Chạy tới chạy lui
Trưa 20/1 (26 Tết), nhiều máy ATM ở Q.Gò Vấp trong tình trạng “thở oxy”. Chị Thanh Hoài (30 tuổi, ngụ P.An Phú Đông, Q.Gò Vấp) toát mồ hôi tìm chỗ rút tiền ATM. Chị than thở: “Tại điểm ATM nằm trong khuôn viên siêu thị Coopmart Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) có 4 máy thì hết 3 máy không rút được tiền. Do chỉ còn một máy hoạt động, người chờ quá đông nên tôi đành bỏ cuộc xếp hàng.
Chạy đến đường Nguyễn Oanh, 2 máy ATM của ngân hàng (NH) MB thì một máy không phục vụ, một máy vẫn hoạt động nhưng khi đút thẻ vào dù rút 1 triệu đồng, máy vẫn báo số tiền rút quá hạn mức. Tôi không rút tiền ngày cuối tuần vì đoán sẽ có nhiều người rút, nên chờ đầu tuần với hy vọng ít người hơn, các NH làm việc thì máy ATM sẽ xuyên suốt hơn. Ai ngờ vẫn rất tệ”.
Anh Trần Văn Khang (ngụ P.Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương) cũng bở hơi tai, chạy dọc từ Q.12 đến điểm rút tiền ATM của BIDV mới rút được hơn chục triệu về lo tết. “Có trụ ATM hư, ATM hết tiền, có máy chỉ cho rút được vài triệu nên tôi phải đi nhiều máy ATM mới gom đủ số tiền cần. Chỉ chục triệu thôi mà mất hết gần ngày công làm. Thật là bất tiện”, anh nói.
Nhiều người chọn phương án vào NH rút cho chắc, vừa đảm bảo có tiền, vừa không lo máy nuốt thẻ. Chị Phương Vy (ngụ Q.6) kể: “Một NH có trụ sở trên đường Hậu Giang (Q.6) gần như quá tải. Khi tôi đến được phát số gần 1.000, trong khi bảng điện tử mới hơn 500. Ngồi được hơn 30 phút, quá sốt ruột nên tôi lấy xe về luôn. Rất nhiều khách cũng bỏ cuộc, bỏ số như mình”.
Tại các KCX-KCN như Tân Bình, Vĩnh Lộc, Tân Thuận..., tình trạng ATM bị nghẽn còn cao hơn, do các khu vực này tập trung đông công nhân. Các trụ ATM trước Vietcombank Bắc Sài Gòn (KCN Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh) luôn trong tình trạng quá tải từ sáng sớm đến tận khuya, dù tại đây có đến 6 trụ ATM. Trụ này rút được thì trụ kế bên giao dịch lỗi hoặc không rút được khiến khách phải xếp hàng rất lâu.
Nhiều công nhân tại Công ty Mì 3 Miền (đường Phan Văn Đối, H.Hóc Môn) kể, trước đây, trụ ATM VIB trước cổng công ty lúc nào cũng rút được tiền, nhưng những ngày gần đây luôn trong tình trạng bị lỗi vào ban đêm. “Không chỉ NH này, còn nhiều trụ ATM lẻ của các NH khác cũng luôn trong tình trạng hết tiền, báo lỗi. Có vẻ các NH chỉ châm tiền vào các điểm ATM tập trung từ 2 trụ ATM trở lên hoặc các trụ ATM trước NH. Riêng các trụ ATM lẻ thì hiếm khi có đủ tiền” - chị Trâm (công nhân) nói.
Chủ động chống nghẽn
Theo số liệu của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, toàn hệ thống máy ATM trên địa bàn đến cuối năm 2019 đạt khoảng 4.100 máy và khoảng 80.000 máy POS nhưng phải gánh áp lực rút tiền, giao dịch rất lớn vào dịp Tết.
Đại điện NH Nhà nước cho biết, đã có công văn yêu cầu các NH chủ động làm việc với các KCX, KCN nắm bắt nhu cầu tiền mặt của các doanh nghiệp dự kiến trả lương, thưởng cho người lao động qua nhiều hình thức như thẻ NH, hoặc tiền mặt nhằm giảm bớt áp lực rút tiền trên ATM trong những ngày cao điểm cuối năm. Các NH có kế hoạch triển khai cụ thể và dự phòng các vấn đề tiếp quỹ ATM, sự cố kỹ thuật...
Lãnh đạo một NH thương mại ở Q.1 cho biết, để tránh tình trạng quá tải, NH đã chủ động chuẩn bị nguồn tiền mặt hợp lý, giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ của từng máy ATM, bố trí cán bộ trực theo dõi hoạt động của hệ thống ATM đảm bảo tiếp quỹ, khắc phục các sự cố xảy ra... NH còn tăng cường truyền thông hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán thẻ, mã QR, online nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại các ATM.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, đơn vị đã làm việc với Ban Quản lý các KCN-KCX, NH thương mại, các doanh nghiệp có lượng công nhân lớn để chủ động hỗ trợ và tạo điều kiện cho người lao động nhận được lương, thưởng sớm, tránh quá tải ATM dịp Tết. “Một số doanh nghiệp có từ vài ngàn người lao động trở lên sẽ được NH thương mại hỗ trợ chi trả lương, thưởng bằng tiền mặt trực tiếp tại trụ sở, để giảm tải áp lực lên máy ATM”, ông Minh nói.
Nở rộ dịch vụ rút tiền tính phí
Do cần tiền, không ít khách hàng sử dụng dịch vụ rút tiền hộ, hỗ trợ thanh toán để lấy tiền mặt. Theo đó, khách hàng dùng thẻ ATM quẹt qua máy POS (thiết bị chấp nhận thẻ) thông qua hình thức mua hàng nhưng không lấy hàng, sau đó chủ cửa hàng đưa lại tiền mặt, khách trả phí cho cửa hàng. Nếu chuyển hoặc rút từ 5 triệu đồng thì phí là 8.000 đồng/1 triệu đồng; trên 5 triệu đồng thì phí là 6.000 đồng/1 triệu đồng.