Hệ lụy nhãn tiền
Trong làn gió đổi mới của đất nước, nhất là sau ngày tái lập tỉnh Hà Tĩnh, cấp ủy chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương để phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Tại khu vực Mỏ sắt Thạch Khê, các dự án để phát triển kinh tế cũng được triển khai, nhiều tuyến đường giao thông và cơ sở hạ tầng được xây dựng… hứa hẹn một cuộc sống ấm no cho người dân. Nhưng tất cả đã chững lại và thụt lùi kể từ khi Dự án Mỏ sắt Thạch Khê khởi động.
Biển nước với độ sâu -34 m ở moong mỏ sau khi dừng bóc đất tầng phủ |
Vì là một dự án thiếu cơ sở khoa học, nhà đầu tư yếu về tài chính nên đã không cân đối đủ nguồn vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư. Theo kế hoạch, đến năm 2013 phải hoàn thành giải phóng mặt bằng 3.887ha, di dời 3.952 hộ dân. Nhưng đến nay dự án mới bồi thường hỗ trợ 830ha (20,8% kế hoạch); đền bù cho 3.000 lượt hộ, nhưng mới có 66 hộ di dời; cất bốc 3.200 ngôi mộ, còn 5.736 ngôi mộ chưa có nơi chôn cất và bị cát vùi lấp, không tìm thấy hài cốt, nhất là sau khi bóc đất tầng phủ, khiến người dân hết sức bức xúc.
Sau nhiều năm triển khai dự án, nhà đầu tư mới hoàn thành 1/19 khu tái định cư, 2 khu nghĩa trang. Trong khi đó còn 18 khu tái định cư chưa triển khai, tuy nhiên theo đánh giá của cán bộ cơ sở và người dân thì quy hoạch các khu tái định cư này chưa bắt nhịp với xu thế phát triển, xây dựng nông thôn mới. Hệ thống đường liên vùng mới đạt 4,5%, nhà máy nước đạt 11,7% kế hoạch đề ra. Hiện nay các công trình đã hư hỏng, xuống cấp nặng nề. Các núi cát bãi thải ngăn cản dòng chảy của khe suối, trôi dạt, lấp vùi đất sản xuất trong mùa mưa lũ, hoặc bay bụi trong mùa nắng gió Lào. Bờ moong mỏ thì sạt lở, vùng moong mỏ nay đã biến thành biển nước với độ sâu trên 30m.
“Nếu liên quan đến moong mỏ tất yếu phải di dời, nhưng chỉ là bãi thải mà di dời 2 thôn, có 454 hộ dân, nhà cửa kiên cố, đã ngói hóa 100%. Chiều dài theo dọc biển của 2 thôn này là 1,2km. Khu tái định cư Quỳnh Viên liền kề với 2 thôn nói trên thì tại sao phải di dời. Đây là một việc làm thiếu sự nghiên cứu thấu đáo, gây lãng phí và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và tâm lí người dân”. Ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã
Thạch Hải nói về việc di dời dân để làm bãi thải cho Mỏ sắt Thạch Khê
Tài nguyên, thế mạnh trong vùng không những không được khai thác mà bị xâm lấn, nhất là việc quy hoạch làm bãi thải đổ cát lấn biến dài gần 10 km, rộng 1,6 km ảnh hưởng đến bãi tắm và môi trường sinh thái biển. Ông Nguyễn Trung Chiến, nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Hải đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải quy hoạch bãi thải ở vùng Quỳnh Viên, buộc 500 hộ dân ở 2 thôn Bắc Hải và Nam Hải phải di dời. Nếu vẫn ổn định sẽ tiết kiệm ít nhất 500 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ 1 tỷ đồng kinh phí di dời, tái định cư).
Dừng dự án
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, thì công nghệ khai thác tại Dự án Mỏ sắt Thạch Khê quá lạc hậu, không đảm bảo các yếu tố an toàn và bảo vệ môi trường với một khu mỏ có cấu trúc địa chất hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các nhà đầu tư chưa đúng tầm của một dự án lớn. Giáo sư, viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ, một chuyên gia đã trực tiếp tham gia nghiên cứu và tiếp cận với nhiều đối tác trong và ngoài nước liên quan đến Mỏ sắt Thạch Khê cho rằng: Dự án Mỏ sắt Thạch Khê có quá nhiều bất cập, sai sót trong quá trình lập và triển khai dự án. “Khi làm báo cáo tiền khả thi không khoan thăm dò nước ngầm, chưa làm rõ đánh giá tác động môi trường, dự báo khả năng tiêu thụ, sử dụng quặng”; …“Không thiết kế kỹ thuật, khai thác, bờ moong chắp vá. Đến cuối 2011 vẫn chưa hoàn thành thiết kế kỹ thuật” - viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ cho biết.
Ngay việc đơn giản nhất là phương án sử dụng ô tô để vận chuyển quặng trong mỏ cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Tại báo cáo số 5383/UBND-KT ngày 07/9/2018 gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ ra: Với công suất giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm nếu vận chuyển tần suất 300 ngày/năm, thì cần 709 chuyến xe/ ngày, cứ 2 phút/chuyến; đồng thời trong mỏ tốc độ đạt khoảng 10km/h sẽ tạo ra lưu lượng xe lưu thông dày đặc. Với dự án giai đoạn 2 đạt 10 triệu tấn/năm thì khối lượng đạt 17 triệu tấn/năm nên phương án vận chuyển ô tô trong mỏ là không khả thi. Mặt khác, dự án chưa thể hiện rõ hệ thống đường giao thông trong mỏ, kể cả dự phòng cứu nạn và giải tỏa ách tắc giao thông. Việc vận chuyển quặng từ mỏ về nơi luyện bằng đường bộ sẽ rất khó khăn; lưu lượng xe lớn, khả năng chịu tải của đường bộ là khó có thể đáp ứng, chất lượng đường nhanh xuống cấp dẫn đến quá tải so với năng lực hạ tầng, dễ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…
Nhà văn hóa được xây tại khu tái định cư Thạch Khê đã hư hỏng |
Kể từ khi Dự án Mỏ sắt Thạch Khê phải tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Hà Tĩnh liên tục có những văn bản gửi các bộ ngành khẩn thiết đề nghị chấm dứt Dự án Mỏ sắt Thạch Khê. Hà Tĩnh cho rằng, không thể “phiêu lưu” với một dự án thiếu cơ sở khoa học, tiềm ẩn nhiều rủi ro và không khả thi. “Quá trình triển khai còn nhiều bất cập, quy mô dự án rất lớn, vị trí sát biển, thời gian khai thác mỏ dài nhưng các báo cáo, trình tự về đầu tư xây dựng còn sơ sài, đơn giản, nhất là giải pháp kỹ thuật, đảm bảo môi trường, giải pháp huy động vốn” - văn bản số 09/KL-TU ngày 22/12/2016 của Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu.
Phản bác một số ý kiến đề nghị tiếp tục khai thác mỏ với lập luận nhu cầu thép đối với đất nước và thế giới tăng, ông Ngô Đức Huy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Lập luận như vậy chưa hẳn đã đúng, khi dự án chưa làm rõ khâu khai thác và chế biến thì sản phẩm tiêu thụ thế nào? Trong khi quan điểm của Trung ương và địa phương là không xuất quặng thô, phải gắn khai thác với chế biến trong nước. Cần suy nghĩ tại sao nhiều đối tác quốc tế đã đến nhưng không đối tác nào nhất trí đầu tư?
(Còn nữa)