VFF và các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu dự World Cup

TPO - Để đạt các mục tiêu đưa bóng đá nam vào tốp 10 châu Á, bóng đá nữ thuộc tốp 8 châu Á, đồng thời giành quyền tham dự World Cup theo Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã đưa ra những nhiệm vụ cần phối hợp triển khai và một số giải pháp chính.
VFF và các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu dự World Cup ảnh 1

Ông Đặng Hà Việt- Cục trưởng Cục Thể dục thể thao tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vào tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có mục tiêu “thể thao thành tích cao duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD; trong đó phấn đấu đạt từ 05 đến 07 huy chương vàng tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á, đồng thời giành quyền tham dự World Cup”.

Theo đánh giá, chiến lược thực sự là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045.

Để triển khai hiệu quả, sáng ngày 12/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược để thảo luận, trao đổi, lắng nghe ý kiến tâm huyết của các Bộ, ngành, địa phương, các nhà quản lý, các chuyên gia, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia các doanh nghiệp đối với việc triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam.

VFF và các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu dự World Cup ảnh 2

Phó chủ tịch LĐBĐVN Trần Anh Tú đưa ra những nhiệm vụ cần phối hợp triển khai và một số giải pháp chính phát triển bóng đá Việt Nam.

Trong tham luận tại Hội nghị, VFF đã chỉ ra 5 tồn tại cần giải quyết, bao gồm việc “chưa thực sự có sự chỉ đạo đồng bộ-xuyên suốt và quyết liệt trong các hoạt động bóng đá, công tác tuyển chọn-đào tạo tài năng bóng đá trẻ”, bên cạnh “tổ chức hệ thống thi đấu trẻ đã có thay đổi nhưng chưa được như kỳ vọng”.

Nhằm giải quyết các tồn tại, VFF đưa ra các nhiệm vụ chính cần phối hợp triển khai, như “bố trí ngân sách và triển khai một số Đề án trọng điểm về đào tạo Bóng đá trẻ; Đề án xây dựng hệ thống thi đấu đồng thời với đầu tư về Khoa học công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao cho Bóng đá Việt Nam; Xây dựng thí điểm Trung tâm, Khoa học-YHTT phục vụ Bóng đá và nhân rộng tại các đơn vị-tổ chức hoạt động Bóng đá chuyên nghiệp”.

Bên cạnh đó, “nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp có truyền thống đóng góp cho thành tích của Bóng đá quốc gia được hưởng ưu đãi về chính sách, thuế suất, đất đai phục vụ hoạt động thể thao như chính sách của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp công ích được Nhà nước giao nhiệm vụ phát triển bóng đá, đóng góp cho quốc gia và cộng đồng”.

Với mục tiêu giành vé tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030-2045, ngoài giải pháp “hoàn thiện hệ thống thi đấu theo mô hình hiện đại, tiếp cận và đạt tiêu chuẩn nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á”, “ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá” và “phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá”, VFF “tập trung đẩy mạnh đào tạo cầu thủ trẻ có thể lực, chuyên môn tốt, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu trong nước, quốc tế”.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư các lứa cầu thủ 17 tuổi đến 20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023), bởi khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034, nhóm các cầu thủ này thuộc lứa tuổi “vàng” cho bóng đá đỉnh cao (từ 24-25 đến 28 tuổi).

MỚI - NÓNG