“Tôi thấy các anh chị em trong đấy nghe nhạc, giơ tay, hô hào các kiểu, có vẻ sướng lắm,” ca sĩ mô tả đúng khẩu khí bar sàn. “Một thứ âm nhạc tồn tại 50-60 năm tại sao mình không thể đưa ra sân vận động để 10-20 nghìn người cùng hát vang như những bài hit của các bạn trẻ bây giờ? Một thứ là di sản văn hóa của đất nước như thế đáng ra phải được trình diễn ở những nơi quy mô như vậy”. Dự định của Hà Lê còn xa hơn thế. Đó là mang nhạc Trịnh ra thế giới- điều nhiều khả năng sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới. Vì anh đã ký hợp đồng quản lý độc quyền 10 năm với Sony Music tại Việt Nam, từ 2016.
“Những cơ hội đi nước ngoài mình vẫn đang tìm kiếm từ bây giờ. Nhưng ngoài việc bài vở phải nhiều hơn, mình cũng phải đóng góp cho thị trường của mình đã. Thị trường trong nước lớn mạnh tự khắc kết nối với quốc tế thì cơ hội mình đi ra bên ngoài sẽ nhiều hơn. Tôi đang ở những chặng đầu tiên và cứ phải dần dần từng bước từ ao nhà ra biển lớn, chứ không thể nhảy cóc được”, anh cho hay.
Lý do album chỉ có 7 bài là quá trình phối khí mất quá nhiều thời gian với sự hợp sức của nhiều nghệ sĩ. Như bài chủ đề Ở trọ mất gần 6 tháng mới hoàn thành. Khởi đầu bao giờ cũng là công đoạn tìm hiểu lai lịch bài hát: được sáng tác ở đâu, tặng ai, trong hoàn cảnh nào... Từ đó sẽ quyết định không gian âm nhạc phù hợp. Chẳng hạn với Diễm xưa, Hà Lê phân tích: “Nếu mình có tình cảm đơn phương, ngày nào cũng đứng trên tầng hai nhìn cô gái đó đi học mà không được nói chuyện với người ta thì cảm xúc đấy nó phải mênh mang như vậy. Nỗi buồn bên trong bao giờ cũng sâu rộng hơn nỗi buồn thể hiện ra bên ngoài”…
Dù được xác định là buồn hay vui thì các bài trong album Ở trọ đều “rần rần” rất dễ khiến người nghe phải đụng đậy chân tay. Hà Lê muốn thông qua nhịp điệu kích hoạt sáng tạo cho các loại hình nghệ thuật phụ trợ khác từ vũ đạo, phục trang đến dàn dựng MV… Và chốt lại dự án nhạc Trịnh dài hơi này bằng một vở nhạc kịch.
Trong quá trình du học Kinh tế theo mong muốn gia đình tại Anh, Hà Lê học thêm một bằng về vũ đạo. Thực ra lúc đó anh đã muốn khởi nghiệp cầm ca rồi: “Hồi đấy tôi có cũng đi thử giọng cho các boyband suốt nhưng họ không nhận, bảo mày châu Á, lùn, xấu trai, giọng hát cũng chưa có gì đặc biệt, nghỉ đi! Sau mấy lần như thế, tôi nghĩ mình chưa có duyên hoặc thiếu cái gì đấy thì mình đi học nhảy trước, bởi lĩnh vực này cũng bớt cạnh tranh hơn”.
Hà Lê cũng có cơ hội lập nghiệp ở Anh. “Tôi đã có công ty làm chung cùng mấy người bạn, có nhiều kế hoạch mở trường, đi tour,” anh kể. “Nhưng lúc đấy cũng nhiều vấn đề, với tôi thấy Việt Nam cần nhiều người như tôi về để giúp anh em xây dựng cộng đồng cho tốt. Ta có rất nhiều tài năng nhưng thiếu môi trường và hướng phát triển để chuyên nghiệp hóa hoạt động biên đạo, vũ công thay vì chỉ dừng lại ở thú chơi”. Về nước năm 2007, khẳng định xong vai trò biên đạo tiên phong, Hà Lê bắt đầu lấn sân sang ca nhạc. Rõ ràng đây là lựa chọn sáng suốt, thay vì việc là một trong vô vàn vũ công ở London thì anh trở thành của hiếm ở Việt Nam khi kết hợp được văn hóa rap, nhịp điệu hip-hop vào một thứ rất đậm tinh thần văn hóa Việt là nhạc Trịnh.
Hà Lê thường được kỳ vọng sẽ đem nhạc Trịnh dù đã rất đại chúng rồi tiếp cận một lớp khán giả trẻ mới. Nhưng dường như kiểu làm nhạc của anh cũng lọt tai các lứa tuổi khác. Bằng chứng là anh đứng cạnh Quang Dũng, Tùng Dương, Minh Thu, Lô Thủy… trong một đêm nhạc toàn Trịnh tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 27/6 tới. “Nếu nhạc của tôi mà kết nối được cả hai thế hệ như thế thì vui quá,” anh chia sẻ. “Nhạc Trịnh dành cho tất cả mọi người. Giới trẻ bây giờ chưa có điều kiện tiếp xúc với nhạc Trịnh có thể vì những bản phối trước đây tạm thời không còn phù hợp. Kiểu của tôi bây giờ có thể gây ấn tượng ban đầu đấy, nhưng đến khi các bạn có cơ hội tìm lại những bản gốc với những giọng ca kinh điển thì có khi một số bạn lại mê cái đó hơn nhạc của tôi”.
Rõ ràng nhạc Trịnh đã vẽ nên một chân dung Hà Lê hoàn toàn mới, có thể khiến người ta quên đi những sản phẩm của anh thời “tiền Trịnh”. Anh thật thà: “Tôi cũng muốn ra những bài mới chất lượng, nhưng khả năng sáng tác của mình không xuất sắc lắm. Mình muốn tìm những nhạc sĩ viết cho mình những bài ca có thông điệp, có nội dung sâu sắc thì nhìn xung quanh không có. Nên tôi mới phải quay lại tìm bác Sơn vì những lời ca, thông điệp, triết lý rất phù hợp, chính là cái tôi đang tìm kiếm và muốn chia sẻ đến mọi người”.
“Việc tôi khiến nhạc Trịnh phổ biến hơn với các bạn trẻ hay nhạc Trịnh giúp tôi định hình sự nghiệp là các hệ quả (bonus) thôi. Cơ bản là tôi đang cố gắng tìm cho mình một thứ âm nhạc giúp bộc lộ mình rõ nhất, khiến mọi người nhận ra tôi ngay qua sản phẩm. Là nghệ sĩ, phong cách, cá tính riêng là cái mình cần”, anh khẳng định.
Hà Lê: “Mình đã biết đang ‘ở trọ’ ở đây rồi, biết cuộc đời này hữu hạn rồi thì mình không nên kìm hãm bản thân, mình nên bứt phá, sống hết mình với tất cả những gì mình đang dự định”.
Lợi thế của Hà Lê so với nhiều nghệ sĩ tự do khác là chỉ phải lo làm nhạc cho hay, tài chính đã có công ty lo. Anh tỏ ra hài lòng với đối tác Sony. “Tôi cũng nhắm đến họ từ rất lâu, khi biết họ có mặt ở Việt Nam thì phải nắm chặt cơ hội thôi. Vì tôi biết họ có thể làm được gì. Nếu mình muốn làm việc chuyên nghiệp, muốn đi xa hơn thì đúng là phải theo họ, phải thay đổi, phải chia sẻ về thị trường để họ thích ứng nhanh hơn”. Hà Lê đang là một điển hình quản lý thành công của một công ty nước ngoài tại Việt Nam. Mô hình này đang tỏ ra hiệu quả và phù hợp với nghệ sĩ Việt Nam hơn cách đào tạo quản lý kiểu Hàn Quốc.