> “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” tiếng Nga: Bản dịch đặc biệt
> Ra mắt 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm' bản tiếng Nga
Đến nay, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được dịch ra 18 thứ tiếng trên thế giới. Trong ảnh: Bản dịch quốc tế ngữ của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. |
Và lần này, nhân 70 năm ngày sinh của Đặng Thùy Trâm (26.11.1942 - 26.11.2012), tôi nghĩ về những dòng ghi vào ngày 7.1.1970. Đó là một bài thơ - những dòng “xuất bút thành thơ” của chị.
Bài thơ này viết cách thời điểm chị hi sinh 166 ngày (7.1.1970 - 22.6.1970). Nhưng ta nên đọc vài đoạn ghi ngay trước đó (6.1.1970): “…Hãy rèn giũa phẩm chất của một người Đảng viên nghe Th. (tức là Thùy, tiếng Thùy Trâm tự xưng; viết tắt trong nguyên bản - TG). Cuộc đời Th. là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ. Xin Th. hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng. Hãy hứa trước tòa án lương tâm đi Th. nhé. Th. sẽ giữ trọn tất cả những gì cao quý của một người Đảng viên, một người trí thức…”.
Tiếp ngày hôm sau, có lẽ mọi việc cơ quan tạm đã xong, mọi người đã đi ngủ, còn lại mình chị với ngọn đèn dầu giữa miền rừng núi với gió lạnh trong đêm. Giờ thì người bác sĩ trẻ dốc bầu tâm sự của mình với những trang giấy.
Chị nhớ lại từng người thân, bạn bè đang ở trên khắp đất nước, trên đất miền Nam, ở giữa lòng thủ đô… Hình ảnh thân thương quý yêu nhất vẫn là người chiến sĩ giải phóng quân trên đường ra trận.
Chị đau đáu lo lắng cho anh em, đồng bào, đồng chí trong suốt những đêm thâu; lòng quặn đau khi bom đạn chiến tranh tàn phá hủy diệt quê hương, giết chóc nhân dân mình.
Tôi đứng đây giữa núi rừng lộng gió
Mưa đan dày trùm cả rừng cây
Nghe gió mùa đông bắc thổi về đây
Lòng bỗng thấy nhớ thương da diết.
Ơi những người thân yêu ở nơi xa có biết
Tôi nghĩ gì trong giá lạnh chiều nay
Chiều nay…
Ai đi giữa hàng cây
Trên những con đường thênh thang của trái tim Tổ quốc.
Ai đi giữa công viên Thống Nhất
Nhìn bóng dừa nghĩ đến miền Nam
Và những bóng hình tha thiết yêu thương
Bỗng đang về đây giữa lòng Hà Nội.
Như những đêm nào Hồ Gươm dạ hội
Vai kề vai vui đón xuân sang.
Chiều nay…
Giữa đỉnh Trường Sơn
Người giải phóng quân trên đường ra trận.
Có nghĩ gì chăng hỡi người thương mến
Khi nhìn về dãy núi phương Nam
Sóng biển Sa Huỳnh vẫn mặn nhớ thương
Vẫn dạt dào đêm ngày vẫy gọi
Vẫn chờ anh với chiến công chói lọi.
Và hẹn ngày đất nước yên vui
Ta lại cùng nhau tay nắm trong tay
Đi đón mùa xuân giữa niềm hạnh phúc.
Chiều nay…
Trong căn nhà giữa xóm thôn quen thuộc
Ai nghĩ gì mà đôi mắt long lanh
Mưa nắng dãi dầu trên mái tóc còn xanh
Vẫn không phai trong lòng tình thương cao đẹp nhất.
Có những đêm dài trên đường công tác
Lòng bồi hồi khi trở lại đường xưa
Cũng đường này ta đã tiễn đưa
Trong những buổi chia tay nặng tình ruột thịt.
Ai biết chăng dù ta có chết
Cho ngày mai, cho đất nước tự do
Thì trong ta vẫn trọn niềm mơ
Và trọn vẹn cả tình thương chung thủy.
Chiều nay…
Trong nghìn suy nghĩ
Ai khẽ thở dài thoáng nét lo âu
Ta thấy rồi trong những đêm thâu
Một đôi mắt đen vẫn còn chưa nghỉ
Ai lo cho đồng bào, anh em, đồng chí
Ai đau lòng khi bom đạn còn rơi
Ôi những người thân thiết của tôi ơi.
Giữa chiều nay tôi bay về sum họp
Tôi hôn những người thân và lệ tràn trong mắt
Giọt lệ chảy dài thắm mặn yêu thương
Đường đi bao nỗi gian nan
Bàn chân lội suối băng ngàn ta đi.
Chông gai nào có sá gì
Mắt nhìn vẫn một hướng về ngày mai.
Và ai có biết chăng ai
Tình thương đã chắp cánh dài cho ta”.
Có lẽ những dòng “xuất bút thành thơ” này đã thể hiện bao quát được tâm tư, tình cảm, ý chí và nghị lực của người anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Thùy Trâm trong những năm tháng máu lửa.