miễn phí cho người nghèo. Cha Triết nói: “Tôi bận việc đạo, tiếng là quê ở Hải Dương mà cũng chẳng mấy khi về thăm được chứ nói gì chuyện ngao du đó đây. Thi thoảng lắm mới có chuyến đi xa thì tranh thủ học hỏi, ghi chép về văn hóa các xứ”.
Gặp lại, linh mục khoe: “Mới sưu tầm được cuốn sách này hay lắm nhé!”.
Có lần linh mục Nguyễn Hữu Triết nói: “Tôi không vợ con, không gia đình, đời tôi chỉ sống để tận hiến thôi”. Nhưng có người lại bảo linh mục là người giàu nhất, giàu không cứ phải nhiều tiền, mà là giàu tri thức, giàu sách.
“Lục Vân Tiên” là tác phẩm văn học lớn nhất của miền Nam, do nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác. Linh mục Nguyễn Hữu Triết đang sở hữu các bản “Lục Vân Tiên” cổ nhất được in vào các năm 1864, 1867, 1883, 1885. Đó là những báu vật mà không có bất kỳ một nhà sưu tập, hay bảo tàng nào có được.
Cuốn sách cổ của Alexandre de Rhodes Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết cũng đang gìn giữ những cuốn sách thuộc văn hóa công giáo, bản in đầu tiên tại Việt Nam, như cuốn bìa vàng của J.M.J, một cuốn sách kể chuyện Thánh bằng tiếng Việt in năm 1872 bởi nhà thờ Tân Định. Sách này dày 525 trang. “Tôi rất thích thú khi đọc cuốn sách cổ này và đem những lời hay giảng lại cho giáo dân” – Linh mục tâm đắc.
Sống là để cho
Có lần, cha thấy tôi ghé, đã lấy ra vài chục món đổ cổ bày lên bàn, bất ngờ bảo: “Tôi tặng bạn một món trong số này, tùy bạn chọn mà lấy”. Tôi xin cám ơn và không nhận, đáp rằng: “Cái gì thuộc về Cha thì cái đó thuộc về Cha”.
Tôi biết linh mục Nguyễn Hữu Triết làm việc vất vả, gom tiền để mua đồ cổ, mua sách cổ. Mua rồi để làm gì? Câu trả lời của linh mục Nguyễn Hữu Triết là “Sưu tầm đổ cổ sách cổ để đem tặng cho các nơi, chia nhau mà nghiên cứu, học hỏi gìn giữ”.
Dịp Giáng sinh và năm mới 2021, tôi ghé thăm chúc mừng năm mới Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, Cha tặng tôi một cuốn lịch của giáo phận. Cha bảo: “Bộ sách Kiều tôi sưu tầm gần 30 năm, đã đem tặng cho giáo phận Huế để anh chị em ngoài đó có tài liệu nghiên cứu. Bộ đèn cổ hàng ngàn cái, tôi trưng bày tại giáo phận TPHCM để mọi người thưởng lãm chứ chẳng giữ trong nhà”.
Thật đau xót khi những món cổ vật cả trăm năm tuổi ở nhiều giáo xứ rơi vào tay dân buôn đồ cổ. Các đấng thì bận rộn nhiều việc quá nên chưa chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa. Cách đây chừng hai năm, tôi mua bộ hai Thiên Thần cầm giá nến cao 3 m bằng gỗ nguyên khối chạm trổ tinh xảo. Bộ hai Thiên Thần cầm giá nến này một xứ đạo nào đó bỏ đi, dân buôn đồ cổ mua lại. Họ đem tới chỗ tôi, tôi phải chuộc lại với giá 70 triệu đồng.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết
Nói về chuyện vui mới đến thì Cha vào nhà, lấy ra một cuốn sách. Đó là “Hành trình và truyền giáo” của Alexandre de Rhodes bản in tại Paris năm 1653. Cuốn sách này, linh mục Alexandre de Rhodes viết lại hành trình đến châu Á truyền đạo trong đó có Việt Nam. Linh mục Nguyễn Hữu Triết nâng niu bản sách cổ in từ giữa thế kỷ thứ 17 của cha Alexandre de Rhodes, cảm động nói rằng: “Tôi đã phải bán cả cái áo của mình đang mặc để mua cuốn sách này!”.
Tôi hỏi linh mục: “Giáng sinh, năm mới 2021, bài giảng của Cha có nội dung gì?”. Linh mục Nguyễn Hữu Triết nói: “Dịp năm mới, tôi giảng về tấm lòng bác ái của con người, không phải đồng tiền mà chính lòng yêu thương đã đem đến mọi điều tốt đẹp. Ở TPHCM có những xứ đạo với các bếp ăn miễn phí, thư viện miễn phí, lại có tủ thuốc miễn phí để giúp đỡ người nghèo. Cuộc sống càng phát triển càng cần tới sự lan tỏa của tình yêu thương, một nét đẹp văn hóa dân tộc cần gìn giữ”.
1/2021
T.N.A