> Giáo sư Ngô Bảo Châu: Sách giáo khoa Toán không có lỗi
Năm nay Lê Hùng Việt Bảo, 26 tuổi, nghiên cứu sinh về lý thuyết số, Trường ĐH Harvard, không có kỳ nghỉ hè. Buổi sáng, Bảo đi bộ từ nhà (phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội) sang toà nhà Thư viện Tạ Quang Bửu – nơi đặt tạm trụ sở Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán – dự các buổi học và hội thảo của lớp hè. Sau bữa trưa theo phong cách cơm bụi sinh viên cùng các bạn trong lớp hè, Bảo ở lại luôn trong viện.
Thỉnh thoảng Bảo và vài anh em khác trong lớp lại sang hội trường nghe ké các giáo sư quốc tế giảng.
Lớp học có 15 học viên, trong đó già nửa là sinh viên các trường ĐH trong nước. Số còn lại, vài người đã đi làm, vài anh em nữa đang nghiên cứu sinh trong nước, Bảo cùng hai bạn nữa đang nghiên cứu sinh ở Mỹ.
Trong lịch sử gần 40 năm học sinh Việt Nam tham gia Olympic toán quốc tế, Bảo là một trong năm học sinh hai lần liên tiếp đoạt huy chương vàng (2003, 2004).
Người đầu tiên tạo nên thành tích này chính là Ngô Bảo Châu (1988, 1989). Trước khi sang Harvard, Bảo là sinh viên ĐH Cambridge (Anh). Ở đó, Bảo bao giờ cũng đạt điểm tuyệt đối môn toán và anh luôn đứng đầu ở khoa toán ĐH Cambridge.
Đang ở Mỹ, nghe tin GS Châu tổ chức lớp hè về lý thuyết số ở VN, Bảo liền đăng ký tham gia.
“Nếu nhìn vấn đề một cách thực dụng thì có thể anh sẽ không thấy lợi ích trực tiếp nào từ những lớp học như thế này. Nhưng tôi cho rằng người làm nghiên cứu luôn phải giữ mình trong trạng thái tìm kiếm, tích luỹ kiến thức, luôn phải mở tầm mắt để tìm hiểu xung quanh. Không ai biết về sau mình sẽ cần tới công cụ gì để giải quyết bài toán của bản thân. Nếu anh biết đích xác mình tìm cái gì nghĩa là anh đã giải quyết được vấn đề”, Bảo giải thích.
Sức hấp dẫn thầy Châu
Học viên lớp hè của thầy Châu còn có Hồ Phú Quốc, 24 tuổi. Khi đang là học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam, “chàng trai vàng xứ Quảng” được nhận học bổng toàn phần du học chương trình tú tài quốc tế tại Lester B. Pearson College of the Pacific (Canada). Sau đó Quốc được ĐH Princeton, Mỹ cấp học bổng toàn phần. Từ một năm nay, anh là nghiên cứu sinh ở khoa Toán ĐH Chicago – nơi GS Châu đang làm việc.
Cùng từ Mỹ về với Bảo và Quốc còn có Ngô Trung Hiếu, 29 tuổi, nghiên cứu sinh ở ĐH Michigan và Trần Thị Hương Giang, cùng tuổi với Quốc, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Bard (Mỹ) và chuẩn bị sang Anh học chương trình thạc sĩ toán ở ĐH Cambridge.
Nếu không có gì thay đổi, mùa thu năm 2013, Hương Giang sẽ trở thành học trò của GS Châu ở ĐH Chicago.
Quốc và Giang vốn dĩ hâm mộ GS Ngô Bảo Châu từ khi thầy chưa đạt giải Fields.
“Giữa năm 2009, tự nhiên tôi nổi hứng gửi email xin gặp, thầy đồng ý. Gặp thầy, tôi thấy thích cách suy nghĩ của thầy quá nên từ việc đang học đại số tôi chuyển luôn sang học hình học đại số - ngành của thầy. Năm vừa rồi tôi bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh ở ĐH Chicago nhưng chỉ mới được học thầy một chuyên đề. Tôi tham gia lớp hè này để được học thầy nhiều hơn”, Quốc kể.
Còn Giang nghe danh thầy Châu khi cô bắt đầu theo học ngành toán ở Mỹ. Về sau cô đến học thử một buổi thầy Châu dạy ở ĐH Chicago, dù không phải là sinh viên trường này.
Cũng trong buổi đó, Giang gặp thầy bày tỏ nguyện vọng muốn học toán ở Chicago. Giang nhớ lại: “Thầy chỉ hỏi em có thích toán thật không bởi vì toán rất khó đấy. Tôi bảo có nhưng thầy cũng chẳng khuyên tôi có nên học toán
hay không”.
Trước khi dự lớp hè này, Giang gần như không biết gì về hình học đại số hay đường cong elip. Giờ thì cô quyết định sẽ đăng ký học những ngành đó vào năm tới khi sang Anh.