Vào nơi học sinh ăn cơm chan...nước suối

Vào nơi học sinh ăn cơm chan...nước suối
TP - Tam Hợp, một trong 5 xã chưa có điện của huyện Tương Dương (Nghệ An), đường khó đi “như đường lên cổng trời”. Nơi thâm sơn cùng cốc, nhiều em học sinh người Mông, người Poọng ăn cơm chan…nước suối, nước lã; Học bài dưới ánh đèn pin.

Bật khóc giữa lòng hồ

Mưa giăng kín mặt sông. Ngược dòng Nậm Nơn, lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mùa này rất nguy hiểm.

Sáng sớm thức dậy, tôi rủ Mạc Nguyên Bí thư Huyện Đoàn Tương Dương vào xã Hữu Khuông thăm thầy cô “cắm bản”, nhưng lên đến Yên Na bỗng khựng lại.

Từ núi, lũ lao ra. Đất đá ven đường rơi tung tóe, chắn lối đi. “Mưa to quá!”, Mạc Nguyên nói, nhìn ra mặt sông thức giấc. Mực nước lòng hồ lên nhanh. Thủy điện bản Vẽ phải mở cửa xả lũ số 1. Hơi nước bốc lên nghi ngút, thung lũng mù sương.

“Hằng ngày, cháu vẫn ăn như vậy à?”. “Dạ!”. “Có hay được ăn thịt không?”. “Thỉnh thoảng thôi chú à! Thỉnh thoảng mẹ mới cho tiền mua thịt!”. “Cá dưới suối nhiều lắm, không bắt được à?”. “Không bắt được! Cháu là con gái, không bắt được cá!”. “Bữa ăn có rau không?”. “Rau mẹ trồng trên rẫy”. Tôi hỏi, cô bé đáp, giọng lạc đi giữa rừng chiều gió hú.

Dẫn đầu đoàn cán bộ huyện Tương Dương vào Hữu Khuông kiểm tra giáo dục, tuần trước, Phó chủ tịch huyện Vi Tân Hợi suýt bị đắm thuyền trên sông Nậm Nơn. “Trong một buổi chiều, chúng tôi gặp hai trận lốc xoáy, hút chết!”, anh Vi Hợi kể.

Từ thị trấn Hòa Bình vào các xã rẻo cao Hữu Khuông, Luân Mai, Mai Sơn, phương tiện duy nhất là thuyền. Lòng sông, lòng hồ mênh mông nước, khung cảnh êm đềm thơ mộng nhưng đầy ẩn họa.

“Chiều muộn, chúng tôi lên thuyền xuôi dòng. Vừa rời Hữu Khuông, bất ngờ gặp trận lốc xoáy tràn qua, thuyền chòng chành nhưng sợ trời tối nên vẫn phải đi tiếp”, anh Hợi kể.

Cách đập thủy điện Bản Vẽ khoảng 2km, một trận lốc khác mạnh hơn tấn công. Gió giật cấp 7, cấp 8, mưa như trút. Xung quanh bầu trời đen kịt, tối như bưng. Chiếc thuyền dài 10m, rộng 1m loay hoay giữa vùng gió xoáy. Một cô giáo sợ quá, khóc toáng lên.

Trưởng đoàn Vi Tân Hợi lệnh cho anh em cởi hết quần áo, mặc áo phao, chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất.

“Nếu thuyền bị đắm, anh em phải dìu nhau vào bờ, riêng cô giáo phải có 2 người kèm hai bên”, Hợi ra lệnh.

Gió quất liên hồi. Bác lái thuyền Lương Văn Thắng (50 tuổi, quê ở xã Mỹ Lý, huyện Tương Dương) từng 25 năm vượt dòng Nậm Nơn, là người lão luyện kinh nghiệm sông nước, bật khóc.

“Khúc sông, cũng là lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, rộng chừng 100m nhưng lúc mưa to gió lớn, trời đen kịt khiến bác Lương Văn Thắng không thể xác định được hướng đi, tắt máy dừng lại thì thuyền sẽ lật!”, anh Hợi nói.

