Nghe danh xứ đạo Phạm Pháo nổi tiếng với các hội kèn đồng lên tới cả nghìn người và nghề sản xuất, sửa chữa kèn tây đã lâu, tôi cùng nhà văn– họa sỹ Đỗ Phấn và Nguyễn Sử Tiến – Giám đốc Bảo tàng ngoài công lập Lịch sử - Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội rủ nhau tận mắt chứng kiến một phen. Nhà văn Lê Hà Ngân là dân chính gốc Hải Hậu, Nam Định nhận làm người “môi giới”.
Đi từ mờ sáng Hà Nội, chúng tôi đến thị trấn Yên Định, trung tâm Hải Hậu khi những mái vút nhà thờ bắt những tia nắng đầu ngày óng ả. Lê Hà Ngân rủ thêm nhà thơ Vũ Ngọc Oanh là ông trùm Chánh của giáo họ An Cường kiêm bác sỹ Đông y. “Về giáo xứ Trại Đáy có còn xa?”, “Chỉ khoảng 7-8 cây số, các anh yên tâm”. Giáo xứ Trại Đáy, thuộc giáo phận Bùi Chu (Tân Tiến, Hải Minh, Hải Hậu) mới tách ra chưa được chục năm từ Giáo xứ Phạm Pháo.
Đầu làng đã thấy những xe tải nhỏ chở đồ gỗ mỹ nghệ ùn ra. Đỗ Phấn giới thiệu: Ở đây có nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng. Tay nghề có chỗ độc đáo hơn hẳn nhiều làng nghề xứ Bắc. Mấy người đàn bà lúi húi đánh bóng tủ chè, tràng kỷ ngay cạnh con kênh xanh mát. Những con kênh đem nước thau chua rửa mặn lấy nước từ sông Ninh Cơ, tương truyền có từ thời cụ Nguyễn Công Trứ vâng lệnh vua về vùng duyên hải lập đồn lấn biển.
Cơ sở sản xuất kèn đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Cường (tên thánh Gioa-kim) nằm ngay cạnh một con kênh như thế. Lạ! Không phải tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hay thành phố lớn nào! Cũng chẳng gắn với một trường nhạc nào! Mà làng này không phải chỉ một cơ sở như thế.
Chuyện sớm rôm rả. Xưởng rộng trên trăm mét vuông tràn ngập các loại kèn to nhỏ, có cả trống. Bác Cường ngoài 60 nhưng tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát kiểu lính tráng. Thì trước kia ông là lính kèn: “Nghề làm kèn đồng có từ thời ông tôi. Năm 14 tuổi ông đã đứng ra lập hội kèn. Xứ đạo Phạm Pháo hiện có 13 hội kèn. Mỗi hội cả trên trăm người. Cả xã tính nhanh có đến 1.500 người, chơi đủ các loại kèn. Vâng, tây có bao nhiêu loại kèn thì chúng tôi chơi cả (cười to)”. Anh Nguyễn Sử Tiến đề nghị bác Cường biểu diễn vài bài. Thế là cựu lính kèn lập tức lấy ra mấy cây kèn Pháp, Ý chơi luôn. Quan tâm đến đồ cổ, chủ một bảo tàng trong đó có những hiện vật được giới chuyên môn đánh giá là Quốc bảo, Sử Tiến hỏi về một cây kèn cổ tuổi chừng hơn trăm năm trên tường, bác Cường liền lấy xuống thổi ngay một đoạn nhạc thôi thúc và giới thiệu đó là nhạc xuất quân của Pháp.
Thường niên, cứ dịp 2/9 huyện Hải Hậu lại mở hội thi, thu hút 40-50 hội kèn và thường một đội thuộc Phạm Pháo đoạt giải. Trong những ngày đại lễ tại Phạm Pháo như tuần chầu giáo xứ, hay lễ Giáng sinh, Phục sinh... đội kèn Hợp nhất có thể hòa tấu với 500 nhạc cụ. Trong đó, nổi bật là cả chục cây kèn hêlơcông (Helicon), loại to nhất trong thế giới kèn, người có sức khỏe, có chiều cao mới mang vác và chơi được. Từng ấy con người và nhạc cụ, đã về tận Thánh địa La Vang (Quảng Trị) phục vụ thánh lễ. Năm 2017, trong Liên hoan Nhạc kèn toàn quốc kỷ niệm 60 năm thành lập Hội nhạc sỹ Việt Nam, đội kèn giáo xứ Trại Đáy cũng có nhiều tiết mục đoạt giải cao.
Xứ đạo này nhiều nhân tài. Ông trùm Vũ Ngọc Oanh dẫn chúng tôi đi gặp ông Nguyễn Xuân Khoát (trùng tên Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Xuân Khoát, 1910–1993) - người chuyên sáng tác, dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc ở đây, nhưng rất tiếc ông đi dạy nhạc ở xa. Câu chuyện mở ra: Cũng tại Liên hoan Nhạc kèn toàn quốc năm 2017, “Nhạc khúc quê hương” do ông Khoát sáng tác đoạt giải cao và chính ông cũng được trao giải chỉ huy xuất sắc. Một người cũng được nhiều người coi là thầy ở xứ này là ông Nguyễn Văn Hưởng, chuyên về kỹ thuật biểu diễn. Ông Hưởng là em họ ông Cường (cụ Nguyễn Văn Biên - bố ông Cường là anh trai cụ Nguyễn Văn Thông – bố ông Hưởng). Cụ Biên vừa có nghề y vừa giỏi nhạc lý còn cụ Thông là người dạy trong hội kèn Trại Đáy từ năm 1967. Cả 6 anh em trai trong gia đình ông Hưởng và 3 ba anh em trai nhà ông Cường đều là thành viên của hội kèn; nhiều người theo nghề làm kèn, sửa kèn. Con trai ông Hưởng là anh Nguyễn Đức Trọng học khoa Nhạc Jazz Nhạc viện Hà Nội (trong số 7 người thuộc thế hệ trẻ của làng đã tốt nghiệp các trường nhạc).
Ông Cường thị phạm cho chúng tôi xem việc làm một chiếc kèn đồng theo phương pháp thủ công. Gò loa kèn phải dùng búa nhỏ (thường gọi búa cuốc) gõ đều từng nhát một. Khó khăn nhất là chế tác bộ pháo của kèn. Đây là bộ phận xử lý âm, là trái tim của cây kèn. Khi chế tác quả pháo phải dùng các loại khoan nhỏ rất tinh vi. Không chỉ trình độ cơ khí, người chế tác kèn phải có đôi tai thẩm âm chuẩn. Đây là điều kỳ lạ ở Phạm Pháo vì những người thợ gốc gác nông dân nơi đây đều không qua một trường lớp về âm nhạc hay sản xuất nhạc cụ nào.
Với nhiều công đoạn phức tạp nên mỗi cây kèn phải làm hàng tháng mới xong. Ông Cường bật mí, có loại kèn ông còn cắt ngắn, kéo dài cho phù hợp với cơ thể người Việt. Làm kèn đồng mãi, ông còn phát minh loại kèn làm bằng… nhựa mà ông bảo thổi cũng chẳng kém kèn đồng. Cao hứng, ông còn khoe một thiết bị chế từ mẫu kèn, nhưng để khuếch âm tiếng từ… điện thoại di động. Sợ chúng tôi ngờ, ông mở nhạc từ điện thoại lắp vào, trình diễn luôn.
Ông Cường hồi tưởng lại thời trai trẻ. Vào bộ đội, ông được điều sang quân nhạc. Ở đây, ông gặp nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên, một trong những cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, cũng là người Công giáo. Nhìn tướng ông Cường và nghe ông thổi kèn đồng, ông Liên bảo: “Sau này chắc chắn con sẽ làm được điều gì đó cho âm nhạc!”... Thì đó, ông Cường có thể không trở thành nhạc công xuất sắc, nhưng có vẻ ông trở thành một nhà sáng chế kèn!
Ông Cường vui lên một chút khi cho biết, gia đình ông giờ có thêm một khoản thu nhập. Đó là khi các đoàn dẫn khách du lịch trong và ngoài tỉnh lấy nhà ông làm một điểm tham quan.
Rời xứ đạo Trại Đáy - Phạm Pháo, chúng tôi đều bâng khuâng như sợ một điều kỳ diệu đang dần xa khuất. Đỗ Phấn bỗng nhắc đến một chi tiết trong tác phẩm của Trần Quốc Huấn. Đó là hình ảnh một người lính trở về trong ba lô có một cây kèn (Người lính kèn về làng). Lê Hà Ngân thì đưa cho tôi xem một bài thơ viết vội, trong đó có những câu mộc mạc:
Chiều nay về Phạm Pháo
Nghe du dương tiếng kèn xứ đạo
Ngân nga khúc Giáng sinh
Gọi mùa xuân tươi thắm búp đào
Gọi mầm xanh trên đất ấm xôn xao…