Về một trong những phi công đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhắc đến phi công Trịnh Hồng Thuận là nhắc đến rất nhiều cái “đầu tiên”. Ông là một trong những phi công và giáo viên bay đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Và gia đình ông có lẽ cũng là gia đình đầu tiên ở Việt Nam vừa có ba cha con là phi công quân sự, vừa có ba đời theo nghiệp phi công…

Vừa lái chuyên cơ, vừa đánh giặc Mỹ

Năm 1956, lực lượng không quân Việt Nam có một bước ngoặt đáng chú ý: Lần đầu tiên một đoàn học viên bay ra nước ngoài du học, cụ thể là sang Tiệp Khắc. Tháng 9/1958, họ tốt nghiệp và trở về sân bay Cát Bi (Hải Phòng) công tác, trở thành những người phi công đầu tiên của QĐNDVN. Một năm sau, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trường Huấn luyện hàng không tại sân bay Cát Bi, họ lại trở thành những giáo viên huấn luyện bay đầu tiên của nước ta. Cái nôi ấy đã góp phần nuôi dưỡng, đào luyện nên một lực lượng không quân hùng mạnh và tinh nhuệ, lập nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong thế hệ “cây đa, cây đề” ấy, phi công Trịnh Hồng Thuận là một trong những cái tên nổi bật nhất. Là một trong những tay lái “cứng” nhất, ông thường xuyên lái các loại máy bay vận tải quân sự như Li-2, An-2 và An-24 để chở những lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi công tác như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Hoàng Văn Thái... Ông cũng là người lái chuyên cơ lâu năm nhất cho vợ chồng Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Souphanouvong.

Về một trong những phi công đầu tiên ảnh 1

Ông Trịnh Hồng Thuận (phải) chụp ảnh lưu niệm cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: tư liệu

Ngoài những chuyến bay chuyên cơ, ông Thuận còn tham gia chiến đấu ở cả chiến trường Việt Nam và Lào. Những cuộc không chiến với Mỹ thường diễn ra liên tục và căng thẳng, nên không phải lúc nào quân đội ta cũng có đủ máy bay để chiến đấu. Vì vậy, lực lượng không quân đã nảy ra một sáng kiến: Cải tiến máy bay vận tải quân sự thành máy bay cường kích ném bom. Những chiếc máy bay cải tiến do ông Thuận điều khiển đã nhiều lần thả bom trúng tàu chiến Mỹ. Với những thành tích của mình, ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Quân công hạng Ba.

Được truyền cảm hứng từ tấm gương của ông Thuận, lớp con cháu trong gia đình ông đã duy trì được một truyền thống nghề nghiệp đáng ngưỡng mộ đến tận ngày nay. Trong ba người con trai của ông Thuận, có hai người theo nghiệp phi công quân sự giống cha. Người con cả lái máy bay tiêm kích Mig-21 và Mig-21Bis, người con thứ lái máy bay trực thăng vũ trang Mi-8 và Mi-24. Không chỉ vậy, một người cháu ruột của ông Thuận hiện cũng là phi công tại hãng hàng không Vietnam Airlines. Có lẽ rất hiếm gia đình nào ở Việt Nam vừa có ba cha con là phi công quân sự, vừa có ba đời theo nghiệp phi công như gia đình ông Thuận.

Về một trong những phi công đầu tiên ảnh 2
Liệt sĩ Trịnh Hồng Thụ - con trai cả của ông Trịnh Hồng Thuận. Ảnh: tư liệu

Sức khỏe và bản lĩnh phi thường

Anh Trịnh Hồng Vinh - người con thứ của ông Thuận chia sẻ, điều mà con cháu khâm phục nhất ở ông Thuận là bản lĩnh sắt đá hơn người. Đến giờ, anh vẫn nhớ mãi về hai lần cha mình đã gần như “chạm cửa tử”. Lần đầu tiên không phải trong một phi vụ chiến đấu, mà là trong chuyến bay cứu trợ người dân tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 1971.

“Chuyến bay hoàn toàn suôn sẻ đến khi bộ đội ta thả phao cứu sinh xuống cho người dân. Thấy mấy chiếc phao màu đen sì (vì làm từ lốp xe ô tô) cứ liên tục rơi xuống, họ tưởng là giặc Mỹ ném bom nên đồng loạt giương súng lên, cứ nhằm vào máy bay ba tôi lái mà bóp cò”. Anh Vinh kể: “Máy bay bị hàng trăm viên đạn xuyên thủng lỗ chỗ, nhưng ba tôi vẫn bình tĩnh lái được về sân bay Gia Lâm an toàn. Ông bảo, chỉ cần một trong số hàng trăm viên đạn ấy trúng vào thùng dầu hoặc hệ thống lái thôi là tất cả đã nằm lại dưới dòng nước lũ miền Trung rồi!”.

Lần thứ hai là khi ông Thuận bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng vào dịp Tết năm 1974. Thời đó, ung thư là một bản án tử với bất kỳ ai. Người trực tiếp chữa trị cho ông Thuận là bác sĩ Tôn Thất Tùng nói rằng, cách duy nhất để cứu sống ông là truyền một liều hoá chất với tỷ lệ sống sót chỉ 10%. Sau một hồi suy nghĩ, ông Thuận đồng ý và bình thản nói: “Nếu bác sĩ cứu được tôi thì đó là cái phước, còn nếu không thì tôi phải chịu thôi”. Ông giữ kín hoàn toàn chuyện này với gia đình, chỉ bảo ngắn gọn là “nếu mùng 4 Tết mấy mẹ con chưa thấy ba về thì vào thăm ba nhé”. Chắc ông nghĩ lần này tử thần khó mà “vồ hụt” mình.

