TPO - Trước ngày bị chính quyền xã trùng tu bằng cách phá bỏ hoàn toàn, xây dựng mới bằng bê tông, biến một di tích có tuổi đời ngót nghét 3 thế kỷ thành một công trình... 1 ngày tuổi, công trình có niên đại ngót nghét 300 năm tuổi tại Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê Trung Hưng được đánh giá có giá trị rất cao về mặt lịch sử và văn hoá.
Đình Lương Xá dù chưa được xếp hạng di tích nhưng thuộc danh mục kiểm kê di tích của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nên được bảo vệ bởi Luật Di sản Văn hóa. Đình Lương Xá nằm sát con đường đi dọc qua cổng làng ra quốc lộ 21B. Tam quan với nghi môn của đình gồm 4 trụ biểu, trên bức tường hai bên cửa phụ có đắp nổi đôi voi đứng.
Ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ 17 với những mảng chạm tuyệt đẹp, được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ.
Ngôi đình có tuổi đời 3 thế kỷ này sở hữu nhiều mảng chạm tinh tế không nhiều nơi có được.
Nói về giá trị của ngôi đình này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt, cho biết, các tư liệu mỹ thuật cho thấy đây là ngôi đình có giá trị rất cao.
Ông Bình cho biết thêm: "Đình Lương Xá được xây dựng ở thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đình làng. Hình thức các chạm khắc cánh gà của đình giờ rất hiếm, chỉ còn rất ít đình có nghệ thuật chạm cánh gà đẹp như ở đây".
Các mảng chạm của đình Lương Xá trước khi bị hạ giải trong đợt trùng tu vừa qua.
Tuy nhiên, những mảng chạm tuyệt đẹp này hiện đã được hạ giải và suốt một thời gian tu bổ bằng "bê tông" nằm lăn lóc giữa mưa nắng.
Ngôi đình 300 tuổi hiện đã được biến thành... 1 tuổi với bê tông cốt thép.
Các mảng chạm, cấu kiện sau khi hạ giải vứt lăn lóc dưới đất khiến những người yêu những giá trị văn hoá lịch sử không khỏi xót xa.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá sau sự kiện này không khỏi bức xúc và cho rằng, đình Lương Xá là một trong những kiến trúc có giá trị nghệ thuật, chứa đựng tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt Nam. Hiện tại, mặc dù công trình này đã tạm thời bị đình chỉ nhưng không dễ dàng để khôi phục lại được như xưa khi đã bị "bê tông hoá" (!?)