VĐV Việt kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân

TP - Việc kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân đối với thể thao Việt Nam không còn là câu chuyện riêng của giới quần đùi áo số. Các VĐV đỉnh cao ngày nay đã có thể tăng thu nhập từ các hợp đồng quảng cáo, làm đại diện hình ảnh hay những nguồn kinh doanh khác.
VĐV Việt kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân ảnh 1

VĐV Nguyễn Thị Oanh làm đại sứ thương hiệu cho một nhãn hàng thể thao

Không lo trang phục, đồ tập

Nhiều môn thể thao, trong đó có chạy bộ, đang trở thành trào lưu tại Việt Nam những năm gần đây, thu hút rất đông người luyện tập và đăng ký tham gia nhiều giải thi đấu trên khắp cả nước, qua đó thúc đẩy việc cạnh tranh của các nhãn hàng thể thao. Nhờ việc chăm chỉ góp mặt tại các giải chạy phong trào và đạt nhiều thành tích cao, vận động viên (VĐV) điền kinh Phạm Thị Hồng Lệ, cô gái đã lấy đi bao nước mắt của người hâm mộ nước nhà với ý chí và tinh thần không bỏ cuộc tại SEA Games 30 (Philippines), được một số nhãn hàng thể thao để mắt và mời hợp tác quảng bá sản phẩm.

Hiện tại, Hồng Lệ đã ký hợp đồng 1 năm là “Người đồng sáng tạo” với một nhãn hàng thể thao hàng đầu thế giới đến từ Đức, kể từ tháng 9/2019. Cô cũng có bản hợp đồng tương tự với hãng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng nổi tiếng của Mỹ, bắt đầu từ tháng 7/2019. Với các bài đăng trên trang Facebook, Instagram cá nhân, cũng như xuất hiện trên sóng truyền hình hay các sự kiện trong trang phục của nhà tài trợ, Hồng Lệ “bỏ túi” hàng trăm triệu/năm, trong đó thông thường theo tỷ lệ 50% tiền mặt, 50% tiền sản phẩm. Đối với các bài đăng quảng bá cho các nhãn hàng khác, VĐV quê Bình Định nhận được vài triệu tiền sản phẩm mỗi tháng. Số tiền tuy không nhiều, nhưng giúp Hồng Lệ phần nào chia sẻ gánh nặng kinh tế với gia đình.

Trao đổi với Tiền Phong, Hồng Lệ cho biết: “Việc hợp tác quảng bá sản phẩm cho các nhãn hàng giúp tôi không phải lo lắng về việc mua thực phẩm dinh dưỡng, quần áo, giày chạy… Bên cạnh đó, tôi có thể tiết kiệm một khoản nhỏ giúp bố mẹ trang trải chi tiêu hàng ngày để cuộc sống ổn định hơn”. Theo VĐV quê Bình Định, ý thức trách nhiệm khi hợp tác với các nhãn hàng cũng giúp cô có thêm động lực để tập luyện và thi đấu, qua đó đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa.

Kinh doanh thương hiệu không quá đà

Ông Nguyễn Trọng Hổ, Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao II, Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết, việc VĐV đỉnh cao có thể kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân là tín hiệu tích cực và đáng mừng đối với thể thao Việt Nam. Với mức lương chỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống, VĐV giờ đây có “của ăn của để” cho tương lai sau này. Bên cạnh đó, họ cũng được tiếp thêm động lực để cố gắng tập luyện, nâng cao chuyên môn, qua đó làm tăng giá trị thương hiệu cá nhân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Hổ, cần thừa nhận rằng, sức hút môn thể thao vua ở Việt Nam rất lớn nên chỉ có giới cầu thủ mới “sống khoẻ” nhờ kinh doanh thương hiệu. Trong khi đó, số ít các VĐV đỉnh cao, phải là những người đặc biệt tài năng hay có tầm ảnh hưởng lớn, thì may ra mới được “để mắt”. Lãnh đạo của Tổng cục TDTT lưu ý, các VĐV cần cẩn trọng trong việc ký kết các hợp đồng bởi đã có trường hợp VĐV được trả quyền lợi không tương xứng, hay thậm chí còn không được trả quyền lợi.

“Trên thực tế, một số VĐV trước đó từng bị lợi dụng danh tiếng để quảng bá sản phẩm cho các nhãn hàng. Họ được hứa suông thông qua các bản hợp đồng “miệng”, xong việc thì bị “phủi tay”. Không biết đòi ai, các VĐV đành phải “ngậm đắng nuốt cay” trong lòng. Một số khác “đổi” lấy suất tài trợ ra nước ngoài thi đấu, trang phục thi đấu, ngoài ra không có thêm khoản nào khác. Ở nước ngoài, thường có các công ty luật chuyên tư vấn về vấn đề này. Các bản hợp đồng của họ có điều lệ, điều kiện ràng buộc chặt chẽ. Nhưng ở Việt Nam chưa có công ty nào như vậy, nên VĐV dễ bị lợi dụng hình ảnh. Riêng giới cầu thủ thì ít gặp vấn đề này bởi họ có người đại diện, CLB chủ quản đứng sau”, ông Hổ chia sẻ.

Lãnh đạo của Tổng cục TDTT nhấn mạnh, dù liên quan đến bất kỳ vấn đề gì, đối với các VĐV hay cầu thủ, chuyên môn vẫn là quan trọng nhất. Họ phải duy trì sự cân bằng giữa chuyên môn và các yếu tố bên ngoài, đặt việc tập luyện và thi đấu lên hàng đầu, không quá sa đà vào làm hình ảnh mà suy giảm phong độ.

Nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Oanh được mời làm Đại sứ thương hiệu cho một nhãn hàng thể thao khá nổi tiếng của Mỹ tại Việt Nam, sau thành tích đoạt 3 tấm HCV danh giá tại SEA Games 30. Trước đó, một số VĐV nổi tiếng như kình ngư Ánh Viên hay tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh cũng có những hợp đồng quảng cáo đáng chú ý. Ngoài ra, dựa vào thương hiệu cá nhân, một số VĐV còn kinh doanh phòng tập, huấn luyện thể thao như VĐV TDDC Phạm Phước Hưng, nhà vô địch boxing châu Á Trần Văn Thảo, nhà vô địch SEA Games Trương Đình Hoàng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...