Những người đàn ông bận áo dài

Áo dài đàn ông trong di sản
Áo dài đàn ông trong di sản
TP - Ông nội tôi là người không biết chữ, nhưng ông thuộc rất nhiều bài hát ru, cùng ca dao hò vè và những bài cúng điếu. Thật lạ, từ thuở bé, tôi nghe và thuộc những lời há tru, không phải từ bà hay má, mà từ ông nội.

Con chim xanh xanh ăn trái xoài xanh/Ăn no tắm mát đậu cành cây đa/Cực lòng em phải nói ra/Chờ trăng trăng xế, chờ hoa hoa tàn.

Đó là một trong nhiều lời bài hát ru mà tôi nghe được từ ông, để sau này ru em, tôi cũng thường cất giọng ê a. Hát theo quán tính kiểu nhập tâm thôi, chứ hồi bé thì không hiểu gì. Sau này lớn lên, đôi khi băn khoăn tự hỏi, không biết “con chim xanh xanh” là chim gì? Đó là một loài chim có thật hay biểu tượng? Lúc muốn hỏi cho rành rẽ thì ông đã thành người thiên cổ rồi.

Ông nội tôi là một nông dân thực thụ, một người khai hoang dũng cảm. Tôi vẫn nhớ đôi bàn chân to bè của ông. Thường thì ông mang một đôi dép cao su hoặc chân không (chân trần), khi chân dẫm một cây gai, ông liền nhổ nó ra rồi phun nước miếng vào đó. Có khi cây gai đâm sâu quá thì ông lấy con dao găm cứa vào lớp da bàn chân tạo thành đường rãnh để nhổ gai ra.

Ngoài thuộc nhiều bài hát ru, ông nội tôi còn thuộc nhiều bài cúng điếu. Ngày ấy, nhà tôi có giỗ chạp gì cũng đều mời ông về cúng. Cúng xong ông xem chân gà rồi luận quẻ tốt xấu trong năm. Trong tay nải của ông, lúc nào cũng có một bộ áo dài vải phin màu trắng. Đó là kiểu áo dài đàn ông, tôi cũng không nhớ là may ở đâu, nhưng năm nào má tôi cũng may cho ông một bộ mới để bận cúng giỗ và đi chúc Tết.

Trước bàn thờ gia tiên, ông nội tôi trang nghiêm trong bộ áo dài màu trắng, chòm râu bạc rung rinh, ông e hèm rồi cất giọng ngâm nga. Tôi không rõ ông học bài cúng ở đâu, mà khi đọc lên nghe du dương trầm bổng, lớp nghĩa này nối lớp nghĩa khác: “Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới”... Tiếc là hồi đó tôi không chép lại những bài cúng này. Sau này lớn lên, xa quê, tôi cũng trở thành người đàn ông trụ cột gia đình. Mỗi dịp Tết về, tôi cũng là người đứng cúng tất niên, cúng đưa ông Táo… Và, trong gói hàng mã bán ngoài chợ cũng đã ghi sẵn lời bài cúng. Nhưng sao tôi thấy không hay, đọc lên nghe không du dương như ngày xưa ông tôi từng đọc. Và, tôi nghĩ rằng, có lẽ ông tôi đã từng đọc một văn bản khác, đó là thứ chữ nghĩa được chắt lọc từ trong dân gian, neo vào trí nhớ của bất kỳ thường dân nào. Còn chúng tôi, giờ được xem là học nhiều biết rộng, nhưng không thể nào thuộc nổi một bài cúng gia tiên.

***

Ba tôi không có áo dài trắng để bận mỗi khi cúng. Khi cúng, ông cũng không đọc to lên như ông nội tôi, mà lầm rầm, kiểu như khấn nguyện những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình. Và, với cả những người “khuất mày khuất mặt”.

Không bận áo dài trắng. Nhưng ba tôi cũng có một vài bộ áo dài để mặc vào ngày Tết. Thường thì màu chàm hoặc màu lam. Vào sáng mồng một Tết, ba bận áo dài rồi đưa chúng tôi đi tảo mộ. Xong nghi thức thắp nhang trên khu mộ dòng tộc, mấy cha con quay về đi chúc Tết bà con nội ngoại.

Đó là những năm của thời bao cấp. Những người đàn ông bận áo dài đạp xe đạp đi chúc Tết như ba tôi không nhiều, nhưng cũng không phải là hiếm. Tôi lúc đó còn nhỏ, mỗi khi thấy ba bận áo dài thì cảm thấy xấu hổ. Và, tôi cũng thấy ba tôi có vẻ gì đó hơi lập dị, khi vào những chiều giáp Tết mưa phùn, ông bận áo dài, rồi cầm một bó nhang cháy rừng rực đi cắm dọc bờ mương trước nhà. Sau này lớn lên một chút, tôi hiểu hành động của ba chính là nhang khói cho những vong hồn.Vùng quê tôi, thời chiến tranh rất ác liệt.Khi tôi lớn lên đất nước đã hòa bình, nhưng dấu vết chiến tranh phải đến mấy chục năm sau mới phai mờ.

***

Năm 1991 tôi rời quê nhà vào Sài Gòn học đại học. Hành trang của tôi là một cái rương gỗ, trong đó có vài cuốn sách với vài bộ quần áo và một chiếc xe đạp mới toanh, được xem như là phần thưởng.

Những người đàn ông bận áo dài ảnh 1 Áo dài được coi là quốc phục đàn ông Việt

Từ năm 15 tuổi tôi đã xa nhà trọ học. Nhưng phải đến khi vào đại học thì tôi mới có dịp vào Sài Gòn và đây là nơi sống xa nhà nhất của tôi. Vào Sài Gòn, ngoài việc học, tôi còn mang một nhiệm vụ quan trọng, đó là đi Cần Thơ tìm gặp một người cậu. Cậu tôi, trước năm 1975 là phi công cho lực lượng Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, cậu không về quê mà trôi dạt xuống Cần Thơ, mưu sinh bằng nghề bán kem que và bong bóng dạo.Lúc này, tôi cũng chưa từng biết Cần Thơ ở đâu, nhưng cứ liều lĩnh đi.

Vào một ngày cuối tuần, tôi ra bến xe miền Tây đón xe đò đi Cần Thơ, rồi ngồi xe lôi đến địa chỉ có ghi trong tờ giấy. Việc tìm kiếm khá dễ dàng chứ không gian nan như tôi tưởng, vì lúc đó thành phố Cần Thơ còn thưa vắng. Nhưng tôi chỉ gặp được mợ tôi với đứa con nhỏ. Lúc này cậu đi bán hàng chưa về. Phải khi sập tối cậu mới về, đẩy vào nhà một chiếc xe kem với một chùm bong bóng bay sặc sỡ. Cảm giác đầu tiên khi tôi gặp cậu là thất vọng. Tôi không hình dung một phi công lại đi bán kem dạo, và trông dáng vẻ cao to của cậu không còn chút gì oai hùng, như trong suy nghĩ của tôi. Vả lại, lúc đó tôi còn quá non nớt để có thể chuyện trò với một người đàn ông từng trải như cậu. Tôi chỉ biết là mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Sáng hôm sau, khi cậu đi làm, tôi đón xe đò về lại Sài Gòn.

 
   
Những người đàn ông bận áo dài ảnh 2 Áo dài được coi là quốc phục đàn ông Việt
Nhiều năm sau, tôi hay tin cậu đi Mỹ theo diện HO. Lúc này những người bà con cũng từ quê vào Sài Gòn tiễn cậu. Tôi còn nhớ, đó là một buổi tối, cũng là lần đầu tiên tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất tiễn một người đi xa. Tôi không gần gũi cậu nên chỉ đứng xớ rớ quan sát. Tôi thấy mọi người đứng vào chụp hình rất nhiều. Thế rồi, trước khi vào khu vực làm thủ tục, tôi thấy cậu bảo mọi người chờ một chút, nói rồi cậu đi về phía khu vực vệ sinh. Khi cậu trở ra tôi thấy cậu bận một bộ áo dài màu đỏ, trên đầu quấn chiếc khăn đóng. Cậu chào từ biệt mọi người rồi bước vào trong.

Giống như cảm xúc hồi bé mỗi lần thấy ba tôi bận áo dài, khi thấy cậu thay áo dài, tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy buồn cười. Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu vì sao cậu lại bận áo dài Việt Nam để ngồi lên máy bay sang Mỹ. Tôi thấy có gì đó lập dị. Nhưng rồi qua thời gian, khi nhiều kỷ niệm nhòa mờ như một tất yếu, thì ký ức tôi vẫn lưu giữ hình ảnh cậu bận áo dài giữa phi trường. Lúc đó cậu không giải thích lý do mình bận áo dài, nhưng rõ ràng hành động đó đã thay cho những điều muốn nói.

***

Ông tôi, ba tôi, cậu tôi… từng là những người đàn ông bận áo dài. Nhưng họ bận áo dài không phải để ra phố chụp vài pô hình khoe trên facebook. Họ bận áo dài như một nghi thức tôn kính. Lúc đó, trông họ vừa oai nghiêm vừa đẹp đẽ, dù chiếc áo dài đó có thể đã được may một cách vụng về, với một chất liệu không tốt. Nhưng đó là cái đẹp của tinh thần.

Tôi chưa từng bận một bộ áo dài. Nhưng tôi nghĩ khi nào già đi mình sẽ làm điều đó. Tôi sẽ sắm một bộ áo dài bằng vải phin trắng như của ông nội mình năm xưa.

MỚI - NÓNG
Truyền cảm hứng về nỗ lực vượt lên giới hạn bản thân
Truyền cảm hứng về nỗ lực vượt lên giới hạn bản thân
TPO - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029, anh Nguyễn Khắc Cường và anh Phạm Quang Khoát là hai trong số nhiều đại biểu mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình nỗ lực vươn lên vượt qua giới hạn của bản thân, để cống hiến cho cộng đồng những giá trị tích cực.