Vì đâu sớm hụt hơi?

Vì đâu sớm hụt hơi?
TP - Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s next top model… mới ra mắt 1- 2 mùa phát sóng đã có nhiều chuyện lùm xùm.

Gameshow truyền hình Việt hóa:

Vì đâu sớm hụt hơi?

Nghệ thuật và giải trí
> Cặp đôi hay phi vụ hoàn hảo?

Chưa kịp mới đã nhàm

Bước nhảy hoàn vũ (BNHV) là phiên bản Việt của Dancing with the stars trên kênh ABC ở Mỹ, vốn bắt nguồn từ cuộc thi khiêu vũ trên kênh BBC của Anh. Về Việt Nam, BNHV mới đi hết mùa thứ 2 đã bộc lộ sự hụt hơi trông thấy. Trong khi ở Mỹ, chương trình vẫn ăn khách ở mùa thứ 13 vừa kết thúc hôm 23-11, thu hút 19,5 triệu người xem. Mùa phát sóng này được đánh giá thu hút nhiều người xem nhất từ trước tới nay.

Cặp đôi hoàn hảo, phiên bản Việt của Just the two of us, là chương trình truyền hình thực tế phát sóng lần đầu tiên năm 2006 trên kênh BBC của Anh. Trước đêm chung kết, khán giả buộc phải lên tiếng trước quá nhiều bất hợp lý mà họ phải chịu đựng. Cách giám khảo nhận xét, cho điểm và kết quả mỗi vòng thi luôn gợi lên cho nhiều khán giả cảm giác đêm thi chỉ là màn kịch BTC dàn sẵn.

Chương trình người nổi tiếng hát cặp với ca sỹ chuyên nghiệp được tung ra, sau khi BNHV đi được 2 mùa. Tưởng như đây là chương trình giải trí mới lạ cho công chúng, những gì diễn ra chứng tỏ sự nhàm. Đành rằng nhà tổ chức mời chừng ấy giám khảo, không ít thí sinh được nhấc từ BNHV sang tham gia Cặp đôi hoàn hảo, nhưng cách chương trình diễn ra chẳng có màu sắc riêng.

Chưa kể, Cặp đôi hoàn hảo phiên bản gốc chỉ được duy trì 2 mùa, cũng chỉ có vài nước mua bản quyền và thực hiện trong thời gian ngắn. Hiện tại, các chương trình gameshow, truyền hình thực tế ăn khách ở Mỹ không chỉ bó hẹp sân chơi cho người nổi tiếng. Những cuộc tìm kiếm tài năng, hay cuộc thi ca hát như The Voice, ở lĩnh vực khiêu vũ như So you think you can dance… thực sự hướng đến công chúng say mê nghệ thuật.

Với chương trình dành cho ngôi sao như Dancing with the stars, độ bền bỉ và sức hút nằm ở chất lượng. Kết quả trình diễn trên sân khấu chứng tỏ họ phải đổ mồ hôi cùng các chuyên gia rất khắt khe. Ở Việt Nam, nhiều người nổi tiếng lấy lí do không có thì giờ tập luyện. Chẳng lẽ, nghệ sĩ nhận lời tham gia chương trình chỉ cho vui, không cần có trách nhiệm cống hiến nghiêm túc cho khán giả?

Dư luận có thể đặt câu hỏi, tại sao chương trình khiêu vũ dành cho người nổi tiếng ở Mỹ vẫn trụ qua hơn chục mùa, với BGK cố định: Len Goofman, Carrie Ann Inaba và Bruno Tonioli? Câu trả lời chỉ có thể ở chính những người cầm cân nảy mực. Ở Cặp đôi hoàn hảo, người xem dường như vô cảm với cách nhận xét và cho điểm một màu của Lê Minh Sơn, hay cách cố tỏ ra khó tính và cho điểm chảnh như Lê Hoàng.

Xem Dancing with the stars ở Mỹ, thí sinh thoải mái biểu diễn, giám khảo nhận xét hài hước và công bằng với những gì thí sinh thể hiện. Điểm số họ nhận được từ BGK cũng khá khắt khe, nên điểm 8 cũng là hạnh phúc vô cùng với mỗi cặp tham gia. Trong khi ở Việt Nam, giám khảo nói thất vọng, đáng tiếc này kia cho thí sinh nhưng cuối cùng chẳng ngại ngần cho điểm 10. Giám khảo mang tiếng cho điểm vuốt ve, khán giả cũng không khoái vì điểm số không tỉ lệ thuận với chất lượng.

Khán giả bị ngó lơ

Có tiêu chí thu hút khán giả bằng cách khuyến khích họ tham gia bầu chọn, góp tiếng nói quyết định loại cặp nào, nhưng bản thân BTC không có gì chứng tỏ họ hoàn toàn công khai, minh bạch kết quả. Chương trình Dancing with the stars cho khán giả bầu chọn qua số điện thoại miễn phí, kết quả bầu chọn hiển thị trên hệ thống điểm. Ở ta, gần nhất là chương trình Cặp đôi hoàn hảo đòi khán giả mở hầu bao 15 ngàn đồng/tin nhắn cho cặp thí sinh yêu thích.

Mùa phát sóng thứ 12 Dancing with the stars, BTC trưng cầu ý kiến khán giả trên website kênh ABC, xem mùa tới họ muốn những người nổi tiếng nào tham dự. Phản ứng của khán giả thể hiện rõ nhất qua xếp hạng mỗi mùa phát sóng. BTC căn cứ vào đó điều chỉnh cho phù hợp. Lâu nay, nhiều nhà tổ chức nghĩ rằng họ mang chương trình đến, thì khán giả phải mang ơn và chịu trận những điều không chuyên nghiệp.

Đương nhiên lợi nhuận là yếu tố quan trọng với nhà tổ chức, nhưng quá chăm lo quyền lợi của mình mà quên đi cảm giác người xem có lẽ những game show nhập ngoại được Việt hóa mới có. Cặp đôi hoàn hảo phát sóng muộn, nhường giờ sớm cho Vietnam’s next top model, nên thường kéo dài đến 12 giờ đêm. Trong suốt chương trình, đương nhiên khán giả phải chấp nhận bị ngắt quãng nhiều lần dành thời lượng cho quảng cáo. Có khán giả ước ao, sao nhà tổ chức không học nước ngoài, dành đất quảng cáo ở đầu và cuối chương trình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.