Văn nhân và doanh nhân

Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức
Nghĩa sâu xa của chữ “văn nhân” thì không cứ phải là đám nhà văn hay những nghệ sĩ biết cầm bút. Bởi theo kiệt tác kinh điển của tiếng Việt “Đoạn trường tân thanh” có một cảnh tả hai chị em Thúy Kiều Thúy Vân đi chơi xuân, hình như để tìm kiếm hôn nhân, bỗng may mắn phát hiện. 

“Trông chừng thấy một văn nhân. Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng. Đề huề lưng túi gió trăng…”. Đại loại đó là “soái ca” Kim Trọng, một người chưa từng là hội viên của bất cứ hội văn nghệ nào. Còn “doanh nhân” là chữ sang trọng nghiêm ngắn nhằm chỉ một thương gia, nôm na dân gian gọi là nhà buôn. Và có một điều khá lạ, trong lịch sử phong kiến rất đỗi tự hào của người Việt kéo dài cả nghìn năm, luôn trùng trùng điệp điệp hiện diện các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa lỗi lạc. Vậy mà không hiểu sao, trong một phong khí thăng hoa đỉnh cao, người Việt tuyệt không có các nhà kinh tế lớn. Có thể nói, các thương gia Việt thành danh hầu như đã vắng mặt. Kể cả cho đến ngày nay, trên muôn vàn các con phố ở các đô thị hay các trung tâm kinh tế đang hoành tráng phát triển, gần như tuyệt tích những biển phố vinh danh tên tuổi của các thương nhân. Hiếm hoi lắm gần đây ở Hà Nội, mới có phố mang tên doanh nhân Trịnh Văn Bô.

Văn nhân và doanh nhân ảnh 1 Minh họa: Đỗ đỨC

Để làm rõ sự bất cập này, đành phải miễn cưỡng tạm so sánh thương gia với văn chương nghệ thuật. Theo vài nguồn sử liệu cổ kính, thì nghề văn và nghề buôn đều đã có từ lâu đời. “Văn” hình như dùng để nuôi dưỡng thăng hoa phần hồn. “Buôn” hình như dùng để giữ gìn thăng bằng phần xác. Cái nào cũng là hay, cái nào cũng là quý. Tuy nhà văn và nhà buôn không phải là hai khái niệm đối kháng nhưng không hiểu sao chúng ít khi được xếp liền nhau. Ở châu Á lúc chế độ phong kiến đang thịnh vượng, có rất đông những người tử tế mang thói quen trọng nam khinh nữ, trọng chữ khinh tiền thì nghề văn và nghề buôn bị phân biệt lắm. Đám nhà văn tuy nghèo rớt mồng tơi nhưng sống cao đạo trong trắng, tuyệt chẳng có ai vì tiền bán mình. Ở sâu xa trong từng văn nhân bụng đầy chữ, họ thường coi đám thương nhân thiếu chữ là bọn trọc phú hợm hĩnh. Trong “tóp bốn” thang bậc xã hội Sĩ, Nông, Công, Thương thì nhà văn thuộc nhóm “sĩ”, xếp đầu. Còn nhà buôn thuộc nhóm “thương”, xếp bét. Có lẽ do cái thành kiến lạc hậu này (cùng nhiều lý do thối nát khác nữa) mà chế độ phong kiến ở nhiều nước bị đổ nhào. Và tại những cuộc cách mạng long giời lở đất đó, trong đám người hăng hái đi tiên phong, luôn thấp thoáng nhiều bóng doanh nhân. Không phải ngẫu nhiên mà tới hôm nay, trong bảng “phong thần” theo quan điểm xã hội học ở nhiều nước tiên tiến, thì thương gia luôn được xếp lên đầu. Có điều, hình như trong thăm thẳm vô thức Việt, đã tồn tại một thói quen “trọng nông ức thương”. Có phải vậy chăng mà nước Việt từ xưa đến nay, chưa bao giờ được gọi là một nước giàu kể cả theo một nghĩa tương đối hẹp, đấy là được ăn ngon được mặc đẹp.

Một quốc gia muốn giầu mạnh, đương nhiên phải có một đội ngũ doanh nhân hùng hậu biết sở hữu những thương hiệu có uy tín. Nói chung, một thương hiệu, nhất là của tư nhân muốn bền bỉ chính danh, luôn phải gắn với một tên tuổi của một doanh nhân đàng hoàng nào đó. Nhân cách của thương nhân sẽ khẳng định nhân cách của thương hiệu. Họ hoàn toàn không phải là cái kiểu người chỉ biết hùng hục kiếm tiền rồi nhân một ngày đẹp trời nhân văn đi làm từ thiện. Họ phải là những người có tâm có tầm, có một lòng nồng nàn yêu quê hương đất nước. Tuy họ có nhà cao xe đẹp nhưng luôn đau đáu mong những người xung quanh cũng sẽ được giống như họ. Và hơn hết, họ phải có nghĩa vụ tạo ra hình ảnh chính đáng về chính họ, một lớp thương gia sẽ là niềm tự hào của một dân tộc. Nhưng có điều buồn bã là cho tới tận ngày nay, có thể nói, vẫn hiếm hoi các thương gia Việt minh bạch thành danh. Cho dù tạp chí đương đại đầy uy tín Forbes liên tục điểm những tỉ phú đô la người Việt, thì trên thực tế thị trường trong nước và thế giới, thương hiệu đích thực của mấy “đại gia” này vẫn luôn chập chờn lúc ẩn lúc hiện.

Hình như vấn đề ở đây là cốt cách văn hóa. Một thương gia lớn bắt buộc phải sở hữu một tầm văn hóa cao. Tuyệt đối không phải là chuyện bằng cấp. Những thương gia lỗi lạc đương đại như Steve Jobs hay như Bill Gates là những tấm gương sáng. Ngày xưa, cũng chưa xưa lắm, khi người Pháp mới vào thực dân thì ở ta cũng đã manh nha xuất hiện những người hao hao như vậy. Họ là những nhà buôn thật danh thật sự giàu, thường được sách báo trân trọng gọi là tư sản dân tộc. Đó là những Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi hay Nguyễn Sơn Hà …chẳng hạn. Họ đại diện cho một thế hệ thương gia tương đối ưu tú, vừa đĩnh đạc sang trọng vừa luôn đồng hành với những bước đi của cả dân tộc. Việc thương gia Trịnh Văn Bô hiến hàng nghìn cây vàng ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp luôn là một câu chuyện cảm động. Tất nhiên, họ sở hữu một tài sản đáng kể vì biết cách giỏi giang đàng hoàng trung thực làm kinh tế. Và những “thật” thương gia biết sang biết giàu đẫm đầy văn hóa đấy, chính là một trong vài nguồn tạo nên nền tảng một tầng lớp tinh hoa, bay bướm chữ nghĩa thì gọi là quý nhân. Và chính những quý nhân này sẽ là động lực thúc đẩy cho xã hội thoát nghèo. Rồi thật đáng tiếc, do xô đẩy của những khách quan lịch sử, các thập kỷ tao loạn tiếp theo ở ta đã làm phôi pha mất dần những cái gọi là “quý nhân thương gia”.

Thực ra, nghệ thuật và tiền bạc hoàn toàn không phải là cặp phạm trù đối lập hay mâu thuẫn. Lịch sử văn nghệ của nhân loại cho biết, có khá đông văn nghệ sĩ được sinh ra trong nhung lụa, thậm chí có người yêu rồi lấy được vợ rất giàu. Gia đình của họ đa phần đều thành thạo buôn hay bán giỏi, có điều bọn họ tuy rất cố, nhưng vẫn không sao thành được nhà buôn. Trường hợp của văn hào vĩ đại người Séc gốc Do Thái Franz Kafka (1883-1924) là điển hình. Ông sinh trưởng trong một gia đình thuần túy bán buôn, có bố là thương gia thành đạt. Bố ông là người gia trưởng, từng nhiều lần bắt ông phải quản lý cửa hàng của nhà. Và chính ông đến lúc trưởng thành cũng từng làm chủ sở hữu cả một công ty lớn. Kỳ lạ hơn nữa, khi ông sống, hầu như không ai biết ông là nhà văn. Bởi đơn giản, ngoài vài truyện ngắn âm thầm xuất bản lúc sinh thời, chỉ sau khi ông mất thì người đời mới được đọc những kiệt tác của ông. Vậy mà ông chưa bao giờ thành được nhà buôn. Cuộc đời của Kafka cũng như cuộc đời của nhiều nhà văn ưu tú khác đã vô tình chứng minh một điều, nghề văn với nghề buôn là hai thứ chẳng dính dáng quái gì với nhau. Danh sĩ người Việt là Cao Bá Quát có bảo “người giàu văn chưa chắc đã dở, người cùng văn chưa chắc đã hay. Có điều, người cùng thì văn thường hay”. Chính vì lẽ “cùng”, nên thỉnh thoảng cũng có những nghệ sĩ lỗi lạc xuất thân từ nhà buôn, nhưng với điều kiện là nhà buôn đó phải đã cùng quẫn vỡ nợ phá sản. Có điều ở đây không có chỗ cho một nghịch lý đảo, tuyệt chưa có một nhà buôn lớn nào mà lại xuất xứ từ một nghệ sĩ thành danh.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, vị trí doanh nhân ở ta gần đây đã khác xưa vô cùng. Bởi đơn giản, cũng đã lâu lắm rồi đất nước mới lại có một chu trình ổn định và hòa bình dài lâu. Hiển nhiên văn hóa vẫn là đầu tàu, nhưng song song với nó, vai trò của các doanh nhân ái quốc tài cao học rộng là vô cùng lớn. Có lẽ trong một tương lai gần, bên cạnh những biển phố đã và đang vinh danh các nhà văn hóa Việt, hy vọng sẽ có những con đường mang tên các thương gia Việt. 

Ở sâu xa trong từng văn nhân bụng đầy chữ, họ thường coi đám thương nhân thiếu chữ là bọn trọc phú hợm hĩnh. Trong “tóp bốn” thang bậc xã hội Sĩ, Nông, Công, Thương thì nhà văn thuộc nhóm “sĩ”, xếp đầu. Còn nhà buôn thuộc nhóm “thương”, xếp bét.

MỚI - NÓNG