Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận phải bảo lãnh khoản vay 500 tỷ

TPO - Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận bảo lãnh cho Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh Trang sức PNJ vay 400 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Thời trang CAO vay 100 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, phát hành L/C.

Tuần này, có 15 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 11 công ty trả cổ tức bằng tiền, 4 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu.

PNJ bảo lãnh vay 500 tỷ

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) thông qua việc bảo lãnh cho 2 công ty con vay vốn ngân hàng. Cụ thể, PNJ bảo lãnh cho Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh Trang sức PNJ vay 400 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Thời trang CAO vay 100 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, phát hành L/C.

Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận phải bảo lãnh khoản vay 500 tỷ ảnh 1

PNJ bảo lãnh cho 2 công ty con vay 500 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/9, PNJ có 3 công ty con và đều nắm 100% vốn điều lệ. Trong đó, Công ty TNHH MTV Thời trang CAO được thành lập vào năm 2009, Công ty TNHH MTV Chế tác và kinh doanh trang sức PNJ thành lập vào năm 2018.

Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality - mã chứng khoán: VNG) vừa phát hành riêng lẻ 5.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu để vay trái chủ 500 tỷ đồng trong 3 năm, đáo hạn ngày 25/11/2027.

TTC Hospitality mang 2 khách sạn ra để thế chấp, gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tất cả quyền tài sản liên quan đến khách sạn TTC Hotel Premium Cần Thơ và khách sạn Michelia. Ngoài ra, trái phiếu còn được đảm bảo bằng toàn bộ phần vốn góp vào VNG.

Giá trị của khách sạn TTC Hotel Premium Cần Thơ do Công ty CP Thẩm định giá Thế kỷ cung cấp vào khoảng 658 tỷ đồng còn khách sạn Michelia trị giá khoảng 341 tỷ đồng. Hai khách sạn này cũng từng là một phần tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trước của VNG vào cuối năm 2022 có giá lần lượt là 576 tỷ đồng và 254 tỷ đồng.

Lãi suất trái phiếu là 10,98%/năm trong năm đầu tiên. Các kỳ sau thả nổi cộng biên độ 5,78%. Lô trái phiếu này do Công ty Chứng khoán Kỹ Thương thu xếp, được Công ty Đầu tư Thành Thành Công - đơn vị nắm 30,36% vốn điều lệ VNG bảo lãnh thanh toán vô điều kiện và không hủy ngang.

Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận phải bảo lãnh khoản vay 500 tỷ ảnh 2

Khách sạn TTC Hotel Premium Cần Thơ được thế chấp để phát hành trái phiếu.

Số tiền thu về, TTC Hospitality dùng để thanh toán phần gốc của lô trái phiếu VNG chào bán ra công chúng hồi đầu năm 2022 với giá trị đúng bằng 500 tỷ đồng, đáo hạn vào đầu tháng 1/2025.

Phú Thọ Tourist nợ thuế quá hạn

Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (Phú Thọ Tourist - mã chứng khoán: DSP) nhận được 12 quyết định của Chi cục Thuế quận 11 (TPHCM) về việc cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản. Số tiền bị cưỡng chế hơn 3,4 tỷ đồng, do nợ thuế quá hạn. Chi cục Thuế quận 11 đã gửi các quyết định trên đến các ngân hàng nơi Phú Thọ Tourist có tài khoản như Sacombank, Vietcombank, VPBank… để yêu cầu trích tiền từ tài khoản.

Trước đó vào ngày 24/7, Cục Thuế TPHCM đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với Phú Thọ Tourist vì nợ thuế quá hạn. Số tiền bị cưỡng chế hơn 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty được tiếp tục sử dụng hóa đơn do đã chấp hành nộp số tiền thuế nợ, theo quyết định ngày 17/10 của Cục Thuế TPHCM.

Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận phải bảo lãnh khoản vay 500 tỷ ảnh 3

Phú Thọ Tourist quản lý và điều hành 4 đơn vị kinh doanh, trong đó có Công viên văn hóa Đầm Sen (Đầm Sen khô).

Phú Thọ Tourist quản lý và điều hành 4 đơn vị kinh doanh, gồm Công viên văn hóa Đầm Sen (Đầm Sen khô), cụm khách sạn Ngọc Lan - Phú Thọ, Trung tâm Dịch vụ Du lịch Đầm Sen và Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát. Công ty cũng tham gia liên kết tại Đầm Sen Nước và đầu tư tài chính vào 2 khách sạn gồm Sài Gòn - Đà Lạt (Lâm Đồng) và Sài Gòn - Đông Hà (Quảng Trị).

Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) sẽ nhận chuyển nhượng 99,96% vốn điều lệ tại Công ty CP Bất động sản Thủy Sinh từ công ty con là Công ty CP Vi La với tổng giá trị 599,8 tỷ đồng. Nếu hoàn tất thương vụ trên, Thủy Sinh sẽ trở thành công ty con trực tiếp của Khang Điền.

Bất động sản Thủy Sinh được biết đến là chủ đầu tư của dự án Thủy Sinh - Phú Hữu (tên thương mại The Classia Khang Điền, tên cũ Thành phố Xanh). Dự án có quy mô 4,3 ha, nằm ở mặt tiền đường Võ Chí Công (phường Hữu Phú, TP Thủ Đức). Để có vốn cho dự án, năm 2022, Khang Điền phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu rót vào công ty con này.

Công ty CP Bất động sản Thủy Sinh được thành lập ngày 30/5/2013, trụ sở chính đặt tại phòng 1B lầu 12, SaiGon Centre (67 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM). Năm 2020, Khang Điền đã thông qua việc Vi La góp 360 tỷ đồng vào Thủy Sinh để tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng và được giữ nguyên đến nay.

Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận phải bảo lãnh khoản vay 500 tỷ ảnh 4

Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền nhận chuyển nhượng Công ty CP Bất động sản Thủy Sinh.

Hiện, ông Phạm Hồng Phú là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Thủy Sinh. Ông Phú còn là đại diện pháp luật của nhiều công ty con khác của Khang Điền, như Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Saphire, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nam Phú, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Gia Phước.

Công ty CP FPT (mã chứng khoán: FPT) thông báo ngày 3/12 sẽ chốt danh sách tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ 10%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phần nhận về 1.000 đồng. Với hơn 1,46 triệu cổ phiếu đang lưu hành, FPT sẽ chi hơn 1.460 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán: BSH) thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền vào ngày 2/12. Với 18 triệu cổ phiếu đang lưu hành cùng tỷ lệ thực hiện 10%, BSH cần chi 18 tỷ đồng để hoàn tất đợt chi trả này. BSH là công ty con của Sabeco với tỷ lệ sở hữu gần 53,6% vốn. Như vậy, Sabeco sẽ nhận về gần 10 tỷ đồng từ BSH.

MỚI - NÓNG