Về một trong những phi công đầu tiên ảnh 3
Ông Trịnh Hồng Thuận (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng cố Chủ tịch Lào Souphanouvong sau một chuyến bay do ông làm cơ trưởng năm 1962

Nhưng một lần nữa ông Thuận lại chiến thắng tử thần, dù mất đi gần như toàn bộ sinh lực. Khi gia đình vào thăm, ông chỉ còn nặng 52 kg sau khi sụt tới 40 kg. Vậy mà 2 năm sau, ông đã đủ điều kiện bay trở lại và tiếp tục cầm lái thêm 12 năm nữa mới nghỉ hưu.

Sự hồi phục thần kỳ ấy xuất phát không chỉ từ ý chí, bản lĩnh kiên cường mà còn từ sức khoẻ trời phú của ông Thuận. Năm 1959, trong Đại hội Thể dục thể thao do Quân khu Tả Ngạn (thuộc Quân khu 3 ngày nay) tổ chức, trong môn ném tạ 50kg, ông Thuận đã đạt thành tích 10,91 mét. Một thành tích khó tin, dù cũng chỉ giúp ông giành được giải Ba!

Tấm lòng của một người cha

Khi nói đến tình cảm của ông Thuận dành cho gia đình, mắt anh Vinh chợt nhoà đi. Ông lúc nào cũng kín đáo, ít chia sẻ với người thân, chỉ vì không muốn cả nhà phải lo lắng quá nhiều cho mình.

“Trước mỗi lần đi chiến đấu, ba tôi đều qua gặp gia đình một người anh em kết nghĩa để dặn dò rằng: “Nếu giờ này ngày mai mà em chưa có mặt ở đây thì tức là em đã hy sinh. Nếu vậy, xin nhờ hai bác đưa mấy mẹ con về Thanh Hoá giúp em”. Đó đều là những cuộc gặp "tuyệt mật", chúng tôi không hề hay biết”, anh Vinh kể. “Mãi tới lúc sau giải phóng, gia đình tôi mới được nghe hai vợ chồng bác ấy kể lại. Nghe xong, mấy mẹ con đều giàn giụa nước mắt vì thương ba, nhưng ai cũng hiểu là không nên để ba biết”.

Tháng 4/1980, khi đang làm nhiệm vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất ông Thuận nhận tin dữ: anh Trịnh Hồng Thụ - con trai cả của ông đã không may hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Sau khi biết tin, ông chẳng nói gì mà chỉ lẳng lặng ra ngoài mua hoa quả để thắp hương cho con trai. Nhưng khi vừa về tới cổng sân bay, ông chợt ngã sầm xuống đất, bất tỉnh. Một con người dửng dưng trước bom rơi, đạn lạc và căn bệnh ung thư, nhưng cũng phải gục ngã vì nỗi đau mất người thân. Khi tỉnh lại, ông lập tức lên máy bay tới sân bay Kép (Bắc Giang) để lo hậu sự cho con trai. Đồng đội của ông Thuận vẫn chưa yên tâm, nên phải cử một bác sĩ đi cùng để theo dõi sức khoẻ ông 24/24.

Nhưng khi báo tin dữ cho gia đình, ông Thuận lại dặn đi dặn lại mọi người rằng: “Tuyệt đối chưa được báo ngay cho thằng Vinh!”. Vì khi ấy, anh Vinh đang học dự bị bay tại sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) và chuẩn bị bước vào một kỳ thi quan trọng. “Ba không muốn tôi biết tin vì sợ ảnh hưởng tới tinh thần của tôi trước kỳ thi lớn. Một tháng sau, lúc thi cử xong, tôi mới biết tin anh Thụ mất…”, anh Vinh nhớ lại...

Năm 1991, ông Thuận qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội. Di vật quý giá nhất mà ông để lại là những bức thư gửi con trai cả Trịnh Hồng Thụ. Sau đây, xin phép được trích ra một số đoạn nhỏ từ những bức thư ấy:

“Tình hình nhà ta con biết rồi đấy. Ba chẳng sắm gì được thêm - vì lương vào gạo hết để đảm bảo cho các em con. Cho nên cái gì cũng thiếu cả. Con thông cảm hoàn cảnh ở nhà… Con mua 1 quạt tai voi, 2 khăn nilon, một số thuốc quý, Mua cho đẻ (mẹ) 1 khăn vuông len khoảng 3, 4 đồng. Mua cho ba 1 hộp xi đánh giày. Tuỳ con mua được gì thì mua, cái gì cũng quý. Không đủ tiền thì thôi, không nên vay mượn làm gì”.

“Lần nữa ba đẻ (tức ba mẹ) dặn con, càng giai đoạn cuối công tác chuẩn bị và ‘B’ càng phải thận trọng, chu đáo, không được chủ quan nôn nóng, ‘B’ chuyến nào chắc chuyến đấy. Không được gò ép, miễn cưỡng. Con vẫn cứ phải viết thư đều đặn về cho ba đẻ, kể cả ngày lên đường về nước. Ba cũng sẽ gửi thư sang cho con đến ngày con về nước.

Còn việc riêng tư của con, ba đẻ nhắc là: con đối với cô … chỉ nên là bạn bè thôi nhé”.

Đáng tiếc là những bức thư anh Thụ gửi cho cha hiện vẫn còn thất lạc. Nếu một ngày những lá thư được đoàn tụ, chắc hẳn hương hồn hai cha con ông Thuận dưới suối vàng sẽ vô cùng mãn nguyện…

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.