Yêu nhau trong cõi "vô thanh"
Trên đường tìm đến mái nhà của đôi vợ chồng câm, điếc Bùi Trọng Lý (36 tuổi) và Nguyễn Thị Hải Lý (35 tuổi) nằm cuối con hẻm sâu hun hút ở khóm 3A thị trấn Khe Sanh, huyện rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị), tôi cứ lẩn thẩn với ý nghĩ vợ lẫn chồng đều câm, điếc thế này chắc cuộc sống buồn tẻ lắm. Làm sao có được hạnh phúc viên mãn lúc vợ chồng có khi giận hờn không thể nói, gọi nhau không thể nghe? Làm sao có thể mưu sinh khi cả hai vợ chồng mỗi lúc giao tiếp chỉ có những ú ớ nơi cổ họng?... Anh chàng Lý dáng cao cao ngăm đen chắc chắn, khuôn mặt sáng cùng nụ cười dễ mến thân gần xuất hiện trước mặt tôi.
Tôi rút bút viết mấy dòng ra giấy, Lý nhìn tờ giấy lắc đầu rồi ra ký hiệu muốn hỏi gì thì cứ nói với mẹ anh, bà Hồ Thị Thố, sẽ làm “thông dịch viên đặc biệt” cuộc trò chuyện này. Và rồi, bằng ký hiệu đôi tay của Lý, bà Thố giải thích với tôi rằng, không phải vợ chồng khuyết tật Bùi Trọng Lý-Nguyễn Thị Hải Lý gán ghép cuộc đời tạm bợ với nhau mà thực sự yêu thương nhau, muốn cùng nhau viết tiếp cuộc đời mình trong hạnh phúc như bao người không khuyết tật khác.
Như thể duyên trời định về đôi uyên ương Lý-Lý này. Giữa năm 2016, cùng người anh kết nghĩa trong khóm 3A lên thôn Tân Hòa, xã Tân Liên, Hướng Hóa xây nhà, chàng thợ nề Bùi Trọng Lý gặp, rồi như bị hút hồn bởi cô gái xinh đẹp, dịu dàng Nguyễn Thị Hải Lý. Vậy là, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chàng Lý lại ghé vào cắt tóc, gội đầu nơi nàng Lý là chủ quán mưu sinh ở đầu thôn. Lúc đã phần nào hiểu nhau qua ánh mắt, nụ cười, chàng Lý quyết định tỏ tình. Song, ngặt nỗi cả hai đều bị câm, điếc nên cách duy nhất để tỏ tình là… nhắn tin qua điện thoại. Lại khổ nữa, chàng Lý mù chữ phần bị câm điếc bẩm sinh, phần gia cảnh khó khăn nên không có điều kiện theo lớp học dành cho người khuyết tật. Và trong khó, ló cái khôn!
Bà Thố tiếp chuyện. “Im im vậy đó, rồi tự dưng tuần mô tui cũng thấy thằng Lý lấy xe chạy lên Tân Hòa. Một hôm, thấy con trai về nhà với vẻ mặt buồn buồn. Hỏi mãi, hắn mới ra hiệu với tui là muốn học chữ. Tui phải kiên nhẫn giải thích cho con trai là không thể học chữ trong thời gian ngắn được. Nếu có gì thì mạ sẽ giúp. Sau một ngày đắn đo suy nghĩ, thằng Lý ngượng ngùng nói với mạ rằng, hắn muốn nhắn dòng tin “Lý muốn được sống trọn đời cùng em…” để gửi đến người con gái nó thương thầm, nhớ trộm. Vậy là tui nhắn tin giúp con trai… Rồi mạ con tui cứ hồi hộp chờ đợi… Đến lúc thằng Lý khoe với tui dòng tin nhắn mà người yêu nó phản hồi, trong bụng tui vui lẫn buồn nhưng chẳng dám nói ra. Buồn là tui nghĩ tới viễn cảnh về một ngôi nhà im bặt, về sau này sinh con, vợ chồng con trai tui không nghe được tiếng gọi ba mẹ của con làm lòng tui thắt lại. Tui nói với Lý, con thích thì dẫn về thăm nhà rồi mạ sẽ tính chuyện cưới xin. Phải mấy tháng sau con trai tui mới dẫn người yêu về ra mắt gia đình”.
Lý bày tỏ rằng, lúc về chung sống với nhau dưới một mái nhà, vợ anh nhiều lần tâm sự là chị thương anh bởi tính thật thà. Hôm nhận được tin nhắn tỏ tình của anh Lý, chị Lý chỉ nghĩ là nhận lời yêu anh để động viên anh vươn lên trong cuộc sống, chứ không dám nghĩ đến chuyện xây dựng hạnh phúc gia đình cùng anh vì sợ gia đình anh không chấp nhận. Sợ lời ra tiếng vào của chòm xóm láng giềng. Và hơn hết là nỗi mặc cảm bản thân đã đẩy ước mơ về mái ấm gia đình của chị vời vợi ngái xa. Cho đến lúc anh kiên quyết nắm chặt lấy tay để dẫn chị về nhà. Chị mới tin giấc mơ là có thật.
Thế rồi, đám cưới của đôi uyên ương câm, điếc Lý-Lý rộn rã cả khóm 3A và thôn Tân Hòa. Đó là ngày 9/12/2016. Nhiều người đến chúc phúc cô dâu, chú rể … “chẳng nói chẳng rằng” này. Rồi vợ Lý mang bầu. Chồng Lý sướng run người. Bà Thố mẹ Lý biết tin, vui mừng thông báo cho cả nhà, song trong lòng thì canh cánh nỗi lo. Lo đứa cháu nội ra đời không nghe, không nói như ba mẹ nó.
Ngồi với tôi, bà Thố bảo, cách đây hơn 1 tháng, vợ Lý sinh một bé trai kháu khỉnh. Hôm đưa con dâu vào bệnh viện “vượt cạn”, nỗi lo lắng như bóp nghẹt trái tim bà… Đến lúc đứa trẻ ra đời, nghe tiếng khóc ré lên của cháu mình, bà Thố mừng trào nước mắt… Đứa con mang tên Bùi Nguyễn Thành Gia, ý nói lên ước vọng của vợ chồng Lý-Lý muốn gửi gắm đến những người khuyết tật dám đứng lên đi tìm hạnh phúc cho của riêng mình.
Dưới mái nhà nồng ấm“Vợ chồng tôi sẽ cố gắng hơn người bình thường để lo cho con trai. Con tôi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi vì ba mẹ không nói không nghe được, nên tôi sẽ làm mọi cách để bù đắp cho con và cũng không để thành gánh nặng cho ai. Vợ chồng tôi còn đôi tay, còn sức khỏe sẽ dám đương đầu với sóng gió cuộc đời”
Lý nói
Hỏi về cuộc sống của đôi vợ chồng Lý-Lý, bà Thố bảo: “Biết con trai, con dâu bị khuyết tật nên vợ chồng tui luôn là “bạn thân” của hai con. Lúc mô vợ chồng thằng Lý có chút khúc mắc là vợ chồng tui làm trung tâm hòa giải. Thằng Lý lớn tuổi rứa chứ còn ngây thơ, nỏ biết chiều vợ nên tui phải làm tư vấn viên thường xuyên giảng hòa mỗi khi chúng cãi nhau. Cả những chuyện nhỏ như tối ngủ nó không chịu ôm vợ, con dâu cũng kể với tui. Nghe vừa ngại, vừa buồn cười nhưng lại thấy thương con trai, con dâu mình. Hai đứa cũng có những khát khao yêu thương như bao người mà không diễn đạt được. Nếu mình không lắng nghe và không chia sẻ thì cả hai lại càng tủi thân và ức chế, làm cuộc sống thêm bức bối.
Tôi nhờ bà Thố hỏi Lý, đại loại như “ước vọng cho tương lai của tổ ấm vô thanh”. Anh Lý nói với tôi bằng “ngôn ngữ ký hiệu bàn tay”, qua phiên dịch của bà Thố, là bây giờ anh chưa có nghề nghiệp, thu nhập ổn định và đang làm công nhật cho nhiều cánh thợ nề khi nào họ cần. Còn chị Lý đang nghỉ sinh con, sau đó sẽ tiếp tục làm nghề cắt tóc, gội đầu ở quê ngoại Tân Hòa.