Philippe Papin ký tặng sách cho độc giả Hà Nội . Ảnh: Nhã Nam |
Lí do nào khiến anh quyết định viết “Lịch sử Hà Nội”?
Lịch sử Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là đề tài luận án tiến sĩ của tôi. Tôi dành bảy năm để hoàn thành luận án này. Sau đó tôi muốn chuyển sang viết về lịch sử thành phố Hà Nội nói chung, điều đó buộc tôi phải nghiên cứu nhiều tài liệu về các giai đoạn lịch sử khác.
Tôi sống ở Hà Nội nhiều năm và lấy vợ Việt Nam, có nhiều tình cảm với thành phố. Càng nghiên cứu tôi càng thấy lịch sử Hà Nội lôi cuốn, mang dấu ấn của nhiều thời kỳ khác nhau.
Là người nước ngoài, anh gặp khó khăn nào khi khám phá lịch sử một thành phố xa lạ?
Khó khăn đầu tiên và có thể nói duy nhất là tiếng Việt. Phần lớn các tài liệu bằng chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ, đòi hỏi nắm vững ngôn ngữ. Khó khăn thứ hai là có rất ít nguồn tư liệu lịch sử về Hà Nội, đặc biệt là trước thế kỷ 19.
Về cuộc sống hằng ngày của người Hà Nội trước thế kỷ 19 - hầu như không có tài liệu, hoặc có nhưng không chính xác. Vì thế lịch sử Hà Nội chủ yếu mang tính chính thống và hành chính chứ không phải là lịch sử kinh tế, xã hội và văn hóa.
Trong cuốn sách của mình, anh tham khảo những nguồn sử liệu nào? Tư liệu đó có được các chuyên gia uy tín Việt Nam và quốc tế thẩm định?
Ngoài chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư và hồi ký của người nước ngoài vào thế kỷ 17, tôi điều tra thực địa trong các đình, chùa... hay tìm hiểu gia phả của các gia đình. Ngoài ra, tôi dựa vào công trình nghiên cứu của một số nhà sử học và khảo cổ học Việt Nam.
Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tài liệu được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ số 1 (Cục Lưu trữ Việt Nam), đặc biệt là các phông tư liệu từ sau thế kỷ 19, trong đó có nhiều bản đồ và tài liệu gốc của các làng, phường thuộc Hà Nội.
Anh so sánh Hà Nội như nàng Calypso trong Thần thoại Hy Lạp, quyến rũ du khách bằng những mặt hồ lấp lánh. Bây giờ, anh còn giữ hình ảnh đó về Hà Nội?
Hà Nội thay đổi rất nhiều. Tôi không muốn đưa ra nhận định riêng về quá trình phát triển này. Với tư cách nhà sử học tôi chỉ tìm hiểu quá khứ, không thể đánh giá tương lai.
Người dịch sách sang tiếng Việt là Mạc Thu Hương vợ anh?
Vợ tôi được đào tạo về chuyên ngành dịch thuật tại Trung tâm biên phiên dịch (thuộc Học viện Quan hệ quốc tế), từng dịch nhiều sách ra tiếng Việt. Hơn nữa, tôi đề ra điều kiện người dịch phải là Hương, để có thể theo dõi quá trình dịch và cùng làm việc với dịch giả trong việc tìm tài liệu gốc.
Thực tế, có nhiều tài liệu và từ ngữ (như chức tước, đơn vị hành chính…) tôi dịch từ tiếng Việt hoặc chữ Hán ra tiếng Pháp, giờ đây phải lần ngược trở lại.
Philippe Papin sinh 1967, từng là thành viên Viện Viễn Đông Bác cổ, sống ở Hà Nội từ 1991-2004. Hiện là giáo sư trường Cao học Thực hành thuộc ĐH Sorbonne. Tác giả 15 cuốn sách và nhiều bài báo về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Lịch sử Hà Nội (Histoire de Hanoi) xuất bản ở Pháp trước khi phát hành tại Việt Nam, được đánh giá là có cái nhìn sâu lắng về Hà Nội, văn phong mềm mại. |