Công ty Cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) là một mô hình mới trong điều hành bóng đá nước nhà. Do đó, đứng trước Đề án xin thành lập VPF - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT- DL) không khỏi băn khoăn rằng việc điều hành nền bóng đá quốc gia sẽ vượt khỏi tay Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Lúc đó, bầu Kiên nhiều lần tuyên bố VFF sẽ có quyền phủ quyết các quyết định của VPF để đảm bảo các quyết định lớn của VPF phải đạt được sự đồng ý của VFF.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của VPF trong 2 tháng qua khiến người ta thấy VFF không có thực quyền, VFF yêu cầu VPF một đằng, VPF làm một nẻo, thậm chí nhiều lần VPF còn lớn tiếng chống lại VFF ra mặt.
Về danh nghĩa, VFF là cổ đông lớn nhất trong VPF với số vốn chiếm tới 35,4% vốn điều lệ. Theo quy định, VFF sẽ đủ điều kiện để phủ quyết hầu hết các quyết định quan trọng của VPF.
Tuy nhiên, thực chất VFF chỉ có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông VPF diễn ra 1 năm/lần hoặc đôi khi diễn ra bất thường.
Thêm vào đó, khi xem xét các vấn đề về thẩm quyền, Đại hội đồng cổ đông chỉ có thẩm quyền chủ yếu là đối với các vấn đề lớn như: sửa đổi, bổ sung điều lệ; thông qua định hướng phát triển công ty; tổ chức lại, giải thể công ty… Còn lại, việc điều hành, chỉ đạo trực tiếp công việc kinh doanh tại VPF đều thuộc về HĐQT.
Đến lúc này, quyền hạn của VFF, đặc biệt là quyền phủ quyết dường như bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Theo điều lệ của công ty VPF, HĐQT được thành lập gồm có 9 thành viên trong đó VFF đề cử 3 thành viên, các ông bầu được đề cử 5 thành viên, còn lại là 1 thành viên độc lập.
Như vậy, rõ ràng VFF sẽ trở thành thiểu số tại HĐQT - cơ quan có thực quyền điều hành trong VPF. Ngoài ra, theo quy định tại điều lệ VPF, quyết định của HĐQT được thông qua nếu được trên 50% số thành viên dự họp đồng ý, nếu số phiếu tán thành và phản đối ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của chủ tịch HĐQT(Chủ tịch hiện tại là một trong các ông bầu bóng đá).
Với quy định như trên, dường như VFF chỉ góp mặt để nắm bắt thông tin mà không có đủ quyền hạn để phủ quyết cũng như quyết định đối với bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của HĐQT VPF.
Ngay cả chức danh Tổng giám đốc là đại diện theo pháp luật, trực tiếp quyết định các công việc thường nhật xét đến cùng cũng nằm trong tay các ông bầu bởi chức danh này cũng do HĐQT quyết định.
Đến đây dường như câu hỏi tại sao VPF thời gian qua có nhiều quyết định cũng như việc làm vượt mặt VFF như vậy đã có câu trả lời.
Những rắc rối hiện tại của bóng đá Việt Nam sẽ vượt ra khỏi biên giới Việt Nam “đến tai” AFC, AFF và cả FIFA. Liệu bóng đá Việt Nam có phải chịu án phạt của các tổ chức bóng đá thế giới hay không, câu trả lời dành cho các cơ quan chức năng?