Về nơi từng là vương quốc rùa Hoàn Kiếm

Về nơi từng là vương quốc rùa Hoàn Kiếm
TP - Từ chỗ săn bắt hàng chục cá thể Rùa Hoàn Kiếm vì coi chúng như kẻ phá hoại, đến nay, dân quanh khu vực hồ Đồng Mô, Hà Nội đã thấu hiểu giá trị và trân trọng loài này như một báu vật quê hương.

Rùa Đồng Mô có thể sổng lần nữa
> Dựng bảng truyền thông bảo vệ rùa Hoàn Kiếm

Hai năm săn, sạch bóng rùa

Theo lời các bậc cao niên của xã Kim Sơn (Sơn Tây, Hà Nội), hồ Đồng Mô vốn là phần ngọn của dòng sông Cời, một nhánh của sông Tích nối với sông Hồng. Đến năm 1971, với chủ trương xây đập ngăn sông, ngọn nguồn của dòng sông Cời bị đập ngăn, trở thành hồ Đồng Mô với diện tích mùa nước nổi lên đến 1.400 ha. Có lẽ bởi từng thông với dòng sông Hồng nên loài Rùa Hoàn Kiếm đã từ sông Hồng xuôi theo dòng nước tìm đến ngọn nguồn sông Cời sinh sống.

Từ trước năm 1971, người Sơn Tây nhiều lần bắt gặp loài rùa mai mềm khổng lồ này. Từ sau năm 1971, khi ngọn nguồn sông Cời biến thành hồ Đồng Mô thì loài Rùa Hoàn Kiếm sinh sôi và phát triển mạnh mẽ.

Ông Phạm Xuân Tự, người hơn 30 năm thầu một nửa diện tích hồ Đồng Mô, kể cứ ra tới hồ là nhìn thấy con Giải. Vào mùa nước cạn, những bãi đất trống hiện ra, loài Giải thường bò lên những khoảng đất trống để sưởi nắng. “Có năm bom nổ, xác Giải nổi lềnh bềnh trên mặt nước hồ, Ấy vậy mà, sau chiến tranh, chỉ 2 năm săn bắt, Giải đã gần như không còn ở hồ”, ông Tự nhớ lại.

Ngày ấy, ở Kim Sơn nói riêng và vùng quanh hồ, Giải bị xem là một loài phá hoại. Anh Nguyễn Văn Hồng, làm nghề đánh cá trên Đồng Mô, cho hay “ Giải rất thích ăn cá, đặc biệt là cá mè. Nhiều lưới đánh cá mè thường bị Giải phá tan. Những người ngâm lưới qua đêm, sáng hôm sau thấy lưới tan từng mảng. Họ căm Giải lắm và quyết diệt bằng được”.

Phong trào săn Rùa Hoàn Kiếm có từ trước những năm 1971. Ông Tự nhớ lại: “Các cụ ngày ấy chủ yếu bắt Giải theo phương pháp thủ công, đào một hố sâu rồi ngụy trang lá cây lên trên. Khi Giải bò lên cạn, thấy lá cây sẽ tìm đến rồi rơi xuống hố. Giải sập bẫy thường được các cụ đem thịt rồi chia cho hàng xóm”.

Săn bắt Rùa Hoàn Kiếm thực sự bùng phát vào những năm 1990-1992. Người đầu tiên bắt được Rùa Hoàn Kiếm khổng lồ là ông Nguyễn Khắc Hưởng (xã Kim Sơn). Một hôm, ông thả lưới qua đêm, sáng hôm sau kéo lưới lên thấy tiếng vùng vẫy dữ dội. Con vật nặng 51 kg, được vợ chồng ông bán lại cho thương lái với giá 1,1 triệu đồng. “Chỉ thêm 20 nghìn đồng nữa, hồi ấy, là vợ chồng tôi có thể tậu được mảnh đất mấy sào”, vợ ông Hưởng góp chuyện.

Anh Nguyễn Văn Trọng có 5 năm làm nghề bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, thuộc Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), ước lượng, khoảng 50 cá thể Rùa Hoàn Kiếm đã bị thịt ở hồ Đồng Mô. Cá thể rùa lớn nhất mà dân trong vùng bắt được nặng hơn 140kg.

Bên hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội), cách hồ Đồng Mô không xa, trước đây cũng từng có Rùa Hoàn Kiếm sinh sống. Ông Hoành, một ngư dân gần Suối Hai, bắt được một cá thể rùa nặng đến 250kg và đổi được 3 tấn thóc.

Rùa Hoàn Kiếm là loài dễ săn bắt. Mỗi cá thể chỉ sống ở một khu vực nhất định. Nếu như phát hiện ra địa điểm có Rùa thì chỉ cần thả lưỡi câu xuống, đảm bảo vài ba ngày sau là có thể bắt được cá thể thứ hai. Bởi cách bắt dễ dàng và lợi nhuận khổng lồ như thế, chỉ 2 năm sau ngày cá thể Rùa Hoàn Kiếm đầu tiên bị bắt, Rùa Hoàn Kiếm gần như vắng bóng khỏi hồ Đồng Mô.

Sọ của một cá thể Rùa Hoàn Kiếm bị săn bắt Ảnh: ATP
Sọ của một cá thể Rùa Hoàn Kiếm bị săn bắt Ảnh: ATP.

Báu vật cuối cùng

Anh Phạm Văn Thông, cán bộ của ATP, kể: “Từ ngày biết Giải là loài động vật quý hiếm, cả thế giới chỉ còn 4 cá thể, lại cùng loài với Rùa Hoàn Kiếm ở Hồ Gươm, dân ở đây thay đổi hẳn thái độ đối với loài bò sát này. Nếu bắt được ba ba nhỏ, họ đều gọi cho cán bộ ATP đến. Nếu nghi ngờ là Giải con, họ thả ngay xuống hồ".

Để có được sự thay đổi nhận thức như thế phải kể đến công việc bảo tồn âm thầm, khó khăn mà các cán bộ ATP trải qua. Anh Nguyễn Văn Trọng, một ngư dân địa phương, được mời tham gia vào chương trình bảo tồn. Nhớ lại năm 2007, anh Trọng cùng anh Nguyễn Xuân Thuận, một cán bộ của ATP, nếm mật nằm gai suốt 6 tháng để chờ sự xuất hiện của Giải. “Có lúc tưởng như mất kiên nhẫn nhưng tôi tin vẫn còn. Không bao lâu sau, Giải xuất hiện”.

Từ khi phát hiện hồ Đồng Mô vẫn còn loài rùa mai mềm khổng lồ, ATP thường xuyên cắt cử cán bộ đến quan sát, bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Anh Trọng, giờ trở thành cán bộ của ATP. Mỗi tuần 5 ngày, anh cơm nắm muối vừng cùng chiếc ba lô với sổ bút, máy ảnh. Một ngày tuần cạn, một ngày tuần hồ và 3 ngày quan sát, anh theo dõi các hoạt động của rùa. Năm năm liên tiếp với công việc tuần rùa như thế nên, dân quanh hồ Đồng Mô gọi anh là “Trọng Rùa”. Cứ phát hiện thông tin gì liên quan đến Rùa là họ lại thông báo cho anh.

Cá thể Rùa Hoàn Kiếm được phát hiện tại hồ Đồng Mô Ảnh: ATP
Cá thể Rùa Hoàn Kiếm được phát hiện tại hồ Đồng Mô Ảnh: ATP.

Trong đợt lũ lịch sử tháng 11-2008, khi cá thể Rùa Hoàn Kiếm thoát ra sông, dân địa phương đã thông báo cho anh Trọng. Các cán bộ ATP cùng cán bộ kiểm lâm đã có mặt để giải thoát cá thể này. Cũng từ đó, ATP vận động được cán bộ Hạt kiểm lâm thị xã Sơn Tây và cán bộ địa phương các xã quanh hồ thường xuyên tham gia vào công việc tuần tra, bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm ở Đồng Mô.

Tháng 10-2011, ATP dựng bảng truyền thông về Rùa Hoàn Kiếm trên đê Đồng Mô. ATP cũng thường xuyên tổ chức các tiết học truyền thông về rùa cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn các xã quanh hồ.

Tận mắt chứng kiến một tiết học của học sinh, tôi nghe một học sinh lớp 6 nói với bạn: “Nếu thấy Rùa nổi lên thì không được té nước đuổi rùa, không được ném đá. Phải báo cho chú Trọng biết đấy nhé”.

“Vào mùa nước cạn, những bãi đất trống hiện ra, loài Giải thường bò lên những khoảng đất trống để sưởi nắng".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG