Vén màn cơn sốt đất Long Thành: Ở đậu trên đất của mình

Rẫy và đất nhà của ông Nguyễn Văn Dũng đã bán cho người Sài Gòn từ nhiều năm nay. Ảnh: Mạnh Thắng.
Rẫy và đất nhà của ông Nguyễn Văn Dũng đã bán cho người Sài Gòn từ nhiều năm nay. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Hàng trăm hộ dân vùng ven dự án sân bay Long Thành đã bán hết đất để thu tiền, đến giờ phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu hoặc bỏ xứ mà đi.

Bỏ xứ ra đi

Ngày 1/11, phóng viên báo Tiền Phong đi vào vùng lõi của dự án sân bay quốc tế Long Thành. Tại xã Suối Trầu của huyện Long Thành- nơi gần như sẽ bị giải tỏa trắng, người dân sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, cảnh làng xóm đìu hiu.

Cán bộ xã Suối Trầu dẫn chúng tôi đi, chỉ tay vào một căn nhà ống cửa đóng im ỉm, cho biết, nhà này của hộ Nguyễn Văn Dũng khóa cửa đi làm rẫy từ sáng sớm. Đất của ông Dũng đã bán cho người ở Sài Gòn xuống mua từ mấy năm nay. Cả gia đình giờ được người mua cho ở đậu để trông đất, trông nhà. Khi nào họ muốn lấy lại thì lấy. Đi được vài trăm mét, cán bộ xã chỉ tiếp: Đây là gia đình bà Ngô Thị Hồng, đều đã bán đất bán nhà cho người từ nơi khác đến và được chủ mới cho ở nhờ đến nay.

“Ở xã này có nhiều trường hợp như ông Dũng lắm, cách đây hơn chục năm, khi có quy hoạch dự án sân bay Long Thành, nhiều người ở xứ khác như trên TP Biên Hòa hoặc ở TPHCM đổ xô về đây mua đất. Lúc đó dân trong xã còn nghèo nên nhiều người bán đất sang tên lấy tiền trả nợ hết. Sau đó họ lại được chủ mới cho mượn tạm để ở nhờ”. 

 Một cán bộ xã Suối Trầu (Long Thành, Đồng Nai)

“Ở xã này có nhiều trường hợp như ông Dũng lắm, cách đây hơn chục năm, khi có quy hoạch dự án sân bay Long Thành, nhiều người ở xứ khác như trên TP Biên Hòa hoặc ở TPHCM đổ xô về đây mua đất. Lúc đó dân trong xã còn nghèo nên nhiều người bán đất sang tên lấy tiền trả nợ hết. Sau đó họ lại được chủ mới cho mượn tạm để ở nhờ”, cán bộ xã cho biết.

Theo vị cán bộ xã này, trường hợp như ông Dũng, bà Hồng sau khi bán đất rồi tiền cũng tiêu hết, đến nay người thì đi làm thợ hồ, người thì  đi cạo mủ cao su mướn… “Tháng rồi nghe dự án sân bay sắp đền bù, các chủ đất được nói là sẽ lấy lại nhà của họ vào cuối năm nay”, vị cán bộ xã nói.

Theo cán bộ xã Suối Trầu, cả xã gần 6.000 nhân khẩu nhưng phần lớn đều đi làm ăn ở nơi khác, chủ yếu vào làm ở các khu công nghiệp lân cận. Những người lớn tuổi, già cả thì ở lại bám trụ với mảnh đất, miếng vườn nên cảnh đìu hiu ở xã là vậy.

Ông Lương Văn Đằng, ngụ ấp 1, xã Suối Trầu cũng tâm trạng lo lắng. Ông bảo không biết di dời khi nào nhưng năm này qua năm khác cứ sống trong căn nhà xập xệ, mỗi khi mưa, nước mưa dột khắp nhà mà không xây cất mới gì được. “Có đất cát ruộng vườn nhưng nay không làm giấy tờ chia tách gì cho con cái được”, ông Đằng nói.

Bất an sinh kế

Ngay đường vào ấp 1 của xã Suối Trầu là chợ tự phát với 2 sạp bán rau quả, thịt heo thịt gà của bà Nguyễn Thị Hoa nhưng ế ẩm. Bà Hoa bảo buôn bán ở đây cũng bấp bênh lắm. “Ở cái xã này, bà con chủ yếu tự cung tự cấp đồ ăn thức uống, nói thực ra họ tiết kiệm chẳng dám mua. Nếu nhà bà con nào không có đám tiệc thì coi như bữa đó bán ế ẩm”, bà Hoa nói.

Gia đình bà Hoa cũng được 2 miếng rẫy trồng cao su, cây điều nhưng nay thì già cỗi hết nên cũng không mặn mà chăm sóc. “Mấy đứa con lớn đi lên Sài Gòn làm hết rồi, chỉ còn hai ông bà già ở nhà. Tuổi cao sức yếu nên trồng rẫy cũng không được như xưa. Tôi mới ra đây buôn bán chút đỉnh kiếm cái ăn qua ngày”, bà Hoa cho biết.

Bà Hoa thắc mắc, nếu có giải tỏa di dời thì bà cũng không biết làm gì để sống. Giờ cũng chưa biết đi tái định cư ở đâu, nghe nói về tái định cư ở Lộc An - Bình Sơn gì đó. Ở đây toàn làm nông, gia đình bà vào đó không biết làm gì để sống.

Ông Nguyễn Thanh Sang (57 tuổi, ngụ xã Suối Trầu) vừa từ rẫy đi ra gặp chúng tôi, ông nói: “Dân ở đây khổ lắm chú ơi. Dự án treo suốt bao năm qua là thời gian chúng tôi phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Nhất là công ăn việc làm bị ảnh hưởng bởi làm cái gì cũng sợ không biết giải tỏa lúc nào. Cứ toàn làm cầm chừng để sống mà không khá lên được”.

Ông Sang thở dài bảo, đưa vào tái định cư thì chỉ có chết đói chứ sống sao được, đất cát đâu mà trồng trọt chăn nuôi như trước. “Tôi cũng từng nghĩ đến chuyện đi mua đất nơi khác để mần ăn nhưng chưa biết số tiền đền bù bao nhiêu, có đủ để mua miếng đất để tiếp tục nghề nông hay không?”, ông Sang bộc bạch.

Hơn chục năm nay, căn nhà của bà Nguyễn Thị Hai ở ngay đầu ngã ba trung tâm xã Suối Trầu trở thành điểm dừng chân của các đoàn quan chức về khảo sát dự án sân bay Long Thành.  Năm nay đã 78 tuổi, bà Hai nói: “Hơn chục năm rồi, bà con ở đây thấp thỏm chờ dự án sân bay triển khai để được ổn định cuộc sống. Mỗi lần có đoàn cán bộ đến là cả xã rộn ràng lên khi nghĩ dự án sắp làm rồi. Nhưng bao nhiêu năm qua vẫn vậy, người dân ở đây vẫn phải chờ đợi và sống trong điều kiện thiếu thốn, thiệt thòi đủ thứ”.

Vén màn cơn sốt đất Long Thành: Ở đậu trên đất của mình ảnh 1 Ông Đỗ Văn Đường bên những gốc cây điều già cỗi. Ảnh: Mạnh Thắng.

Ông Đỗ Văn Đường, 60 tuổi ra vườn chỉ vào những gốc cây điều già cỗi, thở dài kể, cũng chỉ mới nghe báo đài nói về phương án đền bù giải tỏa chứ trên xã cũng chưa nói gì hết. Dân sống ở đây cứ thấp thỏm. “Tôi cũng như nhiều người dân trong xã ủng hộ việc làm sân bay nơi đây và sẵn sàng đi nơi khác sống. Tuy nhiên, mọi người mong mỏi việc di dời, giải tỏa đền bù sao cho thỏa đáng, bù đắp lại những thiệt thòi suốt bao năm qua”- ông chia sẻ.

Theo ông Đường, “dân ở đây phần lớn làm nông. Các cây trồng như cao su, điều, cà phê,... đến hạn thanh lý nhưng bà con không dám phá bỏ, trồng mới. Đối diện căn nhà ông Đường là 2 căn nhà tường xây không tô, lộ nguyên màu gạch vàng nhạt vì mưa nắng. Căn thì không còn mái, căn thì đã sập cửa, bên  ngoài cỏ mọc bao kín”. Ông Đường cho biết 2 căn nhà đó có chủ từ nơi xa đến mua từ nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Suối Trầu cho rằng, người dân ở đây trông chờ  dự án sớm triển khai để ổn định cuộc sống. Nằm trong dự án, nên  cơ sở hạ tầng của địa phương không được đầu tư xây dựng mới. Theo ông Hiệp, ngay cả cán bộ, viên chức của xã này cũng chưa biết ra sao khi cả xã này phải di dời, xóa đi một đơn vị hành chính.

Toàn xã Suối Trầu có 3 ấp với tổng diện tích gần 1.500 ha. Phần giải tỏa trắng gần 1.400 ha, trong đó có 1 trường THCS, 3 phân hiệu trường tiểu học với gần 1.000 học sinh, trạm xá, nhà dân… Chính quyền địa phương dự kiến sẽ bố trí 2 khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và Bình Sơn cho người dân khi giải tỏa triển khai dự án sân bay Long Thành.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.