Sau gần 30 phút cầm cự, ghé sát được gần bờ nhưng mọi người không thể rời thuyền vì đá lởm chởm, nước sâu. Giữa lúc mưa gió vần vũ, bác Thắng ướt sũng nước, vẫn bám chặt tay lái điều khiển con thuyền thoát ra khỏi vùng xoáy.

Cơm chan nước suối

Đường vào bản Xốp Nậm (xã Tam Hợp) quanh co khúc khuỷu, bên vực bên núi. Trên con đường này, các thầy cô “cắm bản” vùng sâu ngày đêm “đèo” chữ lên miền rẻo cao.

Có đường cho ô tô, xe máy vào bản trung tâm xã nhưng đi trên đường ấy còn cực khổ hơn đi bộ. “Mùa nắng, xe chở gỗ quần nát đường núi, bụi mù mịt. Mưa xuống, bùn đất lầy lội, chỉ 17km nhưng có khi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi!”, Bí thư Huyện đoàn Tương Dương Mạc Nguyên nói.

Vào nơi học sinh ăn cơm chan...nước suối ảnh 1
Bếp nấu ăn của các em HS bán trú Tam Hợp dựng bên bờ suối Ảnh: Quang Long.

Ba giờ chiều, tôi cùng Mạc Nguyên và Lê Hồng Thái (Phó Bí thư Huyện đoàn) lên xe, rời thị trấn Hòa Bình vào Xốp Nậm.

Trời đổ mưa, xe phải bò từng đoạn, lúc lơ lửng chín tầng mây, lúc đổ đèo sâu hun hút. Đang men theo sườn núi bỗng giật mình, tiếng động ầm ầm như lũ quét, từ đâu con suối lao ra, nước réo sùng sục.

Rẻo cao Nghệ An, đường vào bản thường bị lũ chia cắt, có khi phải nằm lại trong rừng hai ba ngày mới ra được thị trấn.

Tỉnh Đoàn Nghệ An trích từ nguồn quỹ “Biên giới hải đảo”, ủng hộ xã Tam Hợp trên 100 triệu đồng xây nhà bán trú, giúp các em học sinh bản Huồi Sơn, Pà Lõm, bản Phồng có chỗ ăn nghỉ để theo học. Với sự trợ giúp của UBND huyện Tương Dương, công trình khánh thành, đưa vào sử dụng đầu năm học 2012.

Hơn hai tiếng đồng hồ đánh vật với đường núi quanh co, 5h chiều, chúng tôi vào bản trung tâm Xốp Nậm. Bên bờ suối, dãy lều làm bằng nứa của các em học sinh bán trú liêu xiêu tựa vào nhau, run rẩy trong mưa.

Tôi khom người chui vào một túp lều, thấy cô bé học sinh đang lúi húi dọn cơm chiều. Một mình một nồi, chẳng có tý thức ăn, bé múc nước suối đổ thẳng vào xoong cơm, dùng thìa xúc ăn ngon lành.

Con suối nhỏ vắt ngang triền núi, bên này là trường học, bên kia là nhà bán trú của 90 em học sinh người Mông, người Poọng thuộc xã rẻo cao Tam Hợp.

Từng nhóm 5-7 em quây quần bên bữa cơm tối đạm bạc. Nhóm nào “sang”, bữa cơm có thêm ít canh bí, hầu hết các em phải ăn cơm chan với nước suối.

Xồng Bá Tếnh (SN 1997, lớp 9B) nói: “Từ nhỏ đến giờ, bố mẹ cho ăn cơm chan nước suối, quen rồi!”. Hàng ngày, các em mang can xuống suối múc nước về “đưa cơm vào miệng”, hoặc sang trường hứng nước lọc tại công trình nước sạch, nhưng vẫn là nước lã. Một số em biết đun nước sôi để ăn với cơm.

Một vài em học sinh nhỏ tuổi đã sớm biết quăng chài, bắt cá dọc suối về làm thức ăn. Đêm đêm, sau giờ học bài, từng nhóm rủ nhau đi săn cá mát. Cá mát miền Tây Nghệ An sống tự nhiên dọc khe suối, thịt mềm, ruột đắng.

Các cậu học sinh đội đèn pin lên đầu, ngụp xuống soi cá. Khi phát hiện thấy đàn cá, lập tức dùng nỏ tự chế bắn tỉa, tài thiện xạ của “rái cá” bản địa bắn phát nào trúng phát nấy, có những phát đạn cực mạnh khiến cá đứt lìa thân.

“Đèn pin đưa xuống nước vẫn sáng được à?”, tôi hỏi Xồng Bá Tếnh. “Sáng được! Xong về lau khô, mang ra học bài!”, Tếnh đáp.

Vào nơi học sinh ăn cơm chan...nước suối ảnh 2
Không có bàn học, HS rẻo cao nằm rạp trên giường học bài.

Xồng Y Rê, học sinh lớp 7 Trường PTCS Tam Hợp (học sinh cấp 1, cấp 2 cùng học chung một trường) kể: “Gia đình cháu có 9 người, nghèo lắm, cái chi cũng không có. Cả năm chẳng mấy khi được ăn thịt. Cá thì ở dưới suối, cháu không bắt được!”.

So với các bạn cùng lớp, Xồng Y Rê thuộc diện nghèo nhất, nghèo đến nỗi “áo quần của cháu chỉ có vài bộ để thay. Đến Tết, mẹ mới mua áo mới”.

Vào nơi học sinh ăn cơm chan...nước suối ảnh 3
Nhà bếp của các học sinh bán trú.

Rê vừa xong bữa cơm chiều. Túp lều bên cạnh, tôi thấy hai tốp học sinh đang quây quần bên nồi cơm. Tốp 5 người, có nồi bí đỏ, món ăn thường trực của những học sinh “khá giả” bản Huồi Sơn. Bên cạnh là ba em học sinh đang dùng thìa múc cơm chan nước lã.

“Sao các cháu không bỏ muối vào, cho dễ ăn?”, tôi hỏi. “Bọn cháu ăn rứa, quen rồi!”, Lầu Y Lỳ, học sinh lớp 9 bảo. Các học sinh vừa ăn vừa đùa nghịch, vui cười hồn nhiên.

Tìm chữ dưới ánh đèn pin

Không có điện. Tối như bưng. Ánh sáng bập bùng từ bếp lửa soi tỏ những khuôn mặt sạm đen, hao gầy. Ngày mai, thứ Bảy, một số học sinh bản Huồi Sơn, Phà Lõm, bản Văng Môn chuẩn bị hành trang về với gia đình.

Đều đặn mỗi tuần một lần, các em băng rừng rời bản trung tâm về nhà, lúc trở lại trường trên lưng địu một bao gạo, quả bí đỏ, mớ rau xanh.

“Mỗi tuần, cha mẹ cho các cháu mỗi người 4-5 kg gạo, ăn hết lại về lấy!”, Sồng Y Dìa (SN 1998) nói.

Đường về nhà, xa nhất là Phà Lõm, các em học sinh nhỏ tuổi phải đi bộ vượt qua chặng đường 24km cả đi lẫn về, vượt núi cao và vực sâu. Bản Huồi Sơn cách Xốp Mạt khoảng 9km đường rừng.

Vượt lên thiếu thốn, cực khổ, các em học sinh người Mông, người Poọng tại xã Tam Hợp đi tìm cái chữ. Giữa căn nhà bán trú đơn sơ, chật hẹp, không bàn không ghế, từng nhóm nhỏ chụm đầu học bài dưới ánh đèn pin.

Có em nằm rạp trên tấm liếp, soi đèn pin cặm cụi học bài. Có em kẹp đèn pin vào cổ, soi từng con chữ. Ánh đèn yếu ớt, chỉ đủ để rọi vào trang sách.

Nhiều học sinh hàng ngày ăn cơm với nước lã, nước suối do phần bắt nguồn từ thói quen, phong tục tập quán của người Mông.

Nhưng thực tế là bữa cơm hàng ngày của học sinh bán trú tại Trường PTCS Tam Hợp (Tương Dương) hiện đang rất nhiều thiếu thốn...

Quang Long

Tương phản giàu nghèo

Hình ảnh các em học sinh nội trú ở xã Tam Hợp, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An, nằm nép mình trên tấm liếp, trong căn nhà nội trú đơn sơ giữa rừng, kẹp đèn pin vào cổ để học bài vì không có điện;

cảnh các em ngồi bệt trong những túp lều dột nát - nơi được gọi là bếp - chan nước suối vào... cơm để ăn, sao thấy đắng ngắt trong lòng ! Vẫn biết, việc nhiều học sinh hàng ngày ăn cơm với nước lã, nước suối, ngoài phần là thói quen, phong tục ra, thì một thực tế là bữa cơm của các em hiện rất thiếu thốn.

Càng thấy xót xa hơn khi chứng kiến những lớp học VIP trường công ở Hà Nội, sàn gỗ bóng loáng, rèm cửa, điều hòa mát rượi, sang trọng.

Báo chí phản ánh, quỹ phụ huynh đầu năm của một lớp tiểu học lên tới 300 triệu đồng. Chỉ riêng số tiền của một lớp VIP này thôi đã gấp 3 lần số tiền xây dựng cả ngôi trường nội trú ở Tam Hợp, do Tỉnh đoàn Nghệ An ủng hộ.

Đó là những hình ảnh tương phản nhói lòng, giữa giàu sang với nghèo khổ, giữa thừa thãi và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Công bố của Tổng cục Thống kê về kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư năm 2011 cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại VN lên tới 9,2 lần.

Theo số liệu thống kê, hệ số chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% cao nhất so với nhóm 20% thấp nhất trong cả nước năm 1990 là 4,1 lần, đến năm 1996 đã tăng lên 7,3 lần, năm 2002 là 8,1 lần và năm 2004 đã là 8,4 lần. Như vậy có nghĩa là, sự bình đẳng đang giảm dần, sự bất bình đẳng đang lớn lên.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam đang chuyển dần từ mức tương đối bình đẳng (năm 2002) sang mức chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa các nhóm dân cư.

Vẫn biết, sự phân hóa giàu nghèo là khó tránh khỏi trong xã hội, nhất là trong nền kinh tế thị trường.

Những năm qua Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể đã rất quan tâm tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, và đạt được nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Song khoảng cách giàu – nghèo vẫn đang có chiều hướng doãng ra, những nghịch cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” vẫn diễn ra đâu đó quanh ta.

Ước mong sao, bản làng heo hút ở Tam Hợp kia rồi sẽ có điện để các em nhỏ khỏi phải học bài bằng đèn pin giữa lúc bụng đói cồn cào vì bữa ăn thiếu chất.

Nếu cỗ cưới của gia đình các vị quan chức bớt đi vài mâm, nếu họp hành, hội nghị bớt đi dăm bảy cái phong bì, vài lẵng hoa tươi, chắc bữa cơm của các em nhỏ miền núi Tương Dương hẳn sẽ có thịt thay cho nước suối.

Nếu giảm được, dù là phần nhỏ thôi, cái quốc nạn tham nhũng, lãng phí đang hoành hành, hẳn ngân quỹ phúc lợi của quốc gia sẽ đầy hơn rất nhiều.

Và khi đó chắc chắn rằng, những túp lều tranh tồi tàn hun hút gió kia – cái gọi là bếp ăn của học sinh nội trú Tam Hợp – và những điều nghèo khổ tương tự trên mọi miền đất nước này sẽ vĩnh viễn biến mất.

Sự tương phản giàu – nghèo như kiểu ngôi trường phổ thông nội trú Tam Hợp với “lớp VIP trường công” ở Hà Nội cũng sẽ bị xóa sổ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG