Vẫn khó quản tiền công đức

Vẫn khó quản tiền công đức
TP - Chuẩn bị cho thông tư về quản lý tiền công đức, hôm qua Bộ VH-TT&DL tổ chức hội thảo nội bộ do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì.

>Trộm 13 triệu đồng tiền công đức để chơi game
>Đền, chùa - hậu trường chuyện thu chi

Dù hội thảo chủ đề “Tăng cường nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng”, nhưng nội dung quan trọng nhất là giới thiệu thông tư về quản tiền công đức, lấy ý kiến địa phương. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trong phát biểu kết thúc nhấn mạnh: “Đây chỉ là hội thảo nội bộ, ngày 18-4 tiếp tục hội thảo tại TPHCM lấy ý kiến thêm, sau đó nghiên cứu tổ chức tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia”.

Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo phát biểu: “Rải tiền lẻ tràn lan gây phản cảm, lãng phí, phi văn hóa, nên quản lý tiền công đức là hết sức đúng đắn. Còn quản lý như thế nào phải bàn.

Nếu chỉ nói quản lý tiền công đức với riêng tôn giáo thì rất nhạy cảm, bởi vì tôn giáo có tiền công đức, họ sống chủ yếu bằng nguồn này. Bản thân trong tôn giáo cũng có quy định riêng về tiền công đức và sử dụng chúng. Phật giáo có câu: Của Phật lấy 1 đền 10. Nhưng các cơ sở tín ngưỡng khác không phải tôn giáo thì những người quản lý không chịu ràng buộc của giáo lí, giáo luật, nên một số có thể lạm dụng tiền công đức”.

Bộ nhân hội thảo này cung cấp tài liệu nội bộ, lấy ý kiến các địa phương nên phần nhiều chưa có ngay được giải pháp, đề xuất thiết thực trong quản lý tiền công đức. Ngược lại, hầu hết các địa phương đều nêu ra thực trạng khó quản lý tiền công đức ở địa phương, hoặc chia sẻ mô hình quản lý hiện hành ở địa phương. Đa số đại diện các Sở VH-TT&DL đều đồng tình, việc ra đời thông tư này góp phần tạo niềm tin cho nhân dân, loại bỏ những kẻ lợi dụng tiền công đức cho mục đích cá nhân.

Đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ chia sẻ mô hình quản lý: Khu di tích quốc gia Đền Hùng có Ban quản lý di tích, có Quỹ tu bổ Đền Hùng, được phép mở tài khoản riêng phục vụ cho tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Di tích lịch sử đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa) giao địa phương quản lý, thực hiện theo quy định tôn tạo, phát huy giá trị. Các di tích khác do UBND xã, phường trực tiếp quản lí, chỉ đạo các BQL di tích thực hiện.

Coi chuyện quản lý tiền công đức là nhạy cảm, nên nhiều năm nay Bộ VH-TT&DL chưa thể đưa ra văn bản Nhà nước quy định vấn đề này. Tuy thế, ông Huỳnh Vĩnh Ái nói thêm, cần phải nói rõ đối với tôn giáo, Nhà nước không quản lí trực tiếp, hay bắt buộc mà chỉ định hướng, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh, minh bạch tiền công đức và sử dụng tiền công đức. Bộ cũng nỗ lực để cuối năm có thể đưa ra văn bản này, cũng như quy hoạch lễ hